Mập mờ các tuyên bố về lợi ích sức khỏe trên sản phẩm

07/08/2023 - 06:03

PNO - Giáo sư Timothy Caulfield - chuyên gia về luật và chính sách y tế tại Đại học Alberta (Mỹ) - là người đã đặt ra thuật ngữ “trục lợi khoa học” để mô tả cách các thương hiệu sử dụng ngôn ngữ khoa học để quảng cáo lợi ích về sức khỏe của các sản phẩm chưa được chứng minh.

Sự mập mờ, trục lợi này không chỉ hiện hữu trên bao bì sản phẩm mà còn ẩn mình trong kết quả tìm kiếm trên internet, các nền tảng truyền thông xã hội và từ những bình luận của các nhóm người có ảnh hưởng. Điều này khiến người tiêu dùng bối rối và có thể sẽ chọn lựa sai. 

Sienna Piccioni - nhà phân tích và trưởng bộ phận sản phẩm làm đẹp tại công ty dự báo xu hướng WSGN (Mỹ) - cho biết: "Người mua ưu tiên bằng chứng khoa học nhưng không phải lúc nào họ cũng có thể phân biệt được sự thật và hư cấu". Một nghiên cứu năm 2021 chỉ ra rằng, những người tin tưởng vào khoa học có nhiều khả năng chia sẻ những tuyên bố sai lệch chứa bằng chứng khoa học giả hơn.

Vào tháng 12/2022, Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ đã sửa đổi hướng dẫn đối với nhóm sản phẩm liên quan sức khỏe, nhấn mạnh rằng các công ty nên hỗ trợ những tuyên bố về sức khỏe “bằng các thử nghiệm lâm sàng trên người có kiểm soát, ngẫu nhiên, chất lượng cao”. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ủy ban khó có thể giám sát chặt chẽ cách từng công ty tiếp thị sản phẩm vì số lượng nhãn hàng là quá nhiều.
 

Người mua hàng nên cảnh giác với những thuật ngữ mơ hồ khi chọn mua sản phẩm chăm sóc sức khỏe - ẢNH MINH HỌA: ISTOCK
Người mua hàng nên cảnh giác với những thuật ngữ mơ hồ khi chọn mua sản phẩm chăm sóc sức khỏe - Ảnh minh họa: Istock 

Các công ty thường cố gắng kiếm tiền từ những xu hướng mới nhất, chẳng hạn như than hoạt tính hay adaptogen. Dù vậy, Michelle Wong - chuyên gia hóa mỹ phẩm - chia sẻ, ngay cả những thành phần có hiệu quả về mặt khoa học cũng chưa chắc đem lại kết quả tốt.

Chẳng hạn các thương hiệu chăm sóc da và sắc đẹp bổ sung 0,2% vitamin C trong kem dưỡng ẩm dù nghiên cứu cho thấy hàm lượng này cần phải cao hơn mới có tác dụng. Đây là lý do tại sao danh sách các thành phần có vẻ khoa học trên sản phẩm thường không nói nhiều về chất lượng hoặc số lượng của từng thành phần, cũng như cách chúng tương tác lẫn nhau và tính ổn định về hiệu quả.

Các nhà sản xuất thường sử dụng những từ ngữ không có định nghĩa rõ ràng, chẳng hạn như “hỗ trợ”, “thúc đẩy”, “kích thích”, “tăng cường” và “tối ưu hóa”. Jonathan Jarry - chuyên gia truyền thông tại Đại học McGill (Mỹ) - giải thích, không có cách nào để đo lường một từ mơ hồ như “hỗ trợ”. Các cụm từ khác như “đã được thử nghiệm lâm sàng”, “được hỗ trợ bởi nghiên cứu”, “được bác sĩ khuyên dùng” và “dựa trên bằng chứng khoa học”, xuất hiện nhiều ở nhóm sản phẩm chăm sóc sắc đẹp hoặc chăm sóc cá nhân và thường thiếu ngữ cảnh mà chúng cần được xác minh.

Christy Harrison - chuyên gia dinh dưỡng kiêm người dẫn chương trình podcast Food Psych tại Mỹ - cho biết: các tuyên bố khoa học trên sản phẩm có thể khó kiểm chứng nhưng một số từ ngữ nhất định sẽ là dấu hiệu để người dùng cảnh giác, ví dụ như “kỳ diệu”, “đột phá”, “bí mật”, “tiến bộ y học” và “tự nhiên”. Cũng cần nên cảnh giác với những tuyên bố ngụ ý rằng đó là một sản phẩm có thể cải thiện đáng kể sức khỏe. Harrison khuyên, trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với chế độ ăn uống hoặc lối sống, hãy điều tra nguồn tin bằng cách đặt những câu hỏi.

Cụ thể như: “Người chia sẻ nội dung được hưởng lợi như thế nào? Họ có đáng tin và mục đích của họ là gì?”. Nên xác minh tính xác thực của tuyên bố bằng cách tìm nguồn thông tin uy tín từ các cơ quan và tổ chức y tế, sức khỏe cộng đồng. Nếu có thể, hãy truy tìm nguồn nghiên cứu gốc. Cuối cùng, cô Harrison khuyên mọi người nên gặp trực tiếp bác sĩ để được tư vấn về các vấn đề mà họ khó có thể tự kiểm chứng.

Linh La (theo New York Times, SMH, Independent)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI