Mạo hiểm và nguy hiểm

05/06/2015 - 14:09

PNO - PN - Tai nạn hy hữu trên đường ray tàu lượn siêu tốc Smiler tại tháp Alton Towers (một quần thể phức hợp gồm công viên giải trí, công viên nước và khu resort gồm hai khách sạn, một sân golf) ở Anh ngày 3/6 khiến nhiều người rùng mình...

edf40wrjww2tblPage:Content

Mao hiem va nguy hiem

Hiện trường vụ tai nạn ở Longshan - Ảnh: Shanghai Daily

Sự cố xảy ra khi một toa tàu lượn chở 16 người đâm sầm vào một toa tàu trống lẽ ra không được để giữa đường chạy. Theo các nhân chứng, sau tiếng va chạm rất lớn, máu tung tóe, mọi người vô cùng hoảng loạn. Tất cả nạn nhân (bốn người bị thương nặng, 12 người bị thương nhẹ) đều là thiếu niên, trong đó một em đứt lìa chân. Phải mất năm giờ, nhân viên cứu hộ mới hoàn tất việc đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường.

Tàu lượn siêu tốc Smiler được sử dụng từ năm 2013 với kinh phí ban đầu 30 triệu USD. Đây là tàu lượn đầu tiên trên thế giới có thể xoay 14 vòng liên tục. Thế nhưng, sau hai năm hoạt động, nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra từ lỗi vận hành. Du khách có mặt ở hiện trường vô cùng giận dữ và đặt câu hỏi, vì sao nhà quản lý quá chủ quan dẫn đến sự cố này. Josh Pilling (20 tuổi) cho biết: “Rõ ràng họ biết đường ray gặp sự cố vì toa có du khách lúc thì chạy, lúc lại dừng. Họ nên di chuyển mọi người ra khỏi toa tàu ấy. Nếu xử lý sớm thì không có tình huống toa tàu tiếp tục khởi động lại và đâm vào toa trống. Lẽ ra họ phải quan sát thật kỹ và có biện pháp can thiệp kịp thời”.

Ông Ian Crabbe, Giám đốc khu vực Alton Towers cho biết, nhà chức trách khu vực đã vào cuộc điều tra, riêng ông vẫn chưa biết cụ thể về trục trặc kỹ thuật của trò chơi này. Theo ông Ian, sự cố này là do bất cẩn trong quan sát, tính toán của những người có trách nhiệm. Sự cố ngày 3/6 là trường hợp tồi tệ nhất so với những sự cố từng xảy ra đối với tàu lượn Smiler.

Hiện đại diện Alton Towers chưa lên tiếng việc hỗ trợ chi phí cho nạn nhân. Tuy nhiên, luật sư Nick Turner, người có nhiều kinh nghiệm trong các vụ kiện tương tự nói rằng, Alton Towers có thể phải mất đến 1,5 triệu USD cho sự cố lần này, dựa trên quy định về an toàn cho khách tham quan cũng như quy định hoạt động của một khu phức hợp quy mô như thế.

Mao hiem va nguy hiem

Luật sư Turner - Ảnh: Mirror

Tháng trước, một vụ tai nạn xảy ra ở công viên giải trí Longshan thuộc tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) khiến dư luận bàng hoàng. Bất cẩn từ nhân viên dẫn đến cái chết thương tâm của hai người, ba người khác bị thương. Khi khách tham quan chưa kịp thắt dây an toàn, nhân viên đã bật công tắc khởi động trò chơi mạo hiểm “Scream” (tiếng thét). Nạn nhân bị hất mạnh, văng xuống đất ở độ cao nguy hiểm. Đến nay, công viên giải trí Longshan vẫn chưa đưa ra cam kết bồi thường nào vì họ cho rằng lỗi của riêng nhân viên.

Năm 2004, nạn nhân 16 tuổi Hayley Williams tử vong khi bị văng khỏi chỗ ngồi ở độ cao trên tàu lượn Hydro (thuộc công viên giải trí Oakwood). Công viên này bị phạt 400.000 USD vì lỗi bất cẩn. Quá trình điều tra cho thấy, nhiều nhân viên tại đây thường xuyên không kiểm tra thanh chắn cũng như dây thắt an toàn. Vì thế, khi những bộ phận trên hỏng hóc, nhân viên không hề biết.

Chuyên viên tư vấn bảo hiểm Tony Caravella, người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm tại các khu trò chơi giải trí nói: “Đừng trông mong các khoản tiền bồi thường sớm gửi đến bạn nếu bạn hoặc người nhà là nạn nhân trong các trò chơi mạo hiểm”. Việc làm rõ trách nhiệm công ty bảo hiểm, trách nhiệm ban quản lý khu trò chơi và trách nhiệm của người chơi sẽ được cân nhắc rất kỹ.

Mao hiem va nguy hiem

Hayley Williams - Ảnh: PA

Các vụ tai nạn chết người khi tham gia trò chơi mạo hiểm là không quá hiếm, hình thức xử phạt và bồi thường luôn được quan tâm nhưng không phải lúc nào cũng được đáp ứng thỏa đáng. Vụ việc ở công viên Action Park, bang New Jersey (Mỹ) là một trong số những trường hợp rất vô lý và thiệt thòi vẫn thuộc về khách tham quan. Một báo cáo năm 1986 chỉ ra, trong năm 1985, có 110 người bị thương từ những trò chơi tại đây, trong đó 45 trường hợp chấn thương ở đầu. Thế nhưng, công viên này chỉ bị phạt đóng cửa tạm thời một lần vì lỗi không tuân thủ quy trình an toàn.

***

Một ngày trước khi xảy ra vụ tai nạn tàu lượn siêu tốc Smiler, nhiều khách tham quan đã đăng tải thông tin trên mạng xã hội Twitter tàu lượn này từng gặp sự cố. Đây là lời cảnh báo với du khách, bởi họ cần ý thức sự an toàn của bản thân hơn ai hết. Luật sư Turner cũng nhấn mạnh: “Khi sự cố xảy ra, nhà quản lý khu trò chơi luôn tìm mọi lý do để bảo vệ cho họ nên sẽ tìm cách quy lỗi bất cẩn về phía bạn. Vì thế, hãy thận trọng, cân nhắc mình có nên tham gia một trò chơi mạo hiểm vì trước hết, chính bạn mới là người chịu trách nhiệm cho quyết định của mình”.

THIÊN NHƯ (Daily Mail, Mirror, Shanghai Daily, listverse.com)

Lưu ý trước khi tham gia trò chơi mạo hiểm:

- Đọc kỹ tất cả thông tin cảnh báo được dán trước mỗi khu trò chơi.

- Nếu thấy nguy cơ có thể gây ra tai nạn, hãy la to và yêu cầu được giải quyết ngay.

- Đừng quá trông chờ vào nhân viên vì họ có thể bị quá tải nên rất dễ lơ đễnh.

- Hãy tự trông chừng bản thân và bảo đảm luôn thắt dây an toàn, làm đúng quy định khi tham gia trò chơi mạo hiểm.

- Trang phục khi đến các khu trò chơi cần gọn gàng, mang giày kín để tránh những tiếp xúc, vướng víu có thể gây nguy hiểm.

- Đừng cố tham gia một trò chơi mạo hiểm nếu thấy sức khỏe và tinh thần bạn không ổn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI