Mạo danh quỹ đầu tư mời gọi gửi tiền rồi chiếm đoạt

17/02/2023 - 06:22

PNO - “Chúng tôi không gọi vốn trong nước hoặc kêu gọi góp tiền trong nước dưới bất kỳ hình thức nào. Thông tin Mekong Capital trực tiếp kêu gọi các cá nhân trong nước góp tiền là sai sự thật” - đại diện quỹ Mekong Capital khẳng định.

 

Sau khi đầu tư 300.000 đồng, chị H. được đưa vào một nhóm chat có vài trăm thành viên, được cho biết là tất cả đều thu về lợi nhuận 270.000 đồng/người/ngày trong nhiều ngày  liền. Nhưng với chị H. lợi nhuận chưa đến tay thì chị đã bị lừa mất gần 700 triệu đồng.

Đầu tư 300.000 đồng, thu về 500.000 đồng/ngày

Mới đây, trang “Đầu tư sinh lời tức thì” trên Facebook đăng video có đóng dấu logo của quỹ đầu tư VinaCapital trong đó sử dụng hình ảnh nữ doanh nhân Thái Vân Linh - shark Linh, người đang hợp tác với VinaCapital để chia sẻ, kêu gọi đầu tư vào chương trình Vinasip. 

Theo nội dung trong video, nếu mở tài khoản, nhà đầu tư (NĐT) sẽ nhận được 1 triệu đồng; đầu tư 400.000 đồng sẽ thu lợi nhuận từ 200.000-500.000 đồng/ngày, được hỗ trợ bảo hiểm vốn 200%, không cần làm gì cũng có tiền đều đều để mua nhà, mua xe… Đoạn video ngắn này thu hút 2.500 lượt thích (like), hàng trăm bình luận cảm ơn vì đã đầu tư thành công. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có rất nhiều trang (fanpage), nhóm (group) trên mạng xã hội Facebook kêu gọi đầu tư. Nội dung quảng cáo trên các trang, nhóm này na ná nhau: trong video quảng cáo, họ ghép đoạn chia sẻ của một doanh nhân ở một sự kiện nào đó rồi mời gọi đầu tư. Rất nhiều doanh nhân nổi tiếng đang hợp tác với các quỹ đầu tư lớn như ông Đỗ Quốc Tuấn (shark Tuấn), ông Phạm Thanh Hưng (shark Hưng), bà Đỗ Thị Kim Liên (shark Liên)… bị ghép hình ảnh vào các hoạt động này. Có người còn lập trang mạo danh các báo, đài nổi tiếng để thu hút các NĐT. 

Trang “Đầu tư sinh lời tức thì” giới thiệu, đang có chương trình đầu tư theo hội nhóm của chuyên gia, đang khai thác sự biến động của thị trường vàng. Nhắn tin vào trang, chúng tôi được tư vấn: nếu góp vốn 300.000 đồng, tham gia đủ 2 phiên giao dịch, sẽ nhận được lợi nhuận 300.000-500.000 đồng/ngày. Trang này cung cấp đường dẫn (link) là trang chỉ số chứng khoán Nasdaq (Mỹ) để tạo tài khoản. Một số trang khác thì cung cấp đường link vinacapitalvn.com - gần giống với trang web của quỹ đầu tư VinaCapital là vinacapital.com.

Không ít người đã mất số tiền lớn khi góp vốn vào các “quỹ đầu tư” trên mạng xã hội này. Phản ánh đến Báo Phụ nữ TPHCM, chị T.T.H. (tỉnh Lào Cai) cho biết, chị đã bị lừa gần 700 triệu đồng khi vào trang Facebook giả mạo quỹ đầu tư VinaCapital. Chị kể, gần đây, chị tìm kiếm thông tin về các quỹ đầu tư mở trên các nền tảng trực tuyến. Sau đó, trên điện thoại của chị liên tục xuất hiện các đoạn video ngắn quảng cáo về VinaCapital, của các đài truyền hình nổi tiếng.

Chị nhắn tin (chat) với các trang này thì được hướng dẫn tạo tài khoản để lên sàn trực tuyến và sàn này có logo của VinaCapital. Với vốn đầu tư ban đầu 300.000 đồng, chị được đưa vào một nhóm chat có vài trăm thành viên, được cho biết là tất cả đều thu về lợi nhuận 270.000 đồng/người/ngày trong nhiều ngày liền. Khi các NĐT đang phấn khích thì được thông báo: quỹ VinaCapital có 15 suất khuyến mãi, mỗi ngày sẽ có 1 NĐT trúng thưởng. Nếu đầu tư 30 triệu đồng thì trúng 1,25 tỉ đồng, có hình chụp chứng minh tiền về ngân hàng, mẫu phiếu thu tiền của ngân hàng để làm bằng chứng. Thấy vậy, chị H. liền đầu tư 90 triệu đồng, được trúng thưởng 4,3 tỉ đồng. Số tiền này hiển thị trên sàn chứng khoán, trên tài khoản của chị, có văn bản bảo lãnh tiền, có cam kết số tiền đầu tư không bị thua lỗ, trên mỗi văn bản có dấu mộc đỏ của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (?).

“Lúc này, các đối tượng yêu cầu nếu muốn rút tiền nhanh về tài khoản thì phải nộp phí 3% trên tổng số tiền rút, nếu rút chậm trong 91 ngày thì nộp phí 2% nên tôi đã đồng ý nộp 120 triệu đồng để được rút tiền nhanh. Sau đó, các đối tượng viện đủ lý do để tôi phải nộp thêm tiền, chẳng hạn báo phần mềm bị lỗi, phải đóng tiếp 188 triệu đồng để mua phần mềm mới, phải đóng phạt 100 triệu đồng do tiền thưởng bị vượt cam kết trên sàn chứng khoán, đóng thuế thu nhập cá nhân 5%. Tổng số tiền mà tôi đã đóng cho họ gần 700 triệu đồng và đã bị lừa mất hết” - chị H. kể. 

Tổ chức bị mạo danh, cá nhân bị lừa

Ông Ngô Trung Dũng - Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) - cho biết, nhiều công ty bảo hiểm đang liên kết với các quỹ mở để ra các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Chính vì vậy, các đối tượng xấu đã giả mạo các công ty bảo hiểm, gắn thêm logo các quỹ đầu tư nổi tiếng vào để lừa đảo. Mô hình này đang nở rộ, nạn nhân phản ánh khá nhiều. 

Trên các mạng xã hội có rất nhiều mẩu quảng cáo mời gọi đầu tư giả mạo hình ảnh các doanh nhân nổi tiếng
Trên các mạng xã hội có rất nhiều mẩu quảng cáo mời gọi đầu tư giả mạo hình ảnh các doanh nhân nổi tiếng

Theo ông, nạn nhân dễ sập bẫy là do địa chỉ các công ty bảo hiểm giả mạo được ghi trùng với địa chỉ của các công ty bảo hiểm nhân thọ đang hợp tác với các quỹ đầu tư. Chẳng hạn, trên phiếu chứng nhận đầu tư mà các nạn nhân gửi cho ông xem có ghi Công ty Bảo hiểm đầu tư National, địa chỉ tại tòa nhà Sunwah (quận 1, TPHCM). Đây là địa chỉ một công ty bảo hiểm đang liên kết với quỹ VinaCapital. Trên phiếu còn đóng logo của quỹ VinaCapital, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, Sở Giao dịch chứng khoán TP Hà Nội. 

Để không bị lừa, NĐT phải có kiến thức cơ bản về tài chính, pháp luật. Trước khi đầu tư, chuyển tiền, phải luôn tự hỏi họ là ai, có pháp nhân không, có uy tín không, việc mình chuyển tiền cho họ có được đảm bảo bằng hợp đồng không, rủi ro của việc đầu tư này là gì, cách thức tạo ra lợi nhuận của phương thức đầu tư này là gì? NĐT có thể tự trả lời các câu hỏi này nhờ công cụ tìm kiếm Google hoặc hỏi những người có kiến thức, trải nghiệm.

Ông Lâm Minh Chánh - chuyên gia tài chính cá nhân

Đại diện VinaCapital cho biết, gần đây, quỹ này cũng nhận được phản ánh về việc bị mạo danh để mời gọi đầu tư qua các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Telegram, TikTok… với mức lãi suất hằng ngày rất cao. Các cá nhân này yêu cầu NĐT chuyển tiền vào một tài khoản của cá nhân để đặt lệnh, sau đó lừa chiếm đoạt tiền. Đặc biệt, có nhiều trang trên Facebook còn dùng những video mà VinaCapital hợp tác với bà Thái Vân Linh để quảng cáo các hình thức đầu tư không hợp pháp.

Đại diện VinaCapital khẳng định, quỹ này không bao giờ yêu cầu NĐT chuyển tiền vào tài khoản cá nhân mà yêu cầu chuyển vào tài khoản của quỹ được mở tại ngân hàng giám sát. Các số tài khoản này đều được công bố trên trang web của quỹ, tài khoản ở ngân hàng giám sát luôn được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kiểm soát để đảm bảo tiền của quỹ được sử dụng đúng mục đích đầu tư như đã nêu trong bản cáo bạch và điều lệ. 

Các quỹ Dragon Capital, Mekong Capital còn bị các đối tượng xấu mạo danh để tiếp cận cộng đồng đầu tư của chính các quỹ này rồi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Có một ứng dụng tên là ECC đã sử dụng trái phép hình ảnh, logo, trang web và địa chỉ của Mekong Capital, kêu gọi NĐT góp tiền để nhận hoa hồng, hướng dẫn NĐT đến văn phòng của Mekong Capital để nhận lại tiền. 
Ông Trần Nguyên Đán - giảng viên chuyên ngành bảo hiểm và quản trị tài chính, Trường đại học Kinh tế TPHCM - thông tin, các tổ chức, cá nhân lừa đảo đều đưa ra mồi nhử là lãi suất cao. Trong khi đó, nhiều NĐT chỉ chăm chăm nhìn vào lãi suất mà không quan tâm đến các thông tin khác. Ngay cả các công ty ủy thác đầu tư cũng không bao giờ cam kết lãi suất mà chỉ ước tính lợi nhuận đạt được bình quân trong dài hạn (5-10 năm trở lên). Công ty nào đảm bảo lãi suất cao chắc chắn là lừa đảo. 

Để tránh lừa đảo, người muốn đầu tư phải tìm kiếm thông tin của công ty bảo hiểm. Nếu tham gia qua công ty bảo hiểm thì sẽ có hợp đồng bảo hiểm, tiền được chuyển vào tài khoản công ty bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm hợp pháp đều có tên trong danh sách của Bộ Tài chính và nằm dưới sự giám sát của Cục Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), chỉ cần tra thông tin là biết công ty bảo hiểm hợp pháp hay không. 

Ông cho rằng, cơ quan chức năng cần truy tố những kẻ lừa đảo thông qua hình thức kêu gọi đầu tư. Ông cũng cảnh báo người dân: “Trên đời này, không có hình thức đầu tư nào cho lãi suất cao bất ngờ và được đảm bảo. Nếu phát hiện các mô hình đầu tư cam kết lãi suất cao, người dân nên báo cho cơ quan chức năng, không nên để bị lừa rồi mới đi tố cáo hoặc cố tình lừa thêm người khác. Cơ quan chức năng nên xử lý ngay khi được người dân trình báo và thấy có dấu hiệu lừa đảo”. 

Bích Trần - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI