Mạo danh công ty thời trang tuyển người mẫu nhí

12/04/2023 - 06:41

PNO - Gần đây, rộ lên tình trạng các đối tượng lừa đảo lập trang web, trang mạng xã hội mạo danh thương hiệu thời trang nổi tiếng, đăng tin tuyển người mẫu nhí quảng cáo sản phẩm mới nhằm lừa tiền các phụ huynh.

Thấy con gái 6 tuổi thích làm người mẫu, chị N.Q. (quận Phú Nhuận, TPHCM) lên mạng tìm địa chỉ tuyển người mẫu nhí. Đọc được trang (fanpage) Rabity trên mạng xã hội Facebook có đăng thông báo tuyển người mẫu trẻ em chụp ảnh quảng cáo các mẫu quần áo mới, chị liền đăng ký cho con tham gia. Chị N.Q. không biết đó là trang giả mạo thương hiệu. 

Một phụ huynh cung cấp những hướng dẫn, yêu cầu của các đối tượng lừa đảo
Một phụ huynh cung cấp những hướng dẫn, yêu cầu của các đối tượng lừa đảo

Sau khi cung cấp thông tin (tên, tuổi, ảnh chụp toàn thân, cận mặt của bé) theo yêu cầu của “nhà tuyển dụng”, chị được cung cấp mã thí sinh, như thể con chị đã qua vòng sơ khảo. Phía “nhà tuyển dụng” thông báo con chị sẽ được đào tạo thành người mẫu chuyên nghiệp, chụp ảnh quảng cáo sản phẩm cho thương hiệu, trình diễn thời trang, lương cứng khoảng 5 triệu đồng/tháng, cộng thêm 20% hoa hồng doanh số bán sản phẩm do bé quảng cáo.

Sau đó, chị N.Q. được đưa vào nhóm trò truyện trên Telegram (một ứng dụng nhắn tin trực tuyến), trong đó có rất nhiều người tự nhận là trợ lý thương hiệu, chuyên viên, tổng giám đốc của Rabity cùng nhiều phụ huynh khác. Tại đây, các phụ huynh được hướng dẫn làm các “nhiệm vụ” như mua hàng theo đơn từ trang web do các đối tượng này cung cấp, mỗi đơn có giá 400.000 đồng. Mỗi lần mua hàng, phụ huynh được hoàn trả 440.000 đồng (gồm 400.000 đồng tiền thực hiện giao dịch, và 10% (40.000 đồng) hoa hồng từ chính đơn hàng). 

Với những giao dịch ban đầu có số tiền nhỏ, chị N.Q. và các phụ huynh được hoàn tiền đầy đủ. Nghĩ càng mua càng có lãi, nhiều người tích cực đặt mua hàng với trị giá lớn hơn. Đến khi chị N.Q. chuyển 80 triệu đồng mua hàng thì không còn được hoàn tiền với lý do “sai ký tự nội dung”. Mỗi lần khiếu nại, chị đều bị gây khó dễ. Sau cùng, chị gọi điện đến Công ty TNHH Tân Phú - ở TP Hà Nội, là chủ sở hữu thương hiệu thời trang Rabity - thì được biết, công ty này không tuyển người mẫu và yêu cầu mua hàng như trên.

Chị N.H.C. (quận Phú Nhuận, TPHCM) cũng gặp tình trạng tương tự nhưng sớm xác minh và phát hiện fanpage mạo danh nhà sản xuất nên đã dừng trao đổi. Điều mà chị N.H.C. lo lắng là liệu các đối tượng mạo danh này có dùng hình ảnh con mình vào mục đích xấu hay không. 

Ngoài Rabity, nhiều thương hiệu thời trang khác như Uniqlo, Yody, Canifa cũng bị mạo danh để lừa đảo. Chủ thương hiệu Yody còn cảnh báo về nhiều phương thức lừa đảo khác, như tặng quà online miễn phí, tuyển nhân sự, cộng tác viên tại nhà làm việc nhẹ, lương cao… nhưng cuối cùng là yêu cầu mua hàng ảo rồi chiếm đoạt tiền. 

Theo luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TPHCM), trong các vụ việc này, các thương hiệu bị mạo danh cũng chỉ là nạn nhân. Tuy nhiên, để thể hiện trách nhiệm với người tiêu dùng, họ cần phối hợp với bên thứ ba (chẳng hạn các phương tiện thông tin đại chúng) để kịp thời cảnh báo đến khách hàng. Khách hàng cũng cần tỉnh táo, cảnh giác khi trao đổi hay thực hiện các yêu cầu từ những nền tảng công nghệ. Các thương hiệu nổi tiếng đều có trang web chính thức, phụ huynh chỉ nên thực hiện các lệnh, yêu cầu qua các trang web này. 

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI