Mạo danh cảnh sát giao thông để lừa đảo

01/06/2021 - 06:00

PNO - Những ngày gần đây, nhiều lái xe bất ngờ nhận được cuộc gọi thông báo có liên quan đến tai nạn giao thông gây chết người. Đối tượng gọi điện yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng... Trước đó, chiêu trò giả danh cảnh sát giao thông yêu cầu đóng tiền phạt nguội cũng khiến nhiều lái xe hoang mang.

Tội gây tai nạn chết người từ trên trời rơi xuống

Phản ánh với Báo Phụ Nữ TPHCM, anh Nguyễn Vĩnh (ngụ Q.10, TPHCM) cho biết, lúc 12g19 ngày 19/5, anh nhận được cuộc gọi từ số điện thoại +22863642854, tự xưng là cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an TP.Đà Nẵng - thông tin rằng vài ngày trước anh có thuê xe tự lái và gây chết người ở TP.Đà Nẵng. Sau khi nghe anh Vĩnh giải thích, anh là tài xế ở TPHCM, hai năm nay không ra Đà Nẵng, thì “cán bộ” yêu cầu anh bấm phím chín gặp “cán bộ cảnh sát hình sự” để giải quyết vụ việc. Qua điện thoại, “cán bộ cảnh sát hình sự” đọc thông tin về một vụ tai nạn xảy ra tại Đà Nẵng và cho biết, anh Vĩnh có thể kiểm tra thông tin về vụ việc trên báo chí.

Hai số điện thoại lạ điện cho anh Vĩnh để lừa đảo
Hai số điện thoại lạ điện cho anh Vĩnh để lừa đảo

“Tôi tra thông tin thì đúng là trên báo có viết về một vụ tai nạn với biển số xe họ nêu, nhưng không ghi tên người gây tai nạn nên tôi rất hoang mang”, anh Vĩnh nói.

Khoảng 30 phút sau, anh Vĩnh lại nhận được cuộc gọi từ số điện thoại +8832363822300 tự xưng là “Công an TP.Đà Nẵng” yêu cầu anh hợp tác điều tra vụ tai nạn chết người. Đáng nói là các đối tượng đọc đúng ngày, tháng, năm sinh của anh Vĩnh và yêu cầu anh cung cấp số chứng minh nhân dân và tài khoản ngân hàng. Lo lắng, anh Vĩnh điện thoại cho người thân để hỏi thì mới biết đây là cuộc gọi lừa đảo.

20 phút sau đó, đầu số +22863642854 lại gọi điện đe dọa anh Vĩnh “nếu không hợp tác sẽ bị xử lý hình sự”. Anh Vĩnh yêu cầu gửi giấy mời làm việc về địa phương nơi anh sinh sống là Công an TPHCM thì đối tượng tắt máy. 

“Cũng may tôi có người quen làm việc ở cơ quan nhà nước tư vấn mới khỏi bị lừa đảo. Họ hù dọa bài bản vậy, người dân nào mà không sợ”, anh Vĩnh chia sẻ.

Trước đó, đầu tháng 5/2021, ông N.K.H. (ngụ Q.Bình Tân) là tài xế taxi công nghệ cũng nhận được cuộc gọi từ đầu số +670xxxxxxx817 xưng là cán bộ phòng CSGT. Người gọi điện thông báo là vào tháng 4/2021, anh H. có điều khiển xe không chấp hành tín hiệu đèn giao thông. Nếu anh H. không chuyển tiền thì sẽ bị tước bằng lái và phạt bốn triệu đồng. Lo lắng, anh H. gọi điện hỏi cảnh sát khu vực mới biết đây là cuộc gọi lừa đảo.

Anh H. chia sẻ: “Họ gọi cho mình thì được, nhưng mình gọi lại không được. Tôi nghĩ, lái xe rất sợ bị thu bằng lái nên có thể, nhiều người sẽ bị mất tiền oan”.

Cảnh sát giao thông không gọi điện yêu cầu đóng phạt

Trung tá Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC08), Công an TPHCM, cho biết: “Tất cả trường hợp vi phạm qua hình ảnh, phạt nguội, chúng tôi đều gửi thông báo mời chủ phương tiện đến làm việc, có biên bản, rồi mới xác định ai là người vi phạm, tiếp nữa mới ra quyết định xử phạt. Không có chuyện vừa nhận thông báo phạt nguội là người dân lên web để đóng phạt”.

Theo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt TPHCM, thời gian gần đây đã xuất hiện hình thức lừa đảo: thông báo vi phạm qua điện thoại và yêu cầu nạn nhân làm theo hướng dẫn để chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn của bọn này là sử dụng phần mềm công nghệ cao (voice over IP - cách gọi sử dụng ứng dụng truyền tải giọng nói qua mạng máy tính, giả số điện thoại hiện trên màn hình), giả số điện thoại công khai của cơ quan CSGT, cơ quan bưu điện… để gọi điện đến thuê bao di động, điện thoại bàn của người dân để thông báo về việc có liên quan đến một biên lai xử phạt nguội về giao thông nhằm làm cho người dân hoang mang, lo sợ để khai thác thông tin cá nhân.

Cẩn thận khi nhận cuộc gọi đầu số lạ

Một cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TPHCM cho biết, những năm gần đây, tình trạng giả danh cơ quan công quyền gọi điện lừa đảo người dân xuất hiện khá nhiều và chiêu thức liên tục thay đổi.
“Như trường hợp của anh Vĩnh, tôi có thể khẳng định đó là lừa đảo. Cơ quan điều tra không làm việc qua điện thoại như vậy. Khi cần người dân phối hợp điều tra thì cơ quan chức năng sẽ gửi giấy mời trực tiếp, không làm việc qua điện thoại. Hơn nữa, các đầu số +22, +88 từng bị phản ánh là cuộc gọi lừa đảo khá nhiều. Người dân nên cẩn thận với cuộc gọi có đầu số lạ, số điện thoại dài hơn số thuê bao thông thường ở Việt Nam”, vị cán bộ phòng cảnh sát hình sự thông tin.

Sau đó, nhóm này yêu cầu nạn nhân kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng để chuyển vào tài khoản của chúng hoặc cung cấp mã OTP để chuyển tiền vào tài khoản của chúng với vỏ bọc xác minh, điều tra, xử lý phạt nguội; đồng thời, yêu cầu nạn nhân bí mật với gia đình, kể cả nhân viên ngân hàng về mục đích chuyển tiền để chiếm đoạt.

Lãnh đạo PC08 khuyến cáo người dân cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác với các cuộc gọi điện thoại liên quan đến biên lai phạt nguội giao thông. Khi nhận được các cuộc gọi này, đề nghị người dân nhanh chóng đến báo tin cho công an địa phương nơi gần nhất. 

 

Quy trình phạt nguội thế nào?

Theo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt TPHCM, quy trình phạt nguội như sau: sau khi camera an ninh ghi lại hình ảnh vi phạm giao thông, lực lượng chức năng sẽ gửi thông báo đến chủ phương tiện. Theo thư mời, chủ phương tiện phải đến cơ quan công an để xác minh người điều khiển là ai, từ đó cơ quan công an sẽ ra quyết định xử phạt hành chính. Nếu chủ phương tiện không phối hợp, cơ quan công an sẽ có biện pháp chế tài.

Sơn Vinh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI