Manila rơi vào nhóm thành phố căng thẳng nhất thế giới

23/06/2021 - 22:03

PNO - Theo một nghiên cứu về đô thị mới công bố, thủ đô Manila của Philippines ở trong số những thành phố căng thẳng nhất thế giới.

Trong nghiên cứu khảo sát 100 thành phố của thương hiệu an sinh Đức VAAY, Manila đứng thứ 98 với tổng số điểm là 29,4, tụt hậu đáng kể so với thủ đô các nước láng giềng - Ảnh: PhilStar
Trong nghiên cứu khảo sát 100 thành phố của thương hiệu an sinh Đức VAAY, Manila đứng thứ 98 với tổng số điểm là 29,4, tụt hậu đáng kể so với thủ đô các nước láng giềng - Ảnh: PhilStar

Trong nghiên cứu khảo sát điều kiện sống 100 thành phố của thương hiệu an sinh Đức VAAY, Manila đứng thứ 98 với tổng số điểm 29,4/100. Manila tụt hậu so với thủ đô các nước và lãnh thổ láng giềng - Singapore (thứ hạng 33), Đài Bắc (71), Hồng Kông (74), Kuala Lumpur (76), Bangkok (87) và Jakarta (92).

Các thành phố châu Âu giàu có như Reykjavik ở Iceland, Bern ở Thụy Sĩ và Helsinki ở Phần Lan là ba thành phố ít căng thẳng nhất để sinh sống. Trong đó, Reykjavik đạt điểm 100/100 hoàn hảo.

Wellington của New Zealand và Melbourne của Úc lần lượt đứng ở vị trí thứ 4 và thứ 5.

Nghiên cứu được thực hiện bởi thương hiệu phong cách sống CBD có trụ sở tại Berlin (Đức), phù hợp với mục tiêu thúc đẩy sự cân bằng nội tâm và bình yên trong cộng đồng.

"Chúng tôi thực hiện một số nghiên cứu để xác định các thành phố căng thẳng nhất và ít căng thẳng nhất trên thế giới, dựa trên các yếu tố cấu trúc và môi trường phổ biến, nhưng đôi khi bị bỏ qua và có thể góp phần tạo nên mức độ căng thẳng chung của một cá nhân.

Kết quả là chỉ số 100 thành phố lớn trên toàn cầu được cấu thành từ hơn 15 yếu tố và mỗi thành phố được xếp hạng theo thang điểm từ căng thẳng nhất đến ít căng thẳng nhất. Chúng tôi hy vọng sẽ cho thấy những thành phố nào đang dẫn đầu trong việc cải thiện đời sống của người dân và có thể là nguồn cảm hứng cho những thành phố bị tụt hậu”, thương hiệu an sinh Đức VAAY giới thiệu.

VAAY nhấn mạnh rằng những thành phố có tên trong danh sách không nhất thiết là những thành phố căng thẳng nhất và ít căng thẳng nhất trên thế giới, vì chúng được chọn do "khả năng so sánh toàn cầu".

Manila được xếp hạng là một trong những thành phố căng thẳng nhất trên thế giới - Ảnh: Shutterstock
Manila được xếp hạng là một trong những thành phố căng thẳng nhất trên thế giới - Ảnh: Shutterstock

​Nghiên cứu đã xem xét 15 yếu tố vĩ mô góp phần gây ra căng thẳng và được thu hẹp thành bốn hạng mục chính là quản trị, y tế, đô thị và tài chính.

Điểm số quản trị bao gồm an toàn và an ninh, ổn định chính trị xã hội, bình đẳng giới và bình đẳng các nhóm thiểu số. VAAY cho biết hạng mục quản trị đại diện cho "các khuôn khổ xã hội được định hình bởi các quyết định chính sách và luật pháp địa phương, tất cả đều có thể tác động đến tư duy của một cá nhân".

Manila đạt điểm thấp với 29,8/100 về an toàn và an ninh và 38,1/100 về ổn định chính trị xã hội. Điều thú vị là thành phố này có điểm bình đẳng giới (74,3) và bình đẳng thiểu số (65,4) khá cao.

Phạm trù đô thị rộng hơn và được chia thành sáu yếu tố: mật độ (số dân/km2), tắc nghẽn giao thông, thời tiết, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn và ô nhiễm ánh sáng.

Nghiên cứu xem xét ảnh hưởng của môi trường vật chất vì một điều đã được chứng minh rằng "mật độ sống cao góp phần gây ra lo lắng và căng thẳng".

Manila có mật độ dân cư đông đúc - 20.784 người/km2 - so với các quốc gia ít căng thẳng nhất trong danh sách, có chưa đến 500 người/km2.

Tỷ lệ thất nghiệp, căng thẳng tài chính và an sinh xã hội là những yếu tố được xem xét trong danh mục tài chính. Các chỉ số tài chính của Manila là căng thẳng tài chính (49,3) và an sinh xã hội (51,2).

Sức khỏe tâm thần, khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tác động căng thẳng của ứng phó với COVID-19 được xác định trong danh mục sức khỏe. Các mối quan tâm về chăm sóc sức khỏe tăng cao, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch.

Điểm số sức khỏe của Manila như sau: Sức khỏe tâm thần (94,9); Tác động căng thẳng của việc ứng phó với COVID-19 (85,6); Tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe (42,4).

Nghiên cứu đề cập đến tham số đo lường sức khỏe và đánh giá của Viện sức khỏe tâm thần. Theo đó, điểm số cao hơn "cho thấy tỷ lệ rối loạn sức khỏe tâm thần thấp hơn, đóng góp tích cực vào tổng điểm".

Theo một số nguồn tin như Ủy ban Châu Âu (EC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), điểm tiếp cận chăm sóc sức khỏe cao cho thấy "một hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt hơn và một thành phố ít căng thẳng hơn". Điểm số cao của tác động căng thẳng ứng phó với đại dịch cho thấy phản ứng ít căng thẳng hơn, dẫn theo dữ liệu của Đại học Oxford.

Cẩm Hà (theo The Philippine Star)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI