Mạnh tay với xây dựng trái phép ở đảo ngọc

21/05/2024 - 06:08

PNO - Thời gian qua, tình trạng xây dựng trái phép, lấn chiếm đất rừng, đất nhà nước… diễn ra khá phức tạp trên đảo Phú Quốc (TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), gây ra nhiều hệ lụy cho quy hoạch chung của hòn đảo xinh đẹp. Để lập lại trật tự trong xây dựng và phát triển của đảo, các ngành chức năng đang mạnh tay cưỡng chế các công trình vi phạm…

Cưỡng chế: không có "vùng cấm"!

Hiện tại, UBND TP Phú Quốc đã và đang phối hợp với các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang mạnh tay xử lý những công trình xây dựng trái phép, lấn chiếm đất công, đất rừng… Điển hình như khu 79 căn biệt thự tại ấp Đường Bào (xã Dương Tơ), tòa nhà khách sạn 12 tầng ở ấp Cửa Lấp (xã Dương Tơ), trạm xe buýt sân bay cũ và hàng chục bungalow lấn chiếm khu bảo tồn biển (xã Hàm Ninh)… Các công trình trái phép đã ngang nhiên xây dựng, bất chấp pháp luật, khiến người dân bức xúc.

Khu đất 79 căn biệt thự xây trái phép tại ấp Đường Bào (xã Dương Tơ, TP Phú Quốc) đã và đang được cưỡng chế tháo dỡ
Khu đất 79 căn biệt thự xây trái phép tại ấp Đường Bào (xã Dương Tơ, TP Phú Quốc) đã và đang được cưỡng chế tháo dỡ

Chúng tôi đến khu 79 căn biệt thự có diện tích gần 19ha tại ấp Đường Bào khi nơi đây đã cưỡng chế tháo dỡ một số biệt thự. Người dân ở đây cho biết, khu đất lấn chiếm đất rừng phòng hộ được UBND tỉnh Kiên Giang thu hồi và giao cho UBND xã Dương Tơ quản lý. Trước đó, vào năm 2017-2018, một số người đã đến phân lô, làm đường bê tông nội bộ, lắp đặt đường ống cấp thoát nước, kéo điện và xây dựng hàng loạt biệt thự kiên cố.

Tháng 9/2022, tổ công tác đặc biệt của tỉnh Kiên Giang phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, lập biên bản về việc lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép đối với 79 căn biệt thự. Trong đó, 62 căn bị lập biên bản vi phạm hành chính, 3 căn chủ tự phá dỡ… Chính quyền địa phương đã ban hành quyết định buộc khắc phục hậu quả trả lại hiện trạng ban đầu đối với 32/62 căn, trong đó có 26 quyết định cưỡng chế (đã tổ chức cưỡng chế 16 trường hợp, 7 trường hợp người vi phạm tự nguyện tháo dỡ, 3 trường hợp chưa tổ chức cưỡng chế). Ước tính, mỗi căn biệt thự tại khu vực này có giá từ 5-10 tỉ đồng (gồm đất và xây dựng) tùy theo diện tích và kiến trúc.

Đến tháng 3/2023, các cơ quan chức năng cũng tháo dỡ 7 bungalow trong hàng chục công trình vi phạm khu bảo tồn biển Phú Quốc ở xã Hàm Ninh. Thế nhưng, gần đây lại tiếp tục có những công trình xây dựng trái phép và cũng bị buộc phải tự tháo dỡ để trả lại hiện trạng ban đầu. Điển hình như công trình khách sạn 12 tầng của ông Vũ Mạnh H. ở ấp Cửa Lấp (xã Dương Tơ), tòa nhà của ông Lê Trọng Đ. (phường Dương Đông)…

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều công trình xây dựng trái phép chưa thể thực hiện cưỡng chế do chủ công trình khiếu nại, kiện ra tòa. Như tại khu Suối Lạng (xã Gành Dầu) có 260 căn nhà xây dựng trái phép trên đất rừng, chính quyền địa phương đã lập biên bản, hoàn thiện hồ sơ xử lý theo quy định. Ngoài ra, các xã khác cũng có hàng ngàn trường hợp xây dựng trái phép, nhưng chính quyền chưa thể xử lý dứt điểm.

Người dân Phú Quốc rất ủng hộ việc chính quyền xử lý mạnh tay và triệt để đối với các công trình vi phạm để tạo sự công bằng trong xây dựng, tránh tình trạng làm “cho có” rồi lại “đâu vào đấy”. Ông Huỳnh Quang Hưng - Chủ tịch UBND TP Phú Quốc - nhìn nhận: “Cưỡng chế các căn biệt thự xây trái phép với giá hàng tỉ đồng cũng xót lắm, nhưng không thể không làm. Chúng tôi chẳng vui gì khi cưỡng chế, nhưng quy định của pháp luật thì phải làm nghiêm…”.

Ông Lê Quốc Anh - Bí thư Thành ủy TP Phú Quốc - cũng khẳng định: quan điểm chung là xử lý dứt điểm và không có ngoại lệ. Địa phương khuyến khích người dân tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm, đồng thời mạnh dạn phản ánh, tố giác tình trạng bị lừa khi mua nhầm đất trái phép để chính quyền thu hồi và xử lý…

Siết chặt quản lý trong xây dựng

Thanh tra tỉnh Kiên Giang lưu ý, để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép tràn lan tại Phú Quốc thời gian qua là do khối lượng, tính chất công việc về quản lý đất đai, trật tự xây dựng… tương đối lớn, phức tạp, trong khi điều kiện nhân lực còn ít và hạn chế về chuyên môn, chưa đáp ứng được yêu cầu. Mặt khác, giá trị đất đai ngày một tăng cao, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận tổ chức, cá nhân chưa nghiêm.

Có trường hợp lợi dụng chính sách tách thửa đất nông nghiệp để phân lô bán nền, xây dựng nhà trái phép. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 dẫn đến việc kiểm tra, xử lý không được thường xuyên; một số cá nhân lợi dụng tình hình để lấn chiếm đất, xây dựng trái phép trên đất rừng, đất nhà nước quản lý.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị TP Phú Quốc cho biết, chưa thể thống kê hết các công trình xây dựng trái phép trên địa bàn, vì còn vướng nhiều vấn đề, trong đó có việc cấp xã là đơn vị xử lý đầu tiên, sau đó mới phối hợp để xử lý các hạng mục còn lại…

Mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang đã công bố đồ án quy hoạch TP Phú Quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2040. Ông Huỳnh Quang Hưng cho biết, đang tập trung nguồn lực đáp ứng các tiêu chuẩn nâng Phú Quốc lên đô thị loại 1 trước năm 2025 với mục tiêu phát triển Phú Quốc thành đô thị biển đảo đặc sắc, trung tâm du lịch bền vững, nghỉ dưỡng và dịch vụ có bản sắc, chất lượng cao, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Phú Quốc sẽ là trung tâm thương mại, dịch vụ và chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng, ứng dụng công nghệ cao tầm khu vực và quốc tế; trung tâm chính trị, văn hóa; một không gian sống có chất lượng và gắn bó với người dân trên đảo; quản lý phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển… Vì vậy, tới đây việc siết chặt quản lý trong xây dựng là vô cùng quan trọng.

Ông Nguyễn Thanh Nghị - Bộ trưởng Bộ Xây dựng - yêu cầu tỉnh Kiên Giang và TP Phú Quốc phối hợp với các bộ ngành liên quan sớm triển khai rà soát, điều chỉnh, phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị. Rà soát lại các dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là các dự án hạ tầng kỹ thuật theo đúng quy định; tuân thủ quy hoạch, điều kiện và quy chuẩn về quy hoạch xây dựng theo đúng pháp luật; đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong quy hoạch, đầu tư phát triển và đáp ứng yêu cầu quản lý tại TP Phú Quốc.

Trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch mới cần phải bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng, hệ thống sông suối tự nhiên, các không gian ven biển, các không gian sinh hoạt công cộng, các giá trị thiên nhiên và các bản sắc riêng của địa phương. Cùng với đó, quản lý chặt chẽ việc đầu tư phát triển phù hợp với định hướng phát triển các chỉ tiêu sử dụng đất theo quy hoạch, yêu cầu về không gian, kiến trúc, cảnh quan; chủ động xây dựng các phương án, giải pháp bảo vệ môi trường tự nhiên, đặc biệt là khu vực ven biển…

Đầu tư, mua đất tại Phú Quốc: Cần liên hệ với cơ quan chức năng để tránh rủi ro

Ông Huỳnh Quang Hưng - Chủ tịch UBND TP Phú Quốc - cho biết, địa phương đã có nhiều khuyến cáo đối với các doanh nghiệp, người dân, nhà đầu tư rằng: khi có nhu cầu đầu tư, chuyển nhượng đất đai tại Phú Quốc thì liên hệ với xã phường, phòng quản lý đô thị, phòng tài nguyên và môi trường… để nắm bắt thông tin chính xác về quy hoạch nhằm tránh gặp rủi ro, bị lừa đảo.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam) cho biết, hiện tại, thị trường bất động sản ở Phú Quốc không còn “sốt ảo” như thời điểm năm 2017-2018, thay vào đó giá đất đang xuống thấp, nhiều người tập trung mua đất nền với giá cả vừa phải. Về lâu dài cần sự chung tay của chính quyền địa phương cũng như các doanh nghiệp để tạo ra thị trường bất động sản lành mạnh.

Phú Hữu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI