Mạnh tay để bảo vệ sức khỏe thế hệ trẻ

09/12/2024 - 06:44

PNO - Dù cơ chế, tác hại không khác gì ma túy hay các chất gây nghiện khác, bóng cười vẫn được mua bán, sử dụng ở các tụ điểm vui chơi, giải trí trong hàng chục năm qua. Trên mạng xã hội, chỉ sau một cuộc gọi, các bình “khí cười” sẽ được chở tới giao tận nhà.

Điều gì khiến cho bóng cười - cụ thể là khí N2O được bơm vào quả bóng - vẫn được ưa chuộng và mua bán công khai? Có lẽ, trước hết là từ nhận thức của người sử dụng. Với những người trẻ, bóng cười hay thuốc lá điện tử được xem là phương tiện giải trí không gây hại cho sức khỏe. Bởi vậy, không ít nam sinh, nữ sinh bị yếu liệt chân tay, đứng không vững nhưng vẫn không nghi ngờ gì về thủ phạm là khí N2O.

Các bình “khí cười” được quảng cáo, rao bán trên mạng xã hội - Ảnh chụp màn hình Facebook
Các bình “khí cười” được quảng cáo, rao bán trên mạng xã hội - Ảnh chụp màn hình Facebook

Bóng cười còn là “đường dẫn” để người trẻ “lậm” vào các chất gây nghiện khác. Còn nhớ, năm 2018, tại lễ hội âm nhạc diễn ra ở Hồ Tây (TP Hà Nội), từ sử dụng bóng cười, nhóm người trẻ đã kết hợp dùng thêm ma túy tổng hợp khiến 7 người tử vong.
Để xảy ra việc mua bán, sử dụng công khai N2O trong các tụ điểm giải trí, không thể không nói tới sự lỏng lẻo trong quản lý loại khí gây độc này. Sau vụ việc Công an TP Hà Nội triệt phá đường dây nhập khẩu hàng ngàn tấn N2O sai mục đích mới đây, hoạt động kinh doanh, hít bóng cười ở TP Hà Nội vẫn diễn ra nhộn nhịp.

Mới đây, trong kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua nghị quyết về việc cấm sử dụng khí gây nghiện, gây hại cho sức khỏe. Đây là tín hiệu đáng mừng, là cơ sở để giải quyết tận gốc tình trạng sử dụng bóng cười. Để đạt hiệu quả, cùng với lệnh cấm sử dụng hóa chất sai mục đích, cần phải có phương thức quản lý chặt chẽ và chế tài đủ mạnh đối với các hành vi vi phạm quy định cấm này.

Chúng ta có thể nhìn lại việc quản lý salbutamol - loại hóa chất dùng trong y tế nhưng lại bị lạm dụng để làm chất tạo nạc cho heo, tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư cho người sử dụng. Từ năm 2012, salbutamol được đưa vào danh mục chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi, theo Thông tư 57 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thế nhưng năm 2015, qua kiểm tra, rất nhiều mẫu thức ăn chăn nuôi dương tính với hóa chất này. Trong một thời gian dài, cơ quan chức năng đã không phát hiện ra sự bất thường giữa số lượng nhỏ salbutamol dùng trong ngành dược với khối lượng lớn chất salbutamol được nhập khẩu. Tới nay, vẫn còn tình trạng dùng salbutamol trong chăn nuôi. Tương tự, người ta vẫn có thể dễ dàng mua được xyanua - chất cực độc đã bị cấm lưu hành, buôn bán, trao đổi, phát tán, sử dụng dưới mọi hình thức ở Việt Nam.

Với bóng cười, bên cạnh việc cấm sử dụng, cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý các đơn vị nhập khẩu, các đơn vị sử dụng khí N2O. Đơn vị mua bán N2O phải đăng ký mục đích sử dụng và bị phạt nặng nếu kinh doanh sai mục đích. Quản lý hóa chất không chỉ ở đầu vào mà còn phải kiểm soát đường đi, từ nhập khẩu, sản xuất tới sử dụng.

Hy vọng rằng, với nghị quyết mới của Quốc hội và với những quy định trong Luật Hóa chất (sửa đổi) sắp tới cũng như sự quyết tâm của Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan, chất N2O sẽ bị quét sạch khỏi thị trường giải trí, nhằm bảo vệ sức khỏe thể chất, tinh thần của thế hệ trẻ nước nhà.

Lê Thu Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI