Mạnh mẽ để vượt qua khủng hoảng tại cột mốc 1/3 cuộc đời

26/07/2023 - 06:15

PNO - Gần giống với khủng hoảng tuổi trung niên, khủng hoảng xảy ra ở độ tuổi 20 hoặc đầu 30 bởi sự dằn vặt, mất kết nối trong các mối quan hệ cũng như cảm giác lưng chừng khi đứng trước những bước ngoặt về công việc, tình cảm, gia đình…

Lời nguyền tuổi 35

Ở châu Á, lối sống điển hình đòi hỏi mọi người phải kết hôn ở độ tuổi ngoài 20, cân bằng giữa công việc và cuộc sống, sinh con. Khi khoảng 35 tuổi, bạn phải “ổn định” với nhà cửa, xe cộ và 2 đứa con. Khi một số người cố gắng đi chệch khỏi khuôn mẫu trên, họ khó tránh khỏi một cuộc khủng hoảng hiện hữu trong giai đoạn 1/3 cuộc đời, khi vấn đề giao tiếp và lập kế hoạch diễn ra không giống như mong đợi chung.

Các dấu hiệu của cuộc khủng hoảng 1/3 cuộc đời bao gồm căng thẳng, bối rối, cảm thấy không an toàn, thiếu năng lượng, mất hứng thú  với sở thích, cô đơn, giảm động lực… - Ảnh minh họa: ISTOCK
Các dấu hiệu của cuộc khủng hoảng 1/3 cuộc đời bao gồm căng thẳng, bối rối, cảm thấy không an toàn, thiếu năng lượng, mất hứng thú với sở thích, cô đơn, giảm động lực… - Ảnh minh họa: Istock

Deepika Angannan - một nhân viên 32 tuổi ở bang Tamil Nadu (Ấn Độ) - giải thích: “Mọi người xung quanh tôi chỉ muốn thảo luận về tài chính, cổ phần, con cái, mua nhà, xe hơi… Một cuộc gặp gỡ với bạn bè không còn dễ dàng như trước vì mọi người bị trói buộc bởi những cam kết cá nhân. Có rất nhiều điều xảy ra với sức khỏe tinh thần và thể chất. Bạn hiểu rõ rằng kiếm tiền là ưu tiên hàng đầu bởi vì không lâu nữa, vị trí của bạn có thể bị thay thế. Nghĩa vụ với cha mẹ, gia đình, con nhỏ và những trách nhiệm khác khiến bạn cảm thấy mình kiệt sức khi phải đảm nhận nhiều vai trò cùng một lúc”.

Tại Trung Quốc, áp lực cuộc sống được hiện thực hóa qua “Lời nguyền tuổi 35” - thuật ngữ đề cập đến tình trạng nhiều công ty không thích làm việc với những nhân viên từ 35 tuổi trở lên.

Flynn Fan - một nhân viên 35 tuổi tại Trung Quốc - nói với tờ New York Times rằng anh cảm thấy mình “vô dụng” đối với xã hội. Anh bắt đầu lo sợ về tuổi tác khi bước sang tuổi 30 vì tin rằng mình có thể bị mất việc trong vài năm nữa. Năm 2021, Flynn Fan thường rời văn phòng lúc 23g để cố gắng hoàn thành tốt công việc. Nỗ lực này kéo dài trong 3 tháng và khiến anh phải uống thuốc an thần vì căng thẳng.

Dù cố gắng rất nhiều nhưng vào cuối năm 2022, anh cùng các đồng nghiệp đồng trang lứa tại một công ty trí tuệ nhân tạo ở Thượng Hải đều bị cho nghỉ việc. Anh Flynn tiết lộ, hầu hết đồng nghiệp của anh đều độc thân hoặc đã kết hôn mà không có con vì lo sợ tình trạng bấp bênh về kinh tế. Trong năm 2023, anh đã gửi hồ sơ tới hơn 300 công ty và nhận được 10 cuộc phỏng vấn nhưng không có lời mời làm việc nào sau đó. Giờ đây, anh đang tìm kiếm những công việc được trả lương thấp hơn mức lương trước đó từ 20 đến 30%. 

Đón nhận thay đổi

Giai đoạn khủng hoảng 1/3 cuộc đời khó nhận biết hơn một chút so với cuộc khủng hoảng ở tuổi trung niên. Bởi nó xảy ra vào thời điểm mà hầu hết mọi người đều đang vật lộn để khẳng định mình. Phoebe Dodds - người sáng lập công ty tư vấn tiếp thị Buro155 ở London (Anh) - cho biết, khi chuẩn bị đón sinh nhật lần thứ 27 vào đầu năm 2023, cô cảm thấy mình như rơi vào một chiếc hố của suy nghĩ tiêu cực. Dù nhìn chung cô hài lòng với hầu hết các khía cạnh trong cuộc sống của mình - một vị hôn phu hoàn hảo, những người bạn và gia đình tuyệt vời, một sự nghiệp tốt - nhưng cô không thể rũ bỏ được cảm giác bất mãn sâu sắc với cuộc sống. 

Gemma Perlin - Liên đoàn Khai vấn quốc tế (ICF) - chia sẻ: “Thông thường, bạn cảm thấy khủng hoảng ngay trước một sự thay đổi mang tính bước ngoặt. Hãy bắt đầu bằng cách tập sắp xếp lại suy nghĩ và thay đổi quan điểm cá nhân. Thay vì tập trung vào những gì có thể sai, hãy tập trung vào những cơ hội và bài học bạn có sẵn ngay bây giờ”. Theo cô, khi mọi thứ cảm thấy quá tải “hãy chia cuộc khủng hoảng thành những nhiệm vụ hoặc mục tiêu nhỏ hơn, dễ quản lý hơn”. Cô giải thích: “Mọi thứ sẽ dễ giải quyết hơn khi bạn đặt ra các mục tiêu cụ thể và có thể đạt được, đồng thời tạo một kế hoạch để giải quyết từng vấn đề một cách có hệ thống”.

Riêng về các mối quan hệ cá nhân, nhà trị liệu tâm lý John-Paul Davies từ Cobham (Anh) chỉ ra rằng, lòng tự trọng một phần xuất phát từ việc chúng ta biết bản thân mình là ai và điều này được củng cố nhờ phản hồi tích cực của những người xung quanh. Đó là lý do tại sao tương tác xã hội lại rất quan trọng. Dù vậy, không phải ai cũng có thời gian và cơ hội để kết bạn mới. Lời khuyên của ông là “cố gắng làm sâu sắc thêm các mối quan hệ hiện có, những mối quan hệ mà bạn từng cảm thấy thoải mái, ngay cả với những người đã lâu không còn liên lạc”. 

Linh La

(theo Guardian, New York Times, First Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI