“Mạnh” là biết ứng xử có văn hóa

15/04/2013 - 17:12

PNO - PN - Người đàn ông được gọi là phái mạnh, có lẽ vì từ xa xưa tới nay trong các công việc đòi hỏi tới cơ bắp hay đấu tranh chống thú dữ, giặc giã thì họ luôn phải tiên phong, sẵn sàng chịu hiểm nguy. Bản chất "cơ bắp" của...

Anh bạn tôi là bộ đội đặc công từng vào sinh ra tử. Khi giải ngũ, anh ra công tác dân sự và được cơ cấu giữ chức vụ giám đốc một ngân hàng. Ở tuổi tứ tuần, anh vẫn còn tràn đầy tiềm năng, sinh lực. Anh từng là ước mơ của “nhiều em”. Đùng một cái, anh như kẻ mất hồn, dù thanh minh kiểu gì người ta cũng biết anh có chuyện buồn! Hóa ra cô vợ xinh đẹp của anh đã “lăng nhăng” với chính một nhân viên cùng cơ quan. Kết cục, gia đình tan vỡ, khi họ đã có với nhau ba mặt con.

“Manh” la biet ung xu co van hoa

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Một hàng xóm của tôi thì lại xử lý vợ ngoại tình kiểu khác. Anh đánh cho người tình của vợ một trận thừa sống thiếu chết giữa phiên chợ làng. Anh bắt vợ mỗi ngày phải tự tát vào mặt mình một trăm cái và mỗi cái tát lại kèm theo một câu chửi. Chỉ đến khi chính quyền vào cuộc, anh ta mới chịu thôi, nhưng luôn luôn hậm hực.

Trong cả hai trường hợp trên, hai người đàn ông đều là những người rất yếu.

Yếu thứ nhất là thiếu bình tĩnh. Anh bạn tôi ở câu chuyện thứ nhất, bị mọi người coi thường vì sa vào rượu chè. Giờ trông anh tiều tụy lắm. Anh đã không biết vận dụng “phép lợi thế” để giải quyết sự vụ theo hướng có lợi, tìm cách cân bằng tâm lý cho bản thân, cứu lấy chính mình và gia đình.

Yếu thứ hai là vũ phu, thiếu lòng vị tha. Lòng vị tha làm nên sức mạnh tinh thần. Chú tôi khi từ chiến trường trở về đã phát hiện ra vợ ăn nằm với ông cửa hàng trưởng, mà thím tôi là nhân viên. Mặc dù hai bên nội ngoại trước đó đã bàn nhau giữ kín, vì thương thím tôi hiền lành. Tưởng chuyện tày đình xảy ra, nhưng chú tôi đã hoàn toàn tha thứ cho thím. Chú bảo, đó là do “hoàn cảnh phát sinh”. Thím tôi cảm động khóc suốt bao đêm ngày. Thím tôi kể lại, chính chú tôi cũng khóc. Khóc vì vợ đã thành thật “khai ra” tất cả những tội lỗi của mình. Trong trường hợp này, tiếng khóc của chú tôi thể hiện sự yếu đuối, nhưng hành động của chú lại tạo nên sức mạnh.

Chồng bạn tôi cũng có sai lầm đáng trách. Đó là khi đi ra ngoài thấy vợ người ta nói năng dễ nghe, hiểu biết, nấu ăn ngon thì lại về chê bai vợ, rằng: em vụng về, quê mùa. Lần ấy có khách tới nhà, cô bạn tôi lúng túng chẳng biết xử lý bữa ăn ra sao. Chồng phải kéo bạn ra quán nhậu. Khi chồng trở về, vợ tỏ ý trách chồng tiêu xài hoang phí. Đang cơn say, chồng liền thượng cẳng chân, hạ cẳng tay cho vợ một trận. Sáng hôm sau, chị bạn thân hàng xóm vỗ vai anh chồng và nói: “Chị nói cho chú nghe, giỏi thì ra ngoài đường mà dẹp cướp, anh hùng gì ở cái xó bếp!”. Chồng bạn tôi xấu hổ. Từ vụ ấy, chồng bạn tôi “hiền khô”.

Tôi nghĩ, sức mạnh của người đàn ông là sự hiểu biết, thể hiện ở những ứng xử hàng ngày với gia đình, bạn bè, xã hội. Người đàn ông cần biết tạo ra niềm lạc quan, biết hy sinh, vị tha, biết khơi dậy, mở đường dẫn lối cho những hoàn cảnh không may... Phái mạnh sẽ thật sự mạnh nếu biết tùy cơ ứng biến trong cư xử để tạo nên mối giao hòa có lợi cho cả đôi bên. Thiếu những phẩm chất trên, thì “phái mạnh cũng yếu”!

Hồng Hà (TP. Biên Hòa)
Bài tham gia diễn đàn xin gửi về địa chỉ: phaimanhcungyeu@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI