Mảnh đất hiểm trở nơi phụ nữ được ''kiệu'' đến bệnh viện sinh nở

11/02/2021 - 21:06

PNO - Narenda Kumar sắp được làm cha vào đầu tháng Giêng năm nay. Vợ anh, Kavita, mang thai đứa con đầu lòng từ tháng Tư, ít lâu sau ngày cưới. Thế nhưng giữa niềm phấn khởi, đôi vợ chồng trẻ người Ấn luôn ái ngại về việc, làm thế nào đưa Kavita an toàn đến bệnh viện để đẻ.

Ngôi làng Gwalakot nơi họ sinh sống thuộc tỉnh Almora - bang Uttarakhand, miền bắc Ấn Độ, có địa hình đồi núi hiểm trở. Người dân phải đi lại trên đoạn đường dốc dài, hẹp, băng ngang rừng sồi và đỗ quyên rậm rạp trước khi đến được quốc lộ. Với một sản phụ cần đón xe cấp cứu đến bệnh viện gần nhất tọa lạc ở thủ đô Nainital, quãng đường bộ 3km nói trên trở thành chướng ngại gần như bất khả.  

Phụ nữ
Phụ nữ nơi đây được "kiệu'' đến bệnh viện mỗi khi sinh 

Thế nhưng những ngày gần đây, vợ chồng Kumar đã trút được phần nào nỗi lo. Chính quyền Uttarakhand vừa quyết định đưa vào sử dụng palki, một loại kiệu truyền thống bản địa, để phục vụ cho tất cả sản phụ sinh sống tại khu vực làng mạc hẻo lánh, những người khó có điều kiệu tiếp cận phương tiện giao thông thuận tiện hơn.

Kiệu palki có thiết kế tương tự một cáng gỗ đơn giản, được khiêng bởi nhóm tình nguyện viên nam giới, có thể là giải pháp thức thời nhất lúc này, giúp ích rất nhiều phụ nữ mang thai không thể tự di chuyển đến bệnh viện kịp thời. Tại Gwalakot, trước đây đã có không ít trường hợp sản phụ phải chọn cách sinh nở tạm bợ ở chuồng gia súc hoặc một ngôi nhà trong làng với sự giúp đỡ của bà mụ. 

Sử dụng palki giúp sản phụ di chuyển thuận tiện hơn khi khám thai, sinh nở trở thành giải pháp thực tiễn hữu ích đối với khu vực miền núi đường xá hiểm trở. (Ảnh: Reuters)
Sử dụng palki giúp sản phụ di chuyển thuận tiện hơn khi khám thai, sinh nở trở thành giải pháp hữu ích đối với khu vực miền núi đường xá hiểm trở - Ảnh: Reuters

“Trong làng tôi từng có 2 phụ nữ qua đời do mất máu khi chuyển dạ. Họ không được đưa đi cấp cứu kịp lúc. Nhưng vấn đề không chỉ là quãng đường di chuyển khá dài, nó còn rất nhọc nhằn, gây khó khăn lớn cho một sản phụ. Tôi luôn e sợ cơn đau đẻ của Kavita có thể đến bất ngờ vào nửa đêm hay giữa lúc trời mưa lớn”. Kumar cho biết.

Palki, thường được khiêng bởi một nhóm 4 nam giới, đã xuất hiện từ lâu trong đời sống dân cư miền núi Ấn Độ. Do gặp hạn chế về hệ thống đường xá, người dân buộc phải tự tìm lấy phương tiện giúp khuân vác vật nặng - dầm sắt, tủ lạnh, máy điều hòa, khung giường - lên xuống những con đường dốc đứng quanh co.

Thế nhưng, trước kia, palki không phải lúc nào cũng khả dụng trong trường hợp khẩn cấp như cứu thương hay đưa một sản phụ đến bệnh viện sinh con.

“Đôi khi bạn đinh ninh rằng luôn có sẵn một palki tại nhà người hàng xóm cạnh bên. Nhưng khi có việc khẩn cần dùng, bạn nhận ra nó đã được chuyển đến một ngôi làng khác trong vùng với mục đích rước dâu, và chưa từng được hoàn trả lại cho chủ nhân ban đầu. Nếu quá cấp bách, chúng tôi đành tự chế chiếc kiệu từ vài thanh tre, ở giữa đặt cố định ghế ngồi”. Krishna Chandra, quản lý một nhà trọ sống gần gia đình Kumar, chia sẻ.   

Sonika, Giám đốc dự án Sứ mệnh Y tế Quốc gia (chương trình hỗ trợ cải thiện hệ thống chăm sóc y tế nông thôn được chính phủ Ấn Độ triển khai), chi nhánh tại Uttarakhand, tiết lộ: ý tưởng dùng kiệu như phương tiện hỗ trợ sản phụ, nhằm mục đích khuyến khích thói quen sinh nở an toàn trong bệnh viện.

“Điều tạo ra khác biệt lúc này là chính sách. Phương án sử dụng palki để di chuyển người bệnh, phụ nữ có thai sẽ được tiến hành một cách có hệ thống. Chúng tôi sẽ đảm bảo luôn có những palki sẵn sàng để dùng mọi lúc mọi nơi. Nơi cất giữ chúng sẽ đính kèm theo bảng thông tin chi tiết về thời điểm dự kiến sinh nở của các sản phụ trong mỗi ngôi làng”, Sonika cho biết.

“Mọi người cũng được tuyên truyền rằng, yêu cầu được sử dụng palki là quyền lợi hợp pháp của họ, điều vốn trước đây chưa có”.

Subhai, một trong những ngôi làng miền núi điển hình tại Uttarakhand. Những khu vực hẻo lánh này chỉ có thể tiếp cận bằng hệ thống đường bộ dốc đứng, hiểm trở. (Ảnh: Getty)
Subhai, một trong những ngôi làng miền núi điển hình tại Uttarakhand. Những khu vực hẻo lánh này chỉ có thể tiếp cận bằng hệ thống đường bộ dốc đứng, hiểm trở - Ảnh: Getty

Theo số liệu thống kê từ chính quyền địa phương, Uttarakhand đã cải thiện dần tỉ lệ tử vong khi sinh nở, với 89 trường hợp tử vong trên tổng số 100.000 ca sinh, từ năm 2015-2017. Trên toàn đất nước, tỉ lệ trung bình là 122/100.000.

Chính quyền bang tin rằng, ý tưởng dùng kiệu truyền thống giúp tạo điều kiện đi lại tốt hơn sẽ là cách khuyến khích nhiều phụ nữ chọn đến bệnh viện sinh con. Nhờ chính sách mới kể trên, palki còn có thể được tận dụng cho mục đích khám sức khỏe tiền sản, với toàn bộ chi phí được chính phủ chi trả.

Palki trong lịch sử Ấn Độ là dạng kiệu khiêng nổi bật bởi thiết kế lộng lẫy, tinh xảo, chỉ dành cho giới vua chúa, quý tộc. Kiệu gỗ truyền thống được chạm trổ thêm cả vàng và ngọc quý. Ngày nay, những chiếc palki hiện đại dẫu có cấu trúc giản dị hơn, lại trở thành giải pháp thức thời giúp giảm tải nỗi lo sinh nở cho nhiều phụ nữ ở vùng nông thôn.

Như Ý (theo The Guardian)     

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI