Mạnh dạn thí điểm đủ mạnh để TPHCM bứt phá

12/05/2023 - 19:29

PNO - Trưởng ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng cần mạnh dạn có thí điểm đủ mạnh để TPHCM bứt phá vươn lên.

 

 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là một nghị quyết khó, phức tạp và đỏi hỏi yêu cầu cao nhằm giải quyết điểm nghẽn phát triển TPHCM, tạo bứt phá đồng thời bám sát Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là nghị quyết khó, phức tạp và đỏi hỏi yêu cầu cao nhằm giải quyết điểm nghẽn phát triển TPHCM, tạo bứt phá đồng thời bám sát Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội

Giải quyết điểm nghẽn, tạo cú hích phát triển

Chiều 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Trình bày dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo nhằm xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM.

Dự thảo Nghị quyết đưa ra 7 nhóm cơ chế, chính sách cho TPHCM bao gồm: các cơ chế chính sách về quản lý đầu tư; cơ chế chính sách về tài chính ngân sách; cơ chế chính sách về tài nguyên môi trường; cơ chế chính sách về thu hút nhà đầu tư chiến lược; các cơ chế, chính sách về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; các cơ chế, chính sách về tổ chức bộ máy của TP; các cơ chế, chính sách về tổ chức bộ máy của TP Thủ Đức.

Trong đó, một số quy định cụ thể, nổi bật như: TP được phân bổ nguồn tăng thu ngân sách địa phương cho các dự án mới và bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, được sử dụng vốn đầu tư công của ngân sách TP ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam thực hiện cho vay hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm.

TP áp dụng thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD), được điều chỉnh mức hoặc tỉ lệ thu phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí. Ngân sách TP được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí nêu trên.

TP chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Ngoài ra, TP quyết định cơ cấu số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn; quyết định bố trí ngân sách TP để chi thu nhập bình quân tăng thêm với mức không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ…

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nhấn mạnh, đây là nghị quyết khó và phức tạp, có phạm vi và quy mô lớn, đòi hỏi cao. Nghị quyết phải đảm bảo 3 yếu tố: giải quyết các điểm nghẽn làm cản trở phát triển của TP; tạo cú hích phát huy tiềm năng, bứt phá trong thời gian tới và đảm bảo bám sát nghị quyết của Bộ chính trị và Quốc hội.

Cần chính sách vượt trội để tạo sức nặng đột phá

 

Trưởng ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh chia sẻ, cần mạnh dạn có thí điểm đủ mạnh để TPHCM bứt phá đi lên
Trưởng ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh 

Trình bày báo cáo thẩm tra, bà Vũ Thị Lưu Mai - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội - cho biết, qua tổng kết Nghị quyết số 54 cho thấy, phạm vi, quy mô, tính chất của các chính sách hiện hành còn chừng mực, chưa tạo sức nặng đột phá; nhiều vướng mắc về thể chế đang cản trở phát triển. Trong khi đó, TPHCM là trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước. TP có vai trò quan trọng trong điều tiết về ngân sách trung ương, hiện đang đóng góp khoảng 27%. Việc có chính sách vượt trội là cần thiết không chỉ đối với TP mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả đất nước.

Tờ trình cần làm rõ, với phạm vi chính sách như trong Dự thảo đã đủ để tháo gỡ vướng mắc về thể chế đang cản trở tiến trình phát triển hay chưa. Xét về số lượng chính sách là tương đối rộng, do vậy, cần có sự lựa chọn, có trọng tâm, tránh dàn trải để mỗi chính sách đều có cơ hội đi vào cuộc sống.

Đối với những chính sách chưa đủ căn cứ thực tiễn, chưa rõ về nội hàm, có thể dẫn đến vướng mắc pháp luật thì không nên quy định. Cụ thể như về việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, phát triển SaiGon Coop theo mô hình Liên đoàn Hợp tác xã, đề nghị chỉ thể hiện theo đúng Nghị quyết 31, không mở rộng phạm trù chính sách.

“Dự thảo quy định theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, nhiều quyền hạn được giao cho các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, còn thiếu vắng các quy định về trách nhiệm. Đề nghị bổ sung quy định về chế độ trách nhiệm, bảo đảm đúng nguyên tắc quyền hạn đi đôi với trách nhiệm” -  bà Vũ Thị Lưu Mai lưu ý.

Bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội - chia sẻ, trong thời gian qua, TPHCM bị ảnh hưởng nhiều và ảnh hưởng lớn tới tình hình chung của đất nước. Vì vậy bà thể hiện quan điểm đồng thuận, nhất trí cao với chủ trương này để phát huy vai trò đầu tàu của TP. Bà khẳng định: “Cần thiết ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù TPHCM, mạnh dạn có thí điểm đủ mạnh để TPHCM bứt phá đi lên”.

Bên cạnh đó, khi nghiên cứu dự thảo nghị quyết, bà nhận thấy có sự phân cấp, phân quyền rất lớn Hội đồng nhân dân TPHCM và Hội đồng nhân dân TP Thủ Đức. Tuy tăng thẩm quyền lớn nhưng chưa rõ tổ chức bộ máy liên quan, ngoài thành lập thêm ban đô thị. Bà đặt vấn đề, với các ban khác, số lượng cán bộ chuyên trách… cần có quy định rõ để đảm đương nhiệm vụ phân cấp, phân quyền lớn như vậy.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI