Mạnh dạn lên tiếng để “dê xồm” không còn đất sống

22/04/2024 - 05:56

PNO - Sau những thông tin, cáo buộc liên quan đến môi trường làm việc tại Công ty cổ phần Văn hóa - Truyền thông Nhã Nam và ông Nguyễn Nhật Anh - Tổng giám đốc công ty, người bị phản ánh có hành vi QRTD - ngày 18/4, Ban giám đốc công ty này đã ra công văn xin lỗi bạn đọc, khách hàng, nhân viên, đối tác… đồng thời cho biết, đã quyết định tạm thời ngừng vị trí công tác của ông Nguyễn Nhật Anh tại công ty.

Những ngày qua, cộng đồng mạng sôi sục với thông tin giám đốc một công ty sách bị cáo buộc có hành vi quấy rối tình dục nữ nhân viên. Từ vụ việc này, trên mạng xã hội, hàng trăm nạn nhân đã đăng bài hoặc bình luận kể lại những trải nghiệm tủi hổ của mình.

"Ăn" không được thì xin lỗi "anh nhầm"

Cách đây vài tháng, T. - một nữ họa sĩ trẻ - đã tố cáo một đồng nghiệp đàn anh tìm đủ cách quấy rối tình dục (QRTD) và gạ tình cô. T. trưng ra bằng chứng là hàng loạt tin nhắn của đồng nghiệp “dê xồm” gửi cô.

Một khuya tháng 6/2023, người này gửi tin nhắn rủ T. “đi uống bia vui vẻ”. Thấy không thoải mái, cô từ chối thẳng. Vài phút sau, người này nhắn tin: “Xin lỗi, anh gửi nhầm”. Những ngày sau, người này lại nhắn tin cho T., nói “có cảm giác” với T., cho rằng “10 năm qua, chưa bao giờ anh có cảm giác như vậy với ai, trừ L. (vợ anh ta)”. Thậm chí, người này còn nhắn tin cho T. qua một ứng dụng (app) hẹn hò. Sợ T. không nhận ra mình, anh ta nhắn tin trên Zalo để thông báo cho T. biết, đồng thời rủ “qua đó trò chuyện cho bí mật”. Ngoài ra, anh ta còn liên tục ship quà đến nhà T. dù T. kiên quyết không nhận.
T. rất sốc và mất ngủ hàng tháng trời bởi không thể tin được một người anh thân thiết lại QRTD cô, trong khi trước hội bạn, anh ta luôn tỏ vẻ đạo đức và yêu thương vợ hết mực. T. chợt nhớ lại những lần cả đám đi chơi, uống cà phê, anh ta thường chen vào gần cô và cố tình đụng chạm. Khi đó, cô vô tư nghĩ “anh em thân thiết”. Sau đợt tổng tấn công của anh ta, T. phản ứng mạnh thì anh ta nhắn tin xin lỗi nhưng vẫn tiếp tục “gạ” rằng cảm giác đó là có thật và “anh chỉ mong em hiểu là anh không xem em như trò đùa”.


Khi T. công khai hành vi của anh ta trong nhóm bạn bè đồng nghiệp, anh ta biện hộ rằng T. hiểu lầm, anh ta chỉ quan tâm T. như em gái. Còn hội bạn - những người hiểu tường tận sự việc - lại khuyên T. bỏ qua, sau đó còn lảng tránh T. Thay vì bảo vệ nạn nhân và bài xích hành vi thiếu đạo đức của gã “dê xồm”, họ lại bày tỏ sự tiếc nuối về việc danh tiếng và gia đình viên mãn của anh ta bị ảnh hưởng.

Quấy rối mọi lúc, mọi nơi

Trên thực tế, QRTD diễn ra ở bất cứ đâu, từ nhà ga, xe buýt cho đến trường học, bệnh viện, công ty, cơ quan văn hóa và kẻ có hành vi QRTD đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề, học hàm, học vị.

Cách đây vài tháng, chị N.H. - 31 tuổi, làm lao công trong một công ty thực phẩm - đã phải nộp đơn xin nghỉ việc. Chị uất ức kể: “Ngày nào vào dọn phòng, tôi cũng bị ông trưởng phòng M. sàm sỡ, đụng chạm. Ổng ngồi trên ghế, bắt tôi phải lau kỹ sàn ngay dưới chân ổng. Khi tôi cúi xuống hoặc nhón người lau thì ổng giả bộ lấy đồ để chạm tay vào mông, vào ngực tôi. Khi tôi giật mình, la lên thì ông ta nháy mắt hỏi: “Khi làm chuyện đó sướng, cũng la như vậy hả?”.

Chị H. cho biết, rất bực mình, uất ức, xấu hổ, lo sợ và ghê tởm, nhưng không dám phản ứng do sợ mất việc. Tổ trưởng của chị biết chuyện nhưng chỉ khuyên “cố gắng né thằng dê xồm đó ra”. Thấy mình không được bảo vệ, chị quyết định nghỉ việc ngay trong kỳ nghỉ tết vừa rồi.

Các nữ nhân viên văn phòng thường là nạn nhân của quấy rối tình dục nhưng không nhiều người trong số họ dám lên tiếng - Ảnh minh họa
Các nữ nhân viên văn phòng thường là nạn nhân của quấy rối tình dục nhưng không nhiều người trong số họ dám lên tiếng - Ảnh minh họa

Những ngày qua, có hàng trăm câu chuyện được nạn nhân bị QRTD kể trên trang Facebook cá nhân của mình hoặc bình luận (comment) dưới các bài viết của những người nổi tiếng khiến nhiều người bàng hoàng, thương xót, đồng cảm. Rất nhiều người kể mình từng bị sếp, đồng nghiệp, hàng xóm quấy rối, thậm chí xâm hại tình dục. Trong đó, có không ít người là nạn nhân từ lúc mới 4-5 tuổi và bị chính người thân sàm sỡ, xâm hại khiến họ luôn sống trong cảm giác mặc cảm, bất an.

QRTD không chỉ là hành vi sờ soạng, đụng chạm xác thịt, khoe “của quý” mà thiên biến vạn hóa hơn nhiều. Nhiều người vẫn coi việc các ông gọi tên chim bướm, bóng gió chuyện chăn gối là mảng miếng gây cười mà không nghĩ đó cũng là hành vi QRTD và thủ phạm chính là sếp, là đồng nghiệp vui tính.

Chị N.A. - phóng viên một tờ báo - kể, cơ quan chị có anh đồng nghiệp tên K. rất vui tính, thân thiết với nhiều chị em. Cứ gặp chị em nào là K. nháy mắt: “B.H. hôm nay tím mộng mơ phải hông? Tr. hôm nay xanh hy vọng chớ gì?” để ám chỉ màu quần lót mà họ đang mặc. Các phóng viên trẻ mắc cỡ, bẽn lẽn chạy đi, còn K. cười khoái trá. Trong số các chị lớn tuổi, quen thân với K., có người hợp tác: “Đoán sai rồi”, có người nhắc khéo: “Biến thái quá ông ơi”. K. vẫn cười và sấn tới: “Không đúng thì xét nè, độ 1 chầu cà phê nhé”. Hầu như phụ nữ trong cơ quan tới “ngày đèn đỏ”, K. đều biết và trêu ghẹo.

Bàn làm việc của chị N.A. và K. gần nhau. Lợi dụng điều này, K. nhiều lần choàng tay qua ghế, xoa ót, xoa tai chị. Lúc đầu, chị cũng ngại mình là lính mới, còn K. là phóng viên lâu năm, nên ráng nhịn. “Đến lần thứ tư, tôi hất mạnh tay K. và nghiêm mặt nói “đủ rồi, đây là cơ quan chứ không phải bia ôm tay vịn”. K. xin lỗi “anh chỉ đùa chứ không có ý gì”.

Theo chị N.A., chính nạn nhân phải tỏ thái độ dứt khoát và có phản ứng mạnh với hành vi QRTD; chính thủ phạm mới là kẻ phải mang nỗi lo âu, nhục nhã, mặc cảm chứ không thể có chuyện ngược lại.

Thuỳ Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI