PNO - PN - Diễn đàn Phái mạnh cũng yếu như “trúng tim đen” nhiều người, bởi số lượng bài gửi về tham gia diễn đàn nhiều đến bất ngờ. Phần đông ý kiến của giới nữ cho thấy: phụ nữ, một là thấy chồng mình yếu đuối, nhu...
Tình cảm khiến đàn ông mềm lòng
Khi thấy một người đàn ông mạnh mẽ, giỏi giang ngoài xã hội, về nhà là “lụy” vợ, dù người vợ ấy hư hỏng, ngoại tình, cờ bạc, thậm chí rượu chè, nhưng chồng chị vẫn nhẫn nại chờ đợi, sẵn sàng tha thứ hết lần này đến lượt khác, người ngoài vội kết luận: “Tay đó coi vậy mà yếu đuối quá, phải tôi, tôi bỏ quách cho xong”. Nếu nhìn nhận khách quan, sẽ thấy người đàn ông đó đạt được sự mạnh mẽ cao hơn cái mạnh mẽ thông thường chứ đâu phải yếu đuối? Mạnh mẽ trong niềm tin về tình yêu, mạnh mẽ trong sự chịu đựng để chờ ngày con tim vui trở lại, mạnh mẽ để vượt qua xấu hổ, căm giận, mặc cảm mà tha thứ cho vợ… Tất nhiên, cũng có người đàn ông mạnh mẽ theo cách ấy mà bị vợ “lợi dụng lòng tốt”, đến khi nhận ra đã quá muộn. Nhưng đã yêu thì tin!
Nhiều câu chuyện được kể suốt diễn đàn có cái “tứ” chung: Vợ bội bạc, quá đáng, hành cho “lên bờ xuống ruộng”, nhưng người chồng vẫn nhẫn nại. Người ngoài thấy thương cảm vô cùng, và có ý trách rằng “làm một người đàn ông mà không đủ quyết đoán để giải quyết gọn chuyện hôn nhân thì chẳng đáng mặt”. Nhưng, loại trừ những người đàn ông “cả thèm chóng chán”, trừ thêm những người đàn ông yêu đương lăng nhăng, còn lại, với những người đàn ông yêu vợ sâu đậm mà lâm vô hoàn cảnh bị vợ “hành”, sẽ không dễ gì đưa ra quyết định trái với tình cảm.
Tình cảm là thứ khiến người đàn ông mềm lòng lập tức và dai dẳng. Thế nên, không thể dùng lý trí để phán xét con tim. Khi yêu, đàn ông sẵn sàng chấp nhận là người yếu đuối. Mà yếu đuối theo cách đó, xét cho cùng cũng là một cách yếu đuối đáng yêu.
“Nhẹ đô” hơn chuyện người vợ bội bạc, đó là những trường hợp người vợ nắm “quyền sinh quyền sát” trong nhà, khiến người chồng phải “nhũn như con chi chi”. Những người chồng ấy chẳng phải yếu (bằng chứng là họ “thét ra lửa” ngoài xã hội), nhưng họ muốn giữ hòa khí gia đình, nên chủ động lùi trước vợ. Thói đời, việc gì mà lặp lại nhiều lần cũng thành quen. Người chồng đã lùi được một bước, nên lùi thêm vài bước nữa cũng chẳng sao; còn người vợ đã tiến được một bước, là hồn nhiên muốn tiến hơn nữa, thành “lấn sân” chồng. Đã thế, có người vợ còn lên tiếng chê chồng: “Đàn ông gì mà nhu nhược, chẳng quyết được gì trong nhà, thứ gì cũng phải đến tay vợ”.
Oan ức là thế, nhưng cũng lại vì tình cảm, người chồng vẫn cứ nhường nhịn. Nghe chuyện, bạn bè bức xúc: “Làm sao để chuyện vợ cưỡi lên đầu lên cổ thế được, phải mạnh mẽ lên chứ!”. Có người đã nói thật lòng mà chua chát làm sao: “Nhường nhịn mà đã thế rồi, vùng lên nữa chắc tan nát hết”.
Điều chỉnh từ hai phía
Diễn đàn cũng cho thấy một điều mà ít người để ý: người chồng yếu đuối, nhiều khi là do… vợ. Có người đàn ông trước khi lấy vợ vẫn “bình thường”, nhưng gặp phải người vợ quá dữ dằn, kiểm soát, đe nẹt chồng từng chút, vậy là dần dà, anh yếu lúc nào chẳng hay, gặp chuyện gì cũng đưa ra quyết định theo… ý vợ!
Nếu người vợ cứ thâu tóm hết quyền lực trong nhà, người chồng sẽ đánh mất vai trò trụ cột. Bản năng “muốn là người quan trọng nhất trong nhà” sẽ thôi thúc người chồng muốn làm một cuộc “cách mạng” để thay đổi tình thế. Thế là anh ta cảm thấy bức bối, uất ức triền miên. Đến khi vượt quá mức chịu đựng, “chuyện xấu” sẽ tất yếu xảy ra. Ngược lại, nếu gặp một người vợ hiền lành và biết nhẫn nhịn, người đàn ông khó mà yếu đi.
Nói như thế để thấy rằng, việc điều chỉnh liên quan đến mạnh - yếu, cần được cả vợ và chồng tham gia. Như bạn đọc có địa chỉ email nguyenvantuan@... đã chia sẻ qua diễn đàn: “Nếu người chồng đang lỡ trong thế yếu, rất cần thay đổi cách nghĩ, cách làm để quyết đoán hơn, rắn rỏi hơn. Còn người vợ, nếu đang may mắn ở thế thượng phong, thì cũng nên ý thức được rằng chồng thương vợ mà nhường cho vợ vị trí ấy. Người vợ cần nhìn nhận để điều chỉnh hành động, lời nói, tránh “cậy thế” mà làm tổn thương chồng. Một mối quan hệ bền vững là khi quyền lực được tương đối cân bằng, nếu lệch hẳn qua một phía, sẽ khó bền”.
Cá biệt, có trường hợp đàn ông vốn nhu nhược, thiếu quyết đoán (chứ không phải người vợ khiến anh ta như vậy), thì phải làm sao? Chị A.T. (Q.Bình Tân, TP.HCM) gửi tới diễn đàn than thở: “Chồng tôi giỏi chuyên môn ở công ty, còn trong các mối quan hệ xã hội, với vợ, với bạn bè, với gia đình nhà vợ thì yếu đuối lắm. Nhiều khi thấy chồng lù khù, ai nói gì cũng vui vẻ nghe mà thấy thương, nhưng chẳng biết làm sao để thay đổi chồng…”. Nhiều ý kiến hỏi ngược lại chị T. rằng “sao lại phải thay đổi, thay đổi được gì?”. Trong mắt chị, chồng là người yếu đuối một cách dễ thương, người chồng cũng hài lòng với cách yếu đuối của mình. Tất cả tạo nên mối quan hệ vợ chồng theo mô hình “chồng vui vẻ nhường nhịn - vợ thấy tính cách chồng dễ thương”, vậy chẳng phải là một trong những mô hình tạo nên một cặp đôi hạnh phúc rồi đó sao?
Tính cách tạo số phận. Thực tế, nếu tính cách một người đàn ông yếu đuối, họ dễ bị vợ lấn lướt; tính cách mạnh mẽ, quyết đoán sẽ làm chủ được quyền lực, nhưng nếu không khéo, dễ đánh mất tình cảm của vợ, vì vợ dễ bị o ép. Vậy nên, yếu chưa chắc đã dở, mạnh chưa chắc đã hay. Xét cho cùng, việc phân định mạnh - yếu ở đây là để phục vụ cho việc người vợ và người chồng nhìn nhận lại mối quan hệ để điều chỉnh phù hợp hơn.
Xin được mượn tin vui để kết thúc diễn đàn: tác giả Đại Đồng (người gửi bài viết Người đàn ông yếu đuối (Báo Phụ Nữ ngày 22/3), kể về sự yếu đuối tưởng chừng như phi lý của mình khi cứ mãi tha thứ cho người vợ hoang đàng, thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc) vừa mới gửi thêm một bức thư đến diễn đàn để khoe, "trong lúc cạn kiệt niềm tin yêu, vợ tôi đã bất ngờ quay trở lại. Chúng tôi thống nhất không nhắc lại quá khứ. Hiện chúng tôi quấn quýt, hạnh phúc còn hơn thuở trăng mật".