Thương yêu đáp lại yêu thương
“Con sốt hai, ba ngày rồi mà sáng nay không dám uống thuốc. Con sợ uống thuốc sẽ buồn ngủ, không học được”, bé Tâm Viên thật thà khi thấy cô Loan hốt hoảng. Rờ trán các bé, cô Loan nhẩm đếm, có cả thảy 19 em đang sốt cao. Những đôi mắt lờ đờ, đỏ lên vì sốt. Thế nhưng, các em vẫn kiên trì vào lớp. “Các con cứ uống thuốc rồi uống nhiều nước vô, vào trong nằm nghỉ, hạ sốt hãy ra học”, cô Loan khuyên khi thấy các em ngồi học mệt mỏi. “Tôi thương các con và cảm nhận được hạnh phúc đang dâng lên trong lòng khi đã gieo vào các con sự ham học hỏi” - cô Loan chia sẻ.
|
Cô Loan luôn dành 15 phút sau mỗi buổi học để nhận xét, đánh giá về tình hình học tập cũng như dạy những kỹ năng, cách ứng xử cho các trẻ mồ côi |
Cảm giác hạnh phúc ấy dường như đang lớn lên hàng tuần cùng với hành trình ngày một dài thêm mà cô Lê Thị Loan - Tổ trưởng Tổ Phụ nữ 57, khu phố 3, P.15, Q.Bình Thạnh và các thành viên trong nhóm thiện nguyện đang thực hiện tại Mái ấm Thiện Tâm (H.Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) - nơi đang cưu mang hơn 100 em nhỏ.
“Cô ơi, sao nay thầy Huân, cô Trâm Anh không đến?”, các em hỏi khi đoàn vừa đến. “Các thầy cô tuần này có việc riêng nên không đến với lớp được. Nhưng có các thầy cô khác, các con cứ yên tâm học nhé” - cô Loan dỗ dành. “Cô ơi cô, chừng nào tụi con học xong, cô gọi điện thoại cho con nói chuyện với các thầy cô nhé” - các bé nằn nì. Cuối ngày, như lời đã hứa, cô Loan mở điện thoại gọi video cho cô giáo vắng mặt để các bạn trẻ được trò chuyện. “Con nhớ cô!” - Tâm Viên mếu máo khi nhìn thấy cô giáo qua điện thoại. “Các con như vậy, sao mà bỏ được! Dù cực thế nào các thầy cô cũng cố gắng đến với các con” - cô Loan ôm và vỗ về những đứa trẻ.
Bù đắp thiệt thòi cho trẻ
Những lớp học tại Mái ấm Thiện Tâm được hình thành từ tháng 10/2021, trong một dịp khá tình cờ. Trước dịch COVID-19 bùng phát, cô Loan đã biết nơi này trong những chuyến đi thiện nguyện. Trong dịch, các đoàn từ thiện không đến được, kinh phí để mái ấm xoay xở trông vào thu nhập từ vườn xoài mấy trăm cây của sư thầy. Thế nhưng, thời điểm đó, trái cây cũng ứ đọng vì không xuất được. Cô Loan đã kết nối và bán giúp 22 tấn xoài. Số tiền thu được quá lớn khiến cô phải mang ra giao trực tiếp cho sư thầy. Đến mái ấm, có cơ hội trò chuyện với các trẻ mồ côi, cô nhận thấy các em không chỉ thiếu tình thương mà còn thiếu kỹ năng sống, từ việc chào hỏi, thưa gửi, cho đến ý thức tự phục vụ, giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh chung. Cả mái ấm chỉ có ba, bốn người chăm sóc hơn 100 trẻ, phụ trách cả nấu nướng, giặt giũ, không có thời gian để hướng dẫn các em học hành.
|
Những giờ học đầy phấn khích tại Mái ấm Thiện Tâm |
“Tôi trăn trở làm cách nào để mang tình thương đến cho các em, cho các em những kiến thức cần thiết để mai này các em vào đời. Tôi bàn với một số bạn trẻ gắn bó trong công tác thiện nguyện rồi mạnh dạn trao đổi với sư thầy và sư thầy đồng ý” - cô Loan kể. Thế rồi ba lớp học gồm tiếng Anh, võ Aikido và vẽ được tổ chức vào ngày cuối tuần. Cô Loan cho biết, Aikido dạy các em những thế võ vừa để tự vệ, vừa rèn luyện bản thân. Vẽ là một môn nghệ thuật để các em có cơ hội thể hiện mình. Còn tiếng Anh thì cần thiết với bất kỳ ai. Các lớp đều tổ chức vào cuối tuần nên cô đề nghị các thầy cô giáo cho các em thực hành để thuộc bài ngay tại lớp.
“Những ngày đầu, các con không biết thưa gởi, không có kỷ luật và cũng không có chút ý thức gì. Chén bát ăn xong nằm
Không chỉ gắn bó với những lớp học tình thương tại Mái ấm Thiện Tâm, trong những năm qua, cô Lê Thị Loan đã tham gia rất nhiều hoạt động chăm lo cho cộng đồng. Cô xông pha vào tâm dịch để hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, trao học bổng, chăm lo các em thiếu nhi mồ côi do dịch, trao phương tiện sinh kế, tặng thẻ bảo hiểm y tế cho những mảnh đời kém may mắn. Ngoài ra, cô Loan còn vận động nguồn lực để xây cầu, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, xây giếng nước, làm đường tại các tỉnh Bình Thuận, Cà Mau, Tiền Giang, Vĩnh Long, Long An, Đắk Lắk, Tây Ninh... với kinh phí hàng tỷ đồng. Dường như cô không thấy mỏi mệt trên hành trình thiện nguyện. Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc - Chủ tịch Hội LHPN P.15, Q.Bình Thạnh |
lăn lóc, vỏ bánh trái vứt bừa bãi, dép thì chiếc nọ xọ chiếc kia, thích học thì học, không thích thì bỏ ra ngoài... Các thầy cô không nỡ la nên tôi buộc phải đóng vai ác” - cô Loan kể. Thế là sau mỗi buổi học, cô thường dành 15 phút để kiểm điểm, nhận xét, đánh giá việc học của các bé, tuyên dương những bạn có cố gắng rồi kể những mẩu chuyện về lòng biết ơn để dạy các em những kỹ năng giao tiếp, ứng xử với mọi người và cách tự chăm sóc bản thân.
Mỗi chuyến đi, cô Loan đều xin phép sư thầy nấu một bữa ăn mặn để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho các em. Từ TP.HCM ra đến mái ấm khoảng 130km với ba giờ di chuyển. Để kịp giờ vào lớp và nấu những bữa ăn trưa cho các em, đoàn phải xuất phát từ 3 - 4 giờ sáng và có khi 11 giờ đêm mới về đến thành phố. Các giáo viên đa phần đều bận rộn, nhưng nhìn các em tiến bộ từng ngày, mọi người động viên nhau cố gắng thu xếp công việc, gia đình, để duy trì lớp học đều đặn. Mới đấy mà đã bước sang tháng thứ mười.
“Tôi không tham vọng gì nhiều, chỉ mong bù đắp cho các con những tình cảm mà các con thiếu. Qua đó, hướng dẫn các con có thêm các kỹ năng cần cho cuộc sống, khỏe mạnh, tự tin, biết cách ứng xử khi gặp sự cố, biết tự chăm sóc mình, và biết yêu quý nhau” - cô Loan tâm sự.
Thu Lê