Mạng xã hội tác động đến lựa chọn du lịch như thế nào?
Theo báo cáo “Thấu hiểu thói quen mua hàng của khách du lịch” từ công ty truyền thông EyeforTravel và công ty phân tích thị trường Jumpshot vào năm 2017, người dùng thường xuyên kết nối với trang web truyền thông xã hội khi đưa ra quyết định cuối cùng về điểm đến du lịch.
|
Thủ đô Paris, Pháp gần như vắng bóng du khách trong đại dịch COVID-19 |
Nghiên cứu cho thấy trung bình, 20% du khách truy cập một trang mạng xã hội ngay trước khi đăng ký một kỳ nghỉ. Ngoài ra, 6-12% người tiêu dùng đã truy cập YouTube để tham khảo ý kiến từ người khác. Những dữ liệu này được thu thập từ hơn 100 triệu khách hàng của các hãng hàng không, khách sạn hoặc đại lý du lịch trực tuyến ở Brazil, Đức, Ấn Độ, Anh.
Con số trong báo cáo có thể tăng lên ở hiện tại, khi trong những đợt phong tỏa vì đại dịch, mọi người dành nhiều thời gian hơn trên mạng xã hội để tương tác với người khác và giải tỏa ước mơ du lịch bị dồn nén.
Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company báo cáo rằng một người Mỹ trung bình dành 176 giờ để tìm kiếm cảm hứng du lịch trên mạng xã hội vào năm 2020. Trong số những người lướt mạng xã hội, 76% cho biết trải nghiệm và bình luận từ người khác khiến họ muốn đi du lịch nhiều hơn, 63% cho biết điều đó đã giúp họ duy trì trạng thái tích cực.
Nhìn chung, 44% người tiêu dùng Mỹ có kế hoạch tự thưởng cho bản thân và chi tiêu vào các chuyến du lịch, kỳ nghỉ ngay sau khi dịch bệnh lắng xuống. Những chỉ số trên không chỉ thể hiện mong muốn khám phá thế giới mà còn củng cố niềm tin rằng việc áp dụng phương tiện truyền thông xã hội vào du lịch sẽ gia tăng hơn nữa sau đại dịch.
Bên cạnh đó, Statista (một công ty phân tích thị trường và thị hiếu của Đức) nhận thấy thế hệ trẻ đặc biệt lấy cảm hứng từ các nền tảng như Facebook và Instagram khi nói đến du lịch. Những người thuộc thế hệ 8X-9X đời đầu cũng thể hiện ý định chi tiêu cao nhất cho việc đi du lịch, với hơn 80% có kế hoạch chi tiêu cho các chuyến du lịch giải trí trong tương lai. Chỉ những du khách trên 57 tuổi mới cảm thấy hơi do dự khi chi một phần lớn thu nhập của mình cho chi phí du lịch sau đại dịch.
Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của phương tiện truyền thông xã hội như một kênh mua hàng, vì thế hệ Y (1980-1996) và Z (1997-2012) - hai thế hệ có ý định chi tiêu du lịch cao nhất - ngày càng phụ thuộc vào các giao dịch di động và sử dụng mạng xã hội.
Điều này cũng phản ánh sự gia tăng của xu hướng du lịch trải nghiệm. Ngày nay, mọi người không còn ưa thích lập kế hoạch du lịch và đặt phòng theo một đường thẳng. Thay vào đó, họ lấy cảm hứng và thu thập ý tưởng vào những thời điểm ngẫu nhiên trong ngày, trong một khoảng thời gian dài, cho đến khi hình thành ý tưởng chuyến đi cụ thể và bắt đầu đặt vé.
Mạng xã hội với thời lượng và nội dung vừa phải rất lý tưởng cho xu hướng này. Chúng cho phép khách du lịch tìm kiếm các điểm đến mới và cảm nhận chúng theo sự thuận tiện và tốc độ của bản thân. Google gọi những cuộc nghiên cứu và khám phá ngắn này là “Những khoảnh khắc bất chợt”.
Tận dụng nội dung từ mạng xã hội để quảng bá du lịch
|
Khách du lịch ngắm nhìn núi lửa Fuego phun trào |
Sự hiện diện mạnh mẽ trên phương tiện truyền thông xã hội có thể giúp các khách sạn và công ty lữ hành sử dụng “Những khoảnh khắc bất chợt” để tiếp cận khách hàng thường xuyên hơn. Điều quan trọng là phải đảm bảo nội dung mạch lạc, nhiều thông tin và tạo cảm hứng thông qua nhiều định dạng khác nhau, bao gồm hình ảnh, câu chuyện, nhận xét, video để chia sẻ thông điệp, thu hút sự chú ý của khán giả.
Khi nói về mạng xã hội, hầu hết mọi người đều nghĩ đến Facebook và Instagram. Thế nhưng, nhiều nền tảng mới đã xuất hiện trong những năm gần đây để phục vụ các đối tượng mục tiêu khác nhau. Các nền tảng truyền thông xã hội chính thống như YouTube, Instagram và TikTok thường thu hút những người muốn được truyền cảm hứng và chia sẻ kinh nghiệm du lịch.
Trong khi đó, việc phát trực tiếp (livestream) trên các nền tảng chuyên dụng cũng như các nền tảng truyền thông xã hội đã trở thành một chiến lược bán hàng phổ biến, tích hợp tính năng mua hàng và thanh toán. Những người có ảnh hưởng, hoạt động cụ thể trong một ứng dụng hoặc trên nhiều nền tảng khác nhau như Instagram, Douyin đã và đang làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ du lịch để dễ dàng tạo ra nhiều nội dung hơn.
Các buổi phát trực tiếp và chiến dịch quảng cáo thông qua người có ảnh hưởng thường đi kèm với chương trình giảm giá và ưu đãi đặc biệt, do đó thu hút lượng khán giả hơi khác so với YouTube và TikTok, vốn tập trung nhiều hơn vào việc lập kế hoạch và truyền cảm hứng cho chuyến đi.
Theo chi nhánh Statista tại Mỹ, tính đến tháng 7/2021, Facebook có 2,8 tỷ thành viên trên toàn thế giới. Tiếp theo là YouTube với 2,2 tỷ người dùng; 1,3 tỷ người đăng nhập Instagram thường xuyên và 1 tỷ tài khoản hoạt động hằng tháng trên TikTok. Với những con số đó, rõ ràng bất kể cơ sở kinh doanh của bạn nằm ở phân khúc nào, những vị khách lý tưởng đều có mặt trên mạng xã hội.
Trước đây, cơ sở du lịch chỉ sử dụng mạng xã hội như danh bạ điện thoại kỹ thuật số với vài bức ảnh và thông tin liên lạc hoặc chia sẻ thông tin cập nhật về các chương trình khuyến mãi. Bây giờ, nhiều khách sạn bắt đầu nhận thấy giá trị của việc hiện diện trên internet và xu hướng tận dụng phương tiện truyền thông xã hội như một công cụ tiếp thị mạnh mẽ đang phát triển nhanh chóng.
Sáng tạo nội dung không phải điều dễ dàng
|
Chia sẻ trải nghiệm du lịch qua mạng xã hội trở thành thói quen của thế hệ trẻ ngày nay |
Murad và Nataly Osmann, một cặp vợ chồng trẻ từ Mát-xcơ-va, Nga đã kiếm sống bằng cách đi du lịch khắp thế giới và đăng những bức ảnh của họ lên Instagram bên cạnh hashtag #followmeto (còn được biết đến với trào lưu “nắm tay anh đi khắp thế gian”).
Cặp đôi là những người tiên phong trong lĩnh vực quảng bá du lịch bằng mạng xã hội kể từ khi đăng một bức ảnh vào năm 2011. Công thức của các bài đăng rất đơn giản: Nataly, nắm tay dẫn Murad đến những điểm tham quan đẹp trên thế giới. Hiện tượng “nắm tay anh đi khắp thế gian” đã xuất hiện trong nhiều quảng cáo khác nhau và vào tháng 4/2016, một bức ảnh của Nataly và Murad đã xuất hiện trên trang bìa tạp chí National Geographic.
Murad chia sẻ: “Thực sự mất khá nhiều thời gian để chuẩn bị cho buổi chụp hình. Nếu chúng tôi ở một địa điểm có hàng triệu khách du lịch, việc chụp ảnh có thể kéo dài khoảng một giờ”.
Bên cạnh đó, cặp vợ chồng này cũng gặp phải một số áp lực khác. Murad nói thêm: “Bạn cần thức dậy thật sớm để chụp thật tốt và chuẩn bị thật kỹ càng. Bạn phải sẵn sàng dồn toàn bộ sức lực cho những gì mình đang làm. Cuộc sống của chúng tôi hầu như diễn ra ở sân bay, xe lửa, xe buýt và ô tô vì việc di chuyển từ nơi này đến nơi khác chiếm phần lớn thời gian”.
Một trong những bức ảnh mang tính biểu tượng nhất của họ là tại đền Taj Mahal, Ấn Độ. Song, bức ảnh có vẻ yên tĩnh một cách đáng ngờ đối với một điểm đến đón tới 70.000 du khách mỗi ngày. Murad giải thích: “Vì định dạng vuông của hình ảnh, tôi đã cắt bớt khung cảnh xung quanh. Bạn bè của chúng tôi đã chặn đám đông ở cả hai bên để chúng tôi có thể chụp”.
Tất nhiên, các nhiếp ảnh gia đã mày mò sáng tạo với nghệ thuật chỉnh sửa từ rất lâu nhưng trong trường hợp của những người có ảnh hưởng, bạn phải tự hỏi liệu điều này có đặt ra một cái nhìn không thực tế về việc du lịch hay không.
Báo cáo “Chỉ số niềm tin vào kỳ nghỉ” năm 2018 do công ty bảo hiểm du lịch Allianz Global Assistance (Canada) công bố cho thấy, 36% thế hệ Y tìm cách lừa dối những người theo dõi họ trên mạng xã hội bằng cách đăng hình ảnh du lịch đẹp hơn thực tế. Con số này ở thế hệ X là 15% và 5% cho thế hệ từ 55 tuổi trở lên.
Trong số những người thú nhận hành vi lừa dối này trên mạng xã hội, 65% làm như vậy với mục đích khiến người khác ghen tị, 51% sử dụng nó như một cơ hội để ganh đua. Trớ trêu thay, những người sử dụng mạng xã hội theo cách “sống ảo” lại thường tin tưởng các bài đăng trên mạng xã hội.
Linh La