Có thể do áp lực từ mạng xã hội!
Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM nhận định: “Có thể khi mạng xã hội tung hình ảnh cháu bé lên thì kẻ bắt cóc để đòi tiền chuộc, nhận thấy có sự không ổn nên mới ra tay thủ tiêu".
|
Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển |
Bác sĩ Hiển phân tích: "Tâm lý tội phạm không muốn giết người, đặc biệt là không bao giờ muốn giết con nít. Nhưng khi rơi vào thế bị truy nã trên mạng internet thì việc giữ cháu bé lại là không còn an toàn nữa. Khi đó, sẽ dẫn đến kết cục là tội phạm bỏ cuộc".
Lúc này, kẻ bắt cóc con tin có 2 phương án: Một là bỏ trẻ lại trong một căn phòng nào đó, dùng một sim rác để gọi cho công an hoặc người nhà đến. Nhưng khi rơi vào tình trạng hoảng loạn thì tội phạm sẽ thủ tiêu luôn trẻ, nhất là trong trường hợp cháu bé đã nhận ra mặt của kẻ bắt cóc.
"Nhưng kẻ thủ ác quên mất một điều rằng nếu thủ tiêu thì tội rất nặng, sẽ phải lãnh án tử hình. Nhưng lúc đó, tội phạm hoảng loạn, không thể nghĩ xa được.
|
Bé Nô |
Như vậy, chính sự tung tin, giúp sức của mạng xã hội đã dẫn đến câu chuyện là ai cũng biết mặt của cháu. Việc bắt cóc đòi tiền chuộc chắn chắn không thể thành công. Kẻ thủ ác đương nhiên hiểu rằng việc lưu giữ cháu bé là không thể được nữa!
Trong trường hợp cháu bé bị giết thì nhiều khả năng, tội phạm là người quen của cháu bé. Trong lúc hoảng loạn thì tội phạm sẽ giết cháu bé để bịt đầu mối", bác sĩ Hiển nhận định.
Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển khuyến cáo: Khi sự việc xảy ra, không nên tung thông tin hình ảnh lên mạng xã hội, lợi bất cập hại. Nên để cho cơ quan công an điều tra. Việc đưa lên mạng xã hội chỉ có thể làm cho tội phạm hoảng loạn. |
Bác sĩ Hiển cho rằng, tội phạm không thể suy nghĩ sâu xa hơn về hậu quả của những hành vi tội ác: "Ai cũng vậy thôi, khi hoảng loạn thì chỉ có thể hành động theo bản năng. Trường hợp cháu bé ở Quảng Bình cũng loại trừ hẳn khả năng tội phạm bị chứng bệnh gì về tâm thần. Một người được coi là tâm thần là người không có khả năng tư duy. Nhưng ở đây, kẻ thủ ác đã lên kế hoạch bắt cóc: bắt cóc ai, như thế nào, làm sao giam giữ cháu bé, làm thế nào để giữ cháu bé im lặng… thì không thể là kẻ bị bệnh tâm thần được”.
Sau 5 ngày mất tích thường sẽ bị giết
Bác sĩ Trần Duy Tâm, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho rằng, vụ bé trai mất tích ở Quảng Bình đã tử vong, nếu có kẻ bắt cóc giết hại thì vụ án này có thể rơi vào một trong ba nhóm sau: tội phạm tình dục, tội phạm giết người hàng loạt, tội phạm do phạm pháp đơn thuần. Và tùy vào nhóm đối tượng gây án, lúc đó mới quy kết được có phải do mạng xã hội "góp phần giết" cháu Nô hay không.
|
Bác sĩ Trần Duy Tâm |
Nếu như tội phạm tình dục, sau khi xâm hại bé sẽ ra tay thủ tiêu nạn nhân bị bắt cóc để bịt đầu mối, không cần mạng xã hội lan truyền hình ảnh.
Còn tội phạm giết người hàng loạt thường có “sở thích” bắt cóc và giết con tin. Tuy nhiên, tội phạm giết người hàng loạt thường lặp đi lặp lại một “sở thích”, một kiểu giết người, ví dụ: chỉ thích giết trẻ em, giết gái điếm, giết người tóc vàng,… Và cũng không do mạng xã hội gây ra.
Và hình thức giết người có thể rập khuôn như: giết bằng cách mổ bụng, hoặc chặt tay chân, hay chỉ bóp cổ.
|
Bé trai mất tích bí ẩn ở Quảng Bình đã tử vong |
Tội phạm tình dục và tội phạm giết người hàng loạt thường tương đồng nhau về cách giết người, đồng thời đây là những tâm lý về tội phạm, chứ không phải tâm lý bệnh học.
Riêng đối tượng phạm pháp thông thường thì việc giết người có thể do áp lực từ mạng xã hội, do tống tiền, trả thù… và giết người đơn thuần để không bị lộ hành vi vi phạm. Và nhóm này có thể bị tác động bởi áp lực mạng xã hội, không bình tĩnh có thể giết con tin.
Theo thống kê ở Mỹ, cả 3 nhóm tội phạm này thường giết con tin sau 5-7 ngày bắt cóc, do đó sau 5 ngày mà cha mẹ tìm không ra con bị bắt cóc thì bé có thể đã bị giết.
Cư dân mạng nói gì?
"Cơn bão" tìm kiếm bé trai và hung thủ xuất phát từ tình cảm tốt là điều không phải chối cãi. Nhưng ngày 8/7, thi thể bé trai được tìm thấy, trong dòng thông tin đau đớn, hụt hẫng một số người cố gắng tách ra để nhìn nhận và họ tiếp tục chia sẻ theo nhiều góc độ, dù cơ quan công an chưa có kết luận chính thức.
“Chấp nhận gạch đá nhưng thực sự anh có tin là chúng ta góp một phần tạo nên sự đau đớn này không ạ? Những tường thuật đầy hứng khởi, chi tiết, tỉ mỉ về tội ác; những lên án kiểu tung hô khiến sự man rợ trở thành quen thuộc, thậm chí kích thích sự điên cuồng ở một số kẻ có sẵn sự man rợ trong tim” – một người có tài khoản Nga Ha Thu viết trên diễn đàn.
Một người có tài khoản là Khoa Sẹo bức xúc: “Cộng đồng mạng với kiểu share thông tin vô tội vạ và sự thiếu tỉnh táo của gia đình đã giết chết cháu bé. Thật đáng sợ! Ngay khi thông tin về cháu bé được đưa lên Facebook, tôi đã đoán cháu bị nguy rồi, vì bọn tội phạm cũng lên Facebook và sẽ hoảng sợ, giết bé để phi tang, khiến công an trở tay không kịp”.
Facebooker Bọ Tửng: Tôi không nghĩ có tên tội phạm nào đó vừa bắt Nô vừa lên mạng xã hội để xem cộng đồng mạng nói điều gì rồi xuống tay. Chúng ta, với sự nhiệt tâm đã làm tất cả. Không phải là lúc chúng ta phán xét nhau. Hãy xích lại gần nhau trong mất mát.
Hãy dặn dò nhau đừng bao giờ rời tay những thiên thần bé bỏng của mình. Dù giàu sang hay nghèo khổ, bận rộn hay nhàn cư. Thời gian, là tặng vật quý báu và giản đơn. Hãy luôn cố giữ con cái bên mình”.
Facebooker Nguyễn Quang Vinh: Một số người nói rằng do áp lực quá lớn của báo chí và mạng xã hội khiến hung thủ hoảng loạn nên ra tay... là không có cơ sở. Vì từ sự phân hủy thân thể cháu thì có thể khẳng định cháu bị sát hại ngay chiều tối hôm mất tích, lúc ấy báo chí, mạng xã hội chưa ai biết hoặc đang lan tỏa rất ít.
|
Tuy nhiên có người cho rằng: “Share hay không share thì cũng một kết cục cả. Share thì chúng nó sợ lộ, chúng nó giết nhưng cũng có thể nó thả bé ra để không dính dáng gì nữa nhưng không share thì nó yên tâm mà buôn người mà không sợ rồi như vậy tỉ lệ tử còn cao hơn chứ đùa...” – người tên Lâm Phan Đăng nói về quan điểm của mình.
Một người có tài khoảng là Hiệp Gà viết: “Nếu không phải nguyên nhân tư thù cá nhân với gia đình cháu thì cộng đồng mạng là nguyên nhân gián tiếp khiến cháu ấy tử vong. Nào là lan truyền, tung tin đồn... Quan trọng nhất là rút dây động rừng. Khiến thủ phạm suy nghĩ theo chiều hướng tiêu cực và nhanh gọn nhất là thủ tiêu... Thử nghĩ, nếu cháu bé được bán đi và được một gia đình đàng hoàng nuôi, hoặc khổ cũng được... Nhưng bé vẫn sống vẫn còn cơ hội chở về. Đằng này...”.
Một người khác đồng quan điểm: “Có thể cháu bé quen mặt người bắt cóc. Lúc đầu có ý định bắt cóc rồi bán nhưng lại thấy mọi người share nhiều trên Facebook nên hung thủ cảm thấy lo sợ. Nếu thả bé đi thì lại sợ bé miêu tả lại hình dáng trình báo công an nên phải giết người bịt đầu mối”.
Tuy nhiên, một số thông tin cho rằng việc chia sẻ thông tin cũng có chiều hướng tốt khi mang tính chất cảnh báo. “Không ai đảm bảo được tính mạng của bé nếu không share nhưng nếu share thế này kết quả sau này tốt hơn rất nhiều! Sợ nhất là không hiểu hết ý nghĩa của một hành động. Đây là bắt trẻ con chứ không phải bắt cóc tống tiền” – người có tài khoản Trung Đức viết.
Đưa thông tin lên mạng xã hội không ảnh hưởng đến điều tra
Theo một cán bộ điều tra công an TP.HCM, ở một số trường hợp việc một số tổ chức cá nhân đưa thông tin lên mạng xã hội có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, hành động của đối tượng phạm tội. “Việc đưa nhiều thông tin lên nếu đối tượng biết được có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi của đối tượng. Từ đó có những hành động khó kiểm soát” – người này nói.
Riêng việc đưa thông tin lên mạng xã hội khó có thể ảnh hưởng đến quá trình điều tra của cơ quan công an. “Vì lực lượng chức năng khi điều tra làm rõ một vụ án là phải dựa vào các căn cứ, bằng chứng khoa học để phục vụ chứ những thông tin, dư luận khó có thể ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan điều tra. Nếu nhiều lắm thì chỉ có giá trị tham khảo” – người này cho biết thêm.
|
Hiếu Nguyễn - Hồ Ca - Nguyễn Chiến