Măng vòi ơi…

29/07/2022 - 06:19

PNO - Bây giờ chắc không ai còn ăn măng vòi hay đủ rảnh rang để đi bẻ măng vòi. Măng vòi cũng đâu còn nhiều, do tre giờ đã hiếm.

Ngày xưa thì khác. Quê miền Trung bạt ngàn tre; những lũy tre cao vút rì rào xõa “tóc” nghiêng nghiêng bao quanh nhà, quanh xóm.

Tre để dựng nhà, chế tác nông cụ, đồ dùng sinh hoạt. Tre còn làm thành lũy tự nhiên ngăn gió bão, ngăn kẻ gian bảo vệ an ninh cho gia đình, làng xóm. Nông dân sống gắn liền cùng tre nên rất quý tre. Tre già đốn đi phải có măng non lên thế chỗ. Do vậy, những mầm măng mọc từ đất luôn được chủ nhân bảo vệ, nâng niu; không có chuyện tùy tiện bẻ ăn (ngoại trừ bị kẻ gian bẻ trộm). Măng gốc không được đụng đến; nhưng vẫn còn một thứ măng tre được người quê cho khai thác tự do để làm thực phẩm: măng vòi.

Măng vòi là “măng nhánh”; tức những mầm măng nhỏ mọc từ mắt thân tre chính đâm ngang; khi già đi sẽ thành các cành tre chằng chịt níu nhau, giữ cho thân chính khỏi đổ.

Mầm măng vòi mới mọc không có hình tháp giống mụt măng gốc mà suôn sẻ, nhẵn nhụi, đâm ngang tựa những cái vòi chui ra từ bụi (vậy nên mới có tên “măng vòi”!). Rặng tre nào tứ thời bát tiết cũng sinh măng vòi; vậy nhưng măng mọc nhiều nhất, ngon nhất vẫn là vào cuối hạ sau những trận mưa giông. Nhà tôi ngày xưa vườn rộng; tứ bề vây chắn bởi tre nên chịu khó đi tìm hầu như lúc nào cũng có măng vòi. Thường tới bữa nấu canh rau hoặc canh chua, bao giờ mẹ cũng sai: “Thằng Út chạy ra bụi tre tìm bẻ cho mẹ mụt măng vòi!”.

Được lệnh, tôi hớn hở chạy, nhòm ngửa nhòm nghiêng những thân tre kẽo kẹt gốc lởm chởm gai cho tới lúc phát hiện ra một hai vòi măng lấp ló. Măng vòi ăn được phải là măng mới nứt độ vài ba hôm, mo nang bọc các đốt măng còn chưa bị héo. Muộn hơn, măng sẽ già, đắng; thậm chí cứng không ăn được. Một cành măng đem vào mẹ lột, xắt ngang phần thật sự non (màu xanh trắng) dưới gốc các đốt. Mỗi đốt xắt chỉ được chừng năm mười lát.

Những lát măng vòi nhỏ, tròn như cái bánh xe trông rất dễ thương. Chẳng cần luộc hay ngâm nước muối lôi thôi, mớ “bánh xe măng” được mẹ rửa sạch, cho luôn vào xoong canh nấu với tôm, thịt cho chín trước khi thêm rau. Dù rất ít; nhưng những lát măng vòi nấu chung có vị ngòn ngọt hơi nhân nhẩn đắng khiến tô canh tập tàng hoặc canh chua ăn hấp dẫn hơn.

Đầu mùa mưa, măng vòi lên nhiều, nấu canh không hết mẹ sẽ đem kho cá, càng hấp dẫn hơn. Những lát măng vòi kho hút đẫm chất ngọt của cá: ngọt, béo bùi nhân nhẩn pha thêm vị ớt cay cay khiến xoong cá kho măng vòi trở thành “đặc sản”: ngon gấp nhiều lần so với lúc không măng. Hậu quả: Bữa cơm nào có cá kho măng, anh em tôi đều bới cơm lia lịa, loáng cái sạch nồi.

Tôi mê ăn măng nhất đám; cái máu mê từ lúc nhỏ vẫn giữ nguyên tới lớn. Ai chê vị đắng của măng vòi nhưng tôi thì không. Vậy nên tôi luôn dặn mẹ: nấu măng cho con mẹ cứ nấu măng tươi, đừng ngâm hay luộc. Thích ăn măng đến vậy - chả trách ấu thơ tôi cứ thơ thẩn cả ngày ngoài bờ tre ken rậm, vừa chơi vừa rảo mắt kiếm măng vòi…

Non phần ba thế kỷ trôi vèo. Giờ làng lên phố, tre xanh lùi vào quá khứ, nhường chỗ cho rào bê tông, lưới sắt. Bao ký ức ấu thơ mới đó giờ đã thành chuyện cũ.  

Y Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI