Mang tình yêu và sức trẻ về Côn Đảo

12/11/2023 - 07:00

PNO - Từ hành trình về nguồn đến với vùng đất linh thiêng Côn Đảo, văn nghệ sĩ TPHCM có nhiều chia sẻ và rung cảm để tiếp tục sáng tác về nơi này.

Chuyến công tác về nguồn chủ đề Côn Đảo - Vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc (do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức) vừa khép lại đầy ý nghĩa.

Trong 3 ngày đến với huyện đảo (từ ngày 9 - 11/11), đoàn văn nghệ sĩ TPHCM đã đến viếng và dâng hương tại nghĩa trang Hàng Dương, tham quan Bảo tàng Côn Đảo, thăm trại tù Phú Sơn, Phú Hải; viếng chùa Vân Sơn, miếu Bà Phi Yến, cầu tàu 914...

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại Cầu tàu 914 - nơi đã có 914 chiến sĩ ngã xuống khi xây dựng cầu tàu này...Ảnh: Nguyễn Hiền
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại Cầu tàu 914 - nơi đã có 914 chiến sĩ ngã xuống khi xây dựng cầu tàu này... Ảnh: Nguyễn Hiền

Văn nghệ sĩ thành phố đã cùng trao gửi những phần quà ý nghĩa, cũng như cống hiến những tiết mục văn nghệ đặc sắc dành tặng các chiến sĩ và nhân dân huyện đảo. Hành trình cũng để lại nhiều cảm xúc lắng đọng trong lòng các nghệ sĩ trẻ.  

Nghệ sĩ Bình Tinh xúc động bày tỏ: "Nhờ chuyến đi này, tôi mới biết có rất nhiều nghệ sĩ đã chiến đấu, hy sinh thân mình cho hòa bình, độc lập hôm nay. Trong đó có soạn giả Cao Đức Trường, ông đã phải chịu bao đòn roi tra tấn dã man của quân xâm lược trong xà lim Côn Đảo, nhưng ông vẫn viết, sáng tác và âm thầm hoạt động nghệ thuật cho đến ngày hôm nay. Lần đầu tiên, tôi được thắp những nén hương cho những ngôi mộ có tên và chưa biết tên, tim tôi quặn thắt và nghẹn lại...".

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng bộc bạch rằng anh đã được trải qua những ngày vô cùng ý nghĩa, với nhiều cảm xúc khó quên và đó sẽ là niềm cảm xúc quý giá cho người sáng tác. Anh từng viết ca khúc Những liệt sĩ vô danh với giai điệu và ca từ rung động: "Mộ anh đó, không tên, không hình dung/Chí anh hùng và trái tim kiên cường/Dù xương máu gửi lại nơi chiến trường/Vẫn trên đường vang khúc quân hành ca...".

Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng với ca khúc Hồn thiêng bất tử, trong đêm giao lưu văn nghệ tại nghĩa trang Hàng Dương. Ảnh: Nguyễn Hiền
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng với ca khúc Hồn thiêng bất tử, trong đêm giao lưu văn nghệ tại nghĩa trang Hàng Dương. Ảnh: Nguyễn Hiền

Hành trình cũng là niềm cảm hứng để các văn nghệ sĩ tiếp tục có thêm nhiều sáng tác ý nghĩa về vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc. Ngay sau chuyến đi, ca sĩ - nhạc sĩ Dương Quốc Hưng và nhà thơ Bùi Phan Thảo đã có ngay những sáng tác mới dành cho Côn Đảo. 

Những hình ảnh ghi lại từ hành trình cũng được nhà thơ Nguyên Hùng - Hội Nhà văn TPHCM dựng clip cho ca khúc phổ nhạc từ thơ anh: Chị Sáu với quê hương (được nhạc sĩ Đỗ Tiến Lập phổ nhạc từ bài thơ Chị Sáu sống mãi cùng quê hương):

"...Đến thăm chị từ mọi miền đất nước
Những con tim thành kính, yêu thương
Chị hiển Thánh từ phút giây nhắm mắt
Ban niềm tin cho cả kẻ lạc đường...".

Đoàn đến thăm và tặng quà cho các chiến sĩ công binh Tiểu đoàn 792. Ảnh: Nguyễn Hiền
Đoàn đến thăm và tặng quà cho các chiến sĩ công binh Tiểu đoàn 792. Ảnh: Nguyễn Hiền

Nơi vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, mỗi một di tích, hiện vật, nhân vật lịch sử, những người đã ngã xuống... đều chứa đựng những câu chuyện bi tráng về một thời chiến tranh khốc liệt. Cho dù đã có nhiều tác phẩm viết về Côn Đảo, nơi này vẫn mãi còn rất nhiều chất liệu, niềm cảm hứng sáng tác cho văn nghệ sĩ.

"Thế hệ trẻ hãy tiếp tục viết, tiếp tục sáng tác về cô Sáu, về Côn Đảo, về vùng đất anh hùng. Cho dù đã có bao nhiêu người đã viết, vẫn rất cần thế hệ hôm nay, sáng tác trong niềm cảm hứng mới, những rung cảm mới. Để tiếp tục truyền tải thông điệp, giáo dục lòng yêu nước đến những thế hệ tiếp sau" - nhạc sĩ Trần Xuân Tiến gửi gắm. 

Các nghệ sĩ TPHCM và các chiến sĩ Tiểu đoàn 792 hòa nhịp trong những giai điệu trẻ trung và hào hùng. Ảnh: Nguyễn Hiền
Các nghệ sĩ TPHCM và các chiến sĩ Tiểu đoàn 792 hòa nhịp trong những giai điệu trẻ trung và hào hùng. Ảnh: Nguyễn Hiền

Chia sẻ của nghệ sĩ Bình Tinh như một thay lời cho nghệ sĩ trẻ, trước vai trò và sứ mệnh của người nghệ sĩ đối với đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng: "Bản thân tôi từng hóa thân vào những nhân vật anh hùng của đất nước, nhưng qua chuyến đi này, tôi nhận thấy rõ ràng hơn sứ mệnh của người nghệ sĩ.

Tôi thấy rằng làm nghệ thuật không chỉ để đem đến những giá trị giải trí, mà còn cần phải thông qua tác phẩm nghệ thuật để nhắc nhở về lịch sử, về công lao của các thế hệ đi trước. Để chúng ta không được quên những giá trị mà hôm nay chúng ta có được, phải đổi lấy bằng xương máu của bao người".

Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM:

"Chiến tranh đã lùi xa, đất nước ta đang ngày càng hội nhập, phát triển toàn diện, đời sống xã hội, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Nỗi đau đã phần nào nguôi ngoai, vết thương đã phần nào lành lặn. Nhưng vẫn còn đó những nỗi đau, những vết thương không có gì có thể bù đắp được. Vẫn còn nhiều hài cốt liệt sĩ chưa biết thông tin gia đình, vẫn còn những thương tích trên thân thể của các cựu chiến binh. Và còn đó là những ký ức bi tráng, kinh hoàng từ tội ác của kẻ thù đối với những chiến sĩ năm xưa tại nhà tù Côn Đảo. 

Hành trình về nguồn là dịp để nhắc nhở mỗi chúng ta mãi mãi không quên những tấm gương anh hùng, bất khuất, hiên ngang của các chiến sĩ cách mạng. Hành trình về nguồn còn là dịp để chúng ta cảm nhận lại những bài học lịch sử. Trong từng thớ đất, con người, trong từng ngọn cỏ cành cây nơi đây còn lưu giữ máu đào của thế hệ cha anh đi trước. "Máu đã thấm vào lòng đất Việt, để ngàn năm còn mãi tự hào..."

Hàn Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI