Mang tiếng ở trời Tây mà chúng tôi 'sợ ốm, không dám ốm'

27/03/2018 - 10:01

PNO - Ở Đức làm mẹ là một nghề. Chính phủ Đức có chính sách tài chính động viên người mẹ an tâm ở nhà chăm sóc con nhỏ trong 9 năm bé đầu đời.

Cuộc sống tự lập ở trời Tây, mỗi gia đình trẻ là một cá thể độc lập. Do không nhận được sự hậu thuẫn từ bố mẹ hay gia đình nhà chồng nên mỗi chị em Việt sang Đức làm dâu phải tự tay cáng đáng mọi việc. Công việc gia đình, vai trò người nội trợ "giữ lửa" trong gia đình càng tăng lên khi họ có con nhỏ.

Mang tieng o troi Tay ma chung toi 'so om, khong dam om'
Thời tiết khắc nghiệt khiến phụ nữ Việt ở trời Tây phải rất vất vả trong quá trình thích nghi

Sinh xong ở bệnh viện không muốn về nhà

Chị Lê Minh Thuật sang Đức định cư đã bốn năm theo diện bảo lãnh hôn thê của chồng Đức. Bước đầu chân ướt chân ráo nơi xứ người với bao bỡ ngỡ chờ đón chị. Một năm sau đó, chị hạ sinh bé trai đầu lòng.

"Ở bệnh viện bản địa mà tôi tưởng mình đang đi nghỉ dưỡng khách sạn năm sao. Mỗi sản phụ một phòng riêng biệt, sang trọng, khi tôi chuẩn bị xuất viện mới có một bệnh nhân người Ý thế vào. Phòng ốc, hành lang thơm tho sạch sẽ, tuyệt nhiên tôi không ngửi thấy "mùi ám ảnh của bệnh viện". Mỗi sáng đều có tiếng gõ cửa nhẹ nhàng và một nhân viên vệ sinh đến cần mẫn làm việc. Trước khi hoàn thành công việc, họ đều cảm ơn tôi đã tạo cơ hội tốt để họ hoàn thành nhiệm vụ và không quên gửi lời chào ngày mới tốt lành đến hai mẹ con." Chị chia sẻ.

Hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, chị Minh Thuật còn cảm kích hơn nữa thái độ làm việc ân cần và tận tâm của đội ngũ y bác sĩ. Mỗi sáng y tá nhi của bệnh viên đến kiểm tra tình hình sức khỏe của bé và mang bé đi tắm, bên cạnh đó một đội ngũ y tá khác đến thăm khám sức khỏe của bà mẹ sau sinh.

Trước mỗi bữa ăn, nhân viên nhà ăn của bệnh viên mang thực đơn đến để sản phụ đánh dấu vào đồ ăn ưa thích của mình, chỉ trong thời gian ngắn món ăn nóng hổi đã được mang đến. "Tất cả chi phí đều do bảo hiểm y tế chi trả mà bệnh nhân không phải bỏ tiền túi. Mỗi một công dân khi định cư hợp pháp trên đất Đức đều được nhận loại hình bảo hiểm này", chị Minh Thuật cho biết

Mang tieng o troi Tay ma chung toi 'so om, khong dam om'

Các em bé Đức gốc Việt trong một trò chơi dân gian nhân ngày hội "Xuân quê hương" chào mừng năm mới 2018. 

​Sau một tuần ở bệnh viện và được hưởng những dịch vụ y tế tuyệt vời của đất nước bản địa, bác sĩ theo dõi chính hỏi chị còn muốn tiếp tục ở lại để điều trị cho đến khi bình phục hẳn hay không?

"Tôi nuối tiếc khi phải xuất viện, vì đã tận hưởng những cảm giác tuyệt vời ở đây. Nhưng cuối cùng tôi cũng đồng ý rời khỏi bệnh viện để bắt tay vào cuộc sống thực sự của một người mẹ trẻ chăm con với bao bỡ ngỡ nhưng cũng đầy thú vị đón chờ", chị chia sẻ.

Òa khóc vì trở lại cuộc sống đời thường

Tâm lý chống chếnh nhạy cảm của người phụ nữ sau sinh đối diện với những khó khăn khi từ đây một mình phải tự tay chăm sóc con nhỏ, lại hụt hãng khi vừa rời xa những dịch vụ y tế tuyệt vời của đất nước bản địa đã khiến chị Minh Thuật òa khóc khi vừa xuất viện về đến nhà.

"Tôi không biết bắt đầu từ đâu. Ở Việt Nam, không ai dạy tôi làm mẹ, làm vợ cả. Giờ tôi biết làm gì với một sinh linh bé bỏng mà ngay cả đụng tay mạnh vào bé tôi cũng sợ bé đau?" Nhưng rồi bản năng làm mẹ thôi thúc chị. Chị nhớ lại những thao tác mà y tá nhi đã tập huấn nhanh ở bệnh viện cho chị trước đó.

"Không hiểu sao mà tôi lại làm thuần thục mọi việc chỉ sau đó vài ngày: thay tã, tắm cho bé, pha sữa bình, cho bé bú...Chỉ có bản năng và trái tim người mẹ thôi thúc, ngoài ra không có một lý do nào khác." Chị chia sẻ thêm.

Bố mẹ chồng ở cách xe một giờ chạy xe. Chị tâm sự, ở phương tây gia đình lớn đoàn tụ chỉ những dịp cuối tuần hay lễ tết. Bố mẹ chồng như một người bạn đến trò chuyện và thăm con cháu, tuyệt nhiên không can thiệp vào nội bộ gia đình cũng như phương pháp nuôi dạy trẻ "họ tế nhị và tôn trọng quyền riêng tư của người khác".

Nhưng mặt trái của vấn đề là cảm giác họ vẫn giữ khách sáo và không thể làm mình mở lòng, chia sẻ hết tận cùng mọi ngõ ngách của cuộc sống. Mình cảm thấy bất an vì điều này.Với cương vị một người làm "dâu Tây", chị Minh Thuật trải lòng.

Đương nhiên trong cuộc sống hằng ngày, chị phải tự tay cáng đáng mọi việc. Những lúc con ốm con đau, đêm hôm con khóc, chị phải tự xử lý tính huống. Nhiều lúc mệt mỏi, thèm một giấc ngủ trọn vẹn cũng là điều xa xỉ. Chồng chị đi làm và quay cuồng với nhịp độ làm việc của một đất nước công nghiệp. Thời gian hầu hết chị ở nhà chăm sóc con nhỏ, chơi với con, chu toàn việc chợ búa cơm nước.

Ở Đức làm mẹ là một nghề. Chính phủ Đức có chính sách tài chính động viên người mẹ trẻ an tâm ở nhà chăm sóc con nhỏ trong 9 năm bé đầu đời. Tuy nhiên, điều đó chỉ an ủi phần nào cho những phụ nữ gốc Việt lần đầu làm mẹ. Thiếu thốn tinh thần và sự chia sẻ từ bố mẹ và gia đình phía Việt Nam mới là điều thiệt thòi lớn nhất của mỗi chị em Việt sang làm dâu xứ người.

Khái niệm ở cữ sau sinh, kiêng khem... là thứ xa xỉ 

Chị Lương Hoàng là Việt kiều Đức sinh sống ở đất nước này đã gần 20 năm. Hồi còn ở Việt Nam, gia đình chị thuộc dạng khá giả, thuê người làm. Thời tuổi trẻ, chị được ba mẹ cưng chiều và hầu như không phải đụng tay vào việc nhà. Nhưng từ khi kết hôn cùng một Việt kiều Đức và sang đất nước này định cư, một tay chị quán xuyến việc gia đình.

Công việc nội trợ chị cũng tự mình mày mò học hỏi và giờ có thế làm nhiều món ngon đãi chồng con. Chị học lái xe, chủ động mọi vấn đề trong cuộc sống. Vừa đi làm 8 tiếng mỗi ngày, vừa chăm lo cho con nhỏ và một tay quán xuyến, "giữ lửa" gia đình, chị nhận thấy mình đã trưởng thành và mạnh mẽ hơn rất nhiều trong cuộc sống.

Mang tieng o troi Tay ma chung toi 'so om, khong dam om'
Chị Lương Hoàng và một trong những công việc hằng ngày của người nội trợ: đưa con đến trường

"Nhiều lúc không nhận ra mình khi sinh sống lâu năm trên nước Đức so với thời bánh bèo ngày xưa. Hồi còn ở nhà, quần áo thay ra có người làm giặt đồ cho. Giờ sang đây tự tay mình làm tất cả mọi việc không nề hà. "Tự lập, tự lập và tự lập" là điều mà tất cả chị em Việt thấm thía khi làm dâu xa nhà, xa bố mẹ trên 10 ngàn cây số.", chị Lương Hoàng chia sẻ.

Chị Mai Kiều, định cư trên đất Đức cũng đã gần 10 năm. Chồng đi làm xa, một mình chị cáng đáng việc nhà với hai cậu con trai, một bé 6 tuổi và một bé 4 tuổi. Nhìn chị đi cầu thang, hai tay bê phăm phăm chiếc xe đẩy trẻ con nặng chịch, ngày đi lại bốn lần, ai cũng trố mắt kinh ngạc.

Trong giỏ xe chị còn phải "đèo bòng" thịt cá trứng sữa và đặc biệt là nước nuống. Ở Đức nguồn nước được xử lý vô trùng ngay từ nguồn, và người dân có thể lấy nước trực tiếp ở vòi để uống, tuy nhiên do vấn đề địa chất mà thành phần cặn vôi dư tồn quá nhiều. Chính vì nguyên nhân đó mà mỗi gia đình đều chọn giải pháp mua nước khoáng và đồ uống nói chung ở các siêu thị. Công việc nặng nhọc, mang vác két nước khi mua sắm mỗi ngày thường do người đàn ông, trụ cột gia đình đảm nhận.

Nhưng với trường hợp chồng thường xuyên công tác xa nhà, chị phải tự tay xốc vác tất cả. "Nhiều lúc nghĩ mình không phải phụ nữ. Có những tình huống trong cuộc sống, thay vì có mặt chồng và để anh ấy cáng đáng, giờ mình tự tay làm hết. Nhưng nếu không cố gồng cố rướn thì chẳng ai lo cho con. Nếu các bà mẹ trẻ ở quê nhà, sau sinh nhận được sự hậu thuẫn lớn từ bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng, cô dì chú bác...thì ở đây người phụ nữ phải tự tay cáng đáng mọi việc.

Khái niệm ở cữ sau sinh, kiêng khem...hoàn toàn là thứ xa xỉ với chúng tôi. Thời gian nghỉ ngơi sau sinh đúng nghĩa chỉ kéo dài một tuần ở bệnh viện, còn khi xuất viện về nhà là xắn tay vào làm tất cả mọi việc như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Một số chị em may mắn xin được visa thăm thân cho người nhà, thường là bảo lãnh mẹ sang theo diện du lịch ba tháng, thực chất để đỡ đần con gái sau sinh. Nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy.

Số còn lại phải mạnh mẽ đứng dậy sau sinh theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng và quán xuyến tất cả. Chỉ cần nằm một ngày là việc nhà bừa ra đấy, thế nên lại phải ráng dậy mà thôi. Từ khi có hai đứa nhỏ, mình lâm vào cảnh "sợ ốm, không dám ốm". Mang tiếng ở trời tây mà chúng tôi chưa một ngày được nghỉ ngơi đúng nghĩa. Chị Mai Kiều bộc bạch.

Mang tieng o troi Tay ma chung toi 'so om, khong dam om'
.

Nhưng rồi mọi khó khăn cũng dần qua, nhường chỗ cho những giây phút ấm lòng của người mẹ, "chiêm ngưỡng" thành quả của mình trưởng thành theo năm tháng. Hai đứa con lai đẹp như tranh là niềm động viên lớn nhất cho những năm tháng bôn ba nơi xứ người của chị. Thời gian vất vả nhất đã trôi qua, giờ đây mọi khó khăn phát sinh chỉ là nhỏ, vì "thời khó khăn nhất đã có đủ nghị lực vượt qua, giờ những trắc trở nhỏ trong cuộc sống có đến thì nào sá gì", chị Mai Kiều tiếp lời.

"Lửa thử vàng gian nan thử sức", chị em gốc Việt ở Đức khi vượt qua những gian khổ trên đều mỉm cười nhìn lại và thầm cám ơn cuộc sống tự lập ở trời Tây đã tôi luyện cho họ tinh thần quả cảm.

Khi con cái lớn lên và kinh tế gia đình dần đi vào quỹ đạo, chị em có thêm cơ hội để chăm sóc bản thân nhiều hơn. "Mọi thứ đều có giá của nó, chúng tôi đã trả giá và đầu tư xứng đáng những năm tuổi trẻ cho gia đình và con cái, giờ là dịp thảnh thơi "gặt hái" lại, chị Lương Hoàng hóm hỉnh chia sẻ.

Minh Anh (từ Đức)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI