Mang tiếng 'cây độc không trái', tôi bị cả nhà anh nói lời cay nghiệt

27/06/2018 - 09:00

PNO - “Con liệu mà kiếm cớ ly hôn với nó đi. Chứ nhà này có mình con là con trai, cái thứ cây độc không trái ấy chỉ làm khổ cả dòng họ...". Những lời của mẹ chồng nói chưa bao giờ làm tôi nguôi nghĩ ngợi.

Lấy nhau đã 2 năm mà chưa có con, chúng tôi bị họ hàng hối thúc. Ban đầu thì chỉ là những câu nói vu vơ của mẹ chồng kiểu như: “Tết này mà nhà có thêm con nít thì vui phải biết”, hay những câu khích lệ của ba chồng: “Năm nay đứa nào có cháu, ba sẽ thưởng nóng”…

Mang tieng 'cay doc khong trai', toi bi ca nha anh noi loi cay nghiet
Kết quả khám cho thấy tôi hoàn toàn bình thường, còn anh thì vô sinh - Ảnh minh họa

Không phải chúng tôi không hiểu ý ba mẹ, cũng không phải chúng tôi kiêng cữ gì. Năm đầu tiên về chung sống, cả hai đứa đều mong mỏi có một thiên thần nhỏ. Anh và tôi ở trên thành phố, bố mẹ hai bên đều ở dưới quê. Có gì ngon ngọt họ đều gửi lên để vợ chồng tẩm bổ. Vậy mà 6 tháng, 10 tháng rồi tròn 1 năm mà tôi vẫn chưa có tin vui. Tôi chủ động tự đi khám thì kết quả bình thường hết, bác sĩ dặn chỉ cần giữ tâm lý thoải mái là được.

Chính vì kết quả khám đó mà tôi có thêm động lực động viên chồng đi khám. Thế nhưng, cả hai như sụp đổ khi kết quả cho thấy chồng tôi bị vô sinh. Anh không có tinh trùng, đúng hơn là hoàn toàn không có tinh trùng khỏe mạnh. Vì thế mà chúng tôi không thể có con.

Không tin vào kết quả, cả hai chúng tôi đến Từ Dũ khám thêm, rồi lại đi đến cả những bệnh viện sản từ lớn tới nhỏ, nhưng cuối cùng, cả hai đều phải chấp nhận khi kết quả đều như nhau.

Cũng từ đó, nếu có bất kì ai hỏi về chuyện con cái, tôi đều cảm thấy cực kì áp lực. Anh tự ti hẳn, bố mẹ hai bên lại từ khuyên răn trở thành ép buộc. Những món đồ ngon ngọt cũng ngày càng thưa thớt, bên nhà chồng bắt đầu hối thúc tôi: “Bao giờ thì tính sinh con?”, “Lấy nhau hai năm rồi, chừng nào đẻ”, “Hay là chúng mày đi khám đi”…

Mang tieng 'cay doc khong trai', toi bi ca nha anh noi loi cay nghiet
Tôi chấp nhận mang tiếng vô sinh thay anh - Ảnh minh họa

Tôi và anh không biết phải trả lời thế nào trước những câu hỏi đó. Bởi tôi không muốn chạm vào nỗi đau, nỗi tự ái của chồng, còn anh thì không can đảm thừa nhận với gia đình. 

Một tối, khi đang ngủ cùng chồng, tôi thức dậy, thấy anh vẫn chưa ngủ. Tôi dụi đầu vào ngực anh, an ủi. Tôi biết anh đang buồn chuyện con cái, tôi biết hạnh phúc của gia đình mình chẳng trọn vẹn. Đằng nào thì sớm muộn thôi, họ hàng, bạn bè cũng sẽ biết chuyện. Tôi mạnh dạn nói với anh rằng, hay cứ để tôi nhận là tôi vô sinh, vì anh là đàn ông, dòng họ anh lại là người Bắc, nếu họ biết tôi vô sinh thì sẽ dễ chấp nhận hơn so với anh. Đêm ấy cả hai chúng tôi thức tới sáng, cuối cùng, anh cũng đồng ý để tôi nhận thay anh. Vì thương anh, tôi sẵn sàng chấp nhận. Anh hứa sẽ không bao giờ rời bỏ tôi và sẽ mang ơn tôi suốt cả cuộc đời này.

Nhưng cũng kể từ đó, dòng họ bên chồng nhìn tôi với ánh mắt khác hẳn. Họ mỉa mai tôi là không làm tròn nghĩa vụ sinh con đẻ cái của đàn bà. Họ bắt đầu cay nghiệt hơn. Còn những người thân thiết nhất với tôi lại nhìn tôi bằng cái nhìn tội nghiệp. Tôi biết hết mọi thứ, chấp nhận hết mọi thứ thay anh, vì tôi yêu và thương anh.

Mang tieng 'cay doc khong trai', toi bi ca nha anh noi loi cay nghiet
Những lời của mẹ chồng khiến tôi không thể chịu đựng nổi - Ảnh minh họa

Mỗi lần về quê ăn giỗ, lễ tết là tôi lại đau lòng hơn bao giờ hết. Vì không có con, tôi phải làm hết việc này đến việc khác, vì không có con, tôi phải dọn dẹp cho các chị chồng ngồi chơi với các bé. Và cũng vì không có con, tôi phải né tránh ánh nhìn của mẹ chồng, né tránh cái thở dài của ba chồng. Tôi như người thừa, kẻ mà đuổi đi không được, giữ lại thì ngứa mắt.

Một lần, tôi về quê cùng chồng, khi đi ngang phòng ngủ của mẹ anh thì nghe tiếng bà nói chuyện với anh: “Con liệu mà kiếm cớ ly hôn với nó đi. Chứ nhà này có mình con là con trai, cái thứ cây độc không trái ấy chỉ làm khổ cả dòng họ. Tốt nhất là cứ kiếm cớ cãi nhau, làm cho nó chán rồi bỏ nó, lấy một vợ khác về để mà còn sinh con đẻ cái. Chứ con để tuổi càng lớn càng khó có con. Mẹ là mẹ không thể chấp nhận việc con cứ sống như thế này rồi đấy”.

Tôi nghe mà nước mắt tuôi rơi. Tối ấy, tôi xin phép đau bụng, không ra dùng cơm cùng mọi người vì thật sự là tôi không còn chút tâm trạng nào để ăn. Mẹ anh còn  ngoa ngoắt: “Bụng nhẹ thế, có gì mà phải đau”.

Tôi vào phòng òa khóc nức nở. Anh cũng buồn không kém, vào phòng an ủi, xoa dịu tôi nhưng mọi lời thế nào cũng không thể làm bớt vết thương mà mẹ chồng đã gán vào tôi: Thứ cây độc không trái, gái độc không con!

Chúng tôi phải làm sao đây? Tôi sợ mình không chịu nổi áp lực này, không chịu nổi những lời nói cay nghiệt mà mọi người hướng vào mình. Càng thương anh, tôi lại càng muốn thay anh chịu điều tiếng. Nhưng tôi sợ một ngày mình sẽ không còn sức chịu đựng. 

V.T (TP. HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI