Đen Vâu là một ca sĩ có mật độ ra mắt MV thưa hơn hẳn những ca sĩ trẻ nổi tiếng đình đám hiện nay. Nhưng nhờ “ủ” lâu, mỗi một MV được trình làng là một lần Đen Vâu khiến người yêu thích nhạc của mình chao đảo, bùng nổ theo những cảm xúc độc đáo, khác lạ mang dấu ấn cá nhân đậm nét.
Ca khúc Mang tiền về cho mẹ mới ra mắt cũng không ngoại lệ khi lượt view đã leo cao chót vót, ăn đứt những ca khúc đang thịnh hành.
Với ca khúc này, cảm xúc của những ca từ toát lên đều là cảm xúc cá nhân, bình dị, mộc mạc nhưng vô cùng đẹp. Đó cũng là lợi thế lớn nhất của Đen Vâu: luôn chú trọng ca từ thật giàu hình ảnh và ý nghĩa, sâu lắng trên nền Rap như tiếng nước róc rách thủ thỉ len lỏi vào tận sâu tâm hồn người nghe.
|
Ca khúc "Mang tiền về cho mẹ" của Đen Vâu được giới trẻ ưa thích với lượt xem cao ngất - Ảnh cắt từ MV |
Thông điệp cả bài hát gói gọn trong hai câu mở đầu: “Mang tiền về cho mẹ/ Đừng mang ưu phiền về cho mẹ”.
Tuy nhiên, hai câu hát của Đen Vâu lại vô tình gặp rắc rối với đám đông: một số người cho rằng ca khúc gây áp lực kiếm tiền, con cái phải mang về cho mẹ, cho gia đình, trong khi cuộc sống của những người trẻ ngày càng khắc nghiệt. Nhất là khi ca khúc này ra đời trong lúc cả nước đang oằn mình trong dịch bệnh, công việc của hàng triệu người đang bị ảnh hưởng.
Không lạ khi nhiều người phản ứng với thông điệp của anh. Nhưng cũng thật đáng tiếc nếu cứ chăm chăm áp đặt cảm xúc cá nhân lên một bài hát dạng tự sự. Đây hoàn toàn không phải là một bài tuyên truyền hay giáo dục cách sống cho ai đó. Đen Vâu ấp ủ bài hát trong 4 năm - đủ để mọi cảm xúc chín muồi, ca từ và giai điệu được gọt giũa và hoàn thiện đẹp nhất có thể.
Mang tiền về cho mẹ - Đen Vâu đang kể cho khán giả nghe câu chuyện trưởng thành của chính mình. Trưởng thành từ công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ: “Nếu không có mẹ, con cũng chỉ là đồ bỏ mà thôi/ Sẽ không có nề có nếp dù đặt mình ở cái chõ đồ xôi”, “Ôi những ngày xám ngoét, gió liêu xiêu dáng mẹ gầy so/ Có khi mẹ ngất giữa đường vì cả ngày chẳng có gì no/ Mẹ không dám ăn, không dám mặc, không dám tiêu cũng chỉ vì lo (lo cho con)”…
Vậy nên, Đen Vâu luôn tự nhắc mình:
“Tiếng nói đầu tiên là do ai dạy? Nét chữ đầu tiên là tay ai cầm? Sai lầm đầu tiên là do ai sửa? Vấp ngã đầu tiên là được ai nâng? Chính là mẹ... Bài hát hay nhất trần đời là lời mẹ ru giữa trưa nắng hè. Những ngày dài nhất trần đời là mẹ đi chợ mà chưa thấy về. Thức ăn ngon nhất trần đời là cơm bếp củi mẹ nấu xoong gang”.
|
"Mang tiền về cho mẹ" là câu chuyện và cảm xúc cá nhân thật đẹp của Đen Vâu - Ảnh cắt từ MV |
Nếu không có mẹ dạy dỗ uốn nắn, cuộc đời anh có lẽ sẽ khác và chắc gì làng nhạc Việt có một Đen Vâu giản dị chân thành như hôm nay. Ra đời, trải qua bao nhiêu nghề gian khó để trưởng thành, lớn lên từng ngày, Đen Vâu vẫn không quên hướng về và luôn khắc ghi công ơn của mẹ. Rồi đền đáp bằng cách: “Đưa tiền cho mẹ, mẹ là tiền vệ. Đừng làm điều xấu, sẽ thành tiền lệ. Lao động hăng say, hơn cả tiền đề. Cầm về tiền tốt, đừng có cầm về tiền tệ”.
Với tư cách một người con, Đen Vâu là một người con tròn chữ hiếu. Dẫu anh chẳng nhấn mạnh rằng mình mang tất cả tiền về để báo hiếu. Nhưng hình ảnh “mang tiền về cho mẹ” như một ẩn dụ đẹp đẽ: báo hiếu. Trong phạm vi một bài hát và một câu chuyện đầy cảm xúc, có lẽ “mang tiền về cho mẹ” đã nói hết tinh thần hiếu đạo, không phải rườm rà lê thê sang những hình ảnh khác.
Nhiều người chỉ trích Đen vì hình ảnh thực dụng này. Nhưng đối chiếu với thực tế cuộc sống, nếu những đứa con mang về cho mẹ những đồng tiền mồ hôi nước mắt lương thiện đầu đời họ kiếm được, đấng sinh thành vui sướng biết bao nhiêu.
Con họ trưởng thành rồi, khôn lớn nên người rồi, vui chứ sao không! Tôi từng tiếp xúc nhiều bạn trẻ. Tháng lương đầu tiên họ đều hớn hở trích ra gửi về cho gia đình cùng niềm hãnh diện, dù ba mẹ không hề nói phải gửi.
Vẫn biết còn rất nhiều bậc cha mẹ ở quê còn tính so đo, hay so sánh con mình với con người khác bằng tiềng lương con gửi về. Và cái thói quen “già cậy con” mới chính là áp lực họ tròng lên con cái mình.
Đen Vâu không kêu gọi và cũng không áp đặt người trẻ phải báo hiếu bằng cách mang tiền về cho mẹ. Anh chỉ kể câu chuyện báo hiếu của mình. Mỗi người đều có cách báo hiếu khác nhau, tùy điều kiện, tùy sở thích của ba mẹ họ.
Vậy thì cớ gì ta áp đặt một cách cảm tính lên câu chuyện mang dấu ấn cá nhân của anh ấy, cho rằng Đen Vâu đang cổ xúy cho lối vòi vĩnh thực dụng của người lớn, tạo áp lực kiếm tiền lên người trẻ?
Với tư cách ca sĩ, Đen Vâu là một ca sĩ tử tế. “Mang tiền về cho mẹ” cũng là lời cảm ơn của anh dành đến fan âm nhạc của mình. Hiếm ca sĩ nào từng nghĩ đến việc làm hẳn một MV cảm ơn fan giống như Đen Vâu.
Những tranh cãi rồi cũng sẽ lắng xuống, như cách mà người Việt vẫn ưa tranh cãi tại sao phương Tây lại yêu thích ca khúc Happy New Year mỗi độ xuân về, dù nó buồn nẫu ruột? Nhưng rồi sao? Bây giờ người Việt vẫn nghe Happy New Year mỗi đầu năm mới đó thôi.
Trần Huyền Trang