Mang thủy đình vào sân trường

13/04/2021 - 10:01

PNO - Biểu diễn múa rối nước ở sân trường, điều tưởng chừng phi thực tế đã diễn ra ở Trường tiểu học Lương Định Của (quận 3) trong tiếng reo hò thích thú của các em học sinh. Trong số đó có đến hơn 50% chưa một lần được xem rối nước.

Hồ nước và thủy đình không quá lớn, nhưng đủ để các diễn viên biểu diễn những trò cơ bản của nghệ thuật rối nước phục vụ học sinh: Tễu giáo trò, Làm nông, Múa rồng, Đánh cáo bắt vịt, Nhi đồng hí thủy, Đánh bắt cá, Múa sư tử, Múa tứ linh…

Thuỷ đình trong sân trường tiểu học Lương Định Của
Thuỷ đình trong sân Trường tiểu học Lương Định Của

Đây là suất diễn đầu tiên của dự án Xem biểu diễn và trải nghiệm múa rối nước dành cho học sinh tiểu học do Nhà hát Trẻ thuộc Công ty TNHH sân khấu – nghệ thuật Thái Dương (Công ty Thái Dương) thực hiện. Rất thành công với Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng, nhưng nhiều năm nay, "ông bầu" Huỳnh Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Thái Dương) vẫn không thôi ước mơ có thể mang rối nước vào học đường, để giới thiệu một di sản văn hóa dân tộc độc đáo của Việt Nam với khán giả nhỏ tuổi.

Màn khởi động đầy hào hứng trước khi xem múa rối
Màn khởi động đầy hào hứng trước khi xem rối nước

Đưa học sinh đến Nhà hát Rồng Vàng xem múa rối nước là điều không dễ với đa số các trường học do phải di chuyển xa, chi phí xe đưa đón học sinh… Đưa thủy đình vào sân trường, tại sao không? Để hiện thực hóa ước mơ đó, của “ông bầu’’ Huỳnh Anh Tuấn và Phó giám đốc Nhà hát Trẻ Trầm Thanh Thảo đã mày mò “chế tạo” hồ nước di động để biểu diễn rối nước từ nguyên mẫu lớn hơn mua ở nước ngoài trước đó.

Trò rối Đánh bắt cá
Trò rối Đánh bắt cá

30 phút của chương trình biểu diễn dường như chưa đáp ứng hết nhu cầu được xem rối nước của học sinh. Những tiếng reo hò, những tràng vỗ tay, những ánh mắt háo hức gần như không một giây nào rời khỏi thủy đình.

Không dừng lại ở xem biểu diễn, học sinh còn được gặp gỡ các diễn viên điều khiển rối và tìm hiểu vì sao các con rối có thể chuyển động uyển chuyển trên mặt nước. Nhưng thú vị nhất có lẽ là phần trải nghiệm điều khiển rối nước. Sau vài phút được hướng dẫn, các cô bé, cậu bé học trò xúng xính trong chiếc áo bà ba thích thú nhìn con rối di chuyển theo sự điều khiển của mình.

Học sinh thích thú với những trò diễn của nghệ thuật múa rối nước
Học sinh thích thú với những trò diễn của nghệ thuật múa rối nước

Đây không phải là lần đầu tiên Công ty Thái Dương đưa chương trình biểu diễn nghệ thuật vào trường học. Vốn xuất thân từ ngành sư phạm, nhưng lại có niềm đam mê sân khấu, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật dân tộc và lịch sử Việt Nam, “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn luôn trăn trở với những dự án đưa kịch lịch sử và nghệ thuật dân tộc vào học đường để ươm mầm một thế hệ khán giả và nghệ sĩ cho các loại hình nghệ thuật này trong tương lai.

Từ năm 2018, sân khấu kịch Idecaf và Nhà hát thiếu nhi Nụ Cười (thuộc Công ty Thái Dương) đã tổ chức hàng trăm suất diễn kịch rối lịch sử dành cho lứa tuổi mầm non và tiểu học ở 24 quận huyện trên địa bàn TPHCM.

Các em được nghe giải thích cách các con rối di chuyển trên mặt nước
Các em được nghe giải thích cách các con rối di chuyển trên mặt nước

Ngay khi dự án Xem biểu diễn và trải nghiệm múa rối nước vừa chính thức khởi động, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn và Trầm Thanh Thảo đã nghĩ đến dự án đưa âm nhạc dân tộc vào trường học tiếp cận với học sinh.

“Các tiết mục rối nước được thực hiện trên chất liệu âm nhạc dân tộc, giới thiệu múa rối nước kết hợp với âm nhạc dân tộc trong nhà trường là kế hoạch không quá khó khăn, chúng tôi hy vọng sẽ sớm đưa dự án mới này vào hoạt động”, anh Trầm Thanh Thảo chia sẻ.

Học sinh trải nghiệm điều khiển rối nước
Học sinh trải nghiệm điều khiển rối nước

Đợt “ra quân” đầu tiên của dự án Xem biểu diễn và trải nghiệm múa rối nước ở Trường tiểu học Lương Định Của sẽ có 5 buổi, để học sinh toàn trường có điều kiện tiếp cận gần nhất với múa rối nước và nhiều em có cơ hội được trải nghiệm cách điều khiển một con rối nước.

Nguyễn Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI