Tôi và chồng kết hôn đầu năm 2012, khi tôi 26 tuổi còn anh ấy 29. Vì cả hai đều đã có công việc ổn định và không phải lo lắng nhiều về kinh tế, gia đình hai bên lại neo người, nên chúng tôi bàn bạc và quyết định không “kế hoạch” để hưởng thụ đời sống vợ chồng son mà sẽ có con luôn cho ông bà phấn khởi. Trước khi cưới, chúng tôi đã đi khám sức khỏe tiền hôn nhân và được kết luận sức khỏe sinh sản bình thường, không có vấn đề gì đáng lưu ý. Thế nên cả hai vợ chồng yên tâm lắm, chắc mẩm cưới về “thả” nhiều lắm là ba tháng sẽ có tin vui.
Nhưng trái với mong đợi của cả hai, chúng tôi chờ mãi vẫn không thấy gì. Ba tháng, rồi sáu tháng trôi qua, chúng tôi bắt đầu sốt ruột. Từ chỗ “yêu” theo cảm hứng, tôi bắt đầu canh ngày rụng trứng, xem lịch để “cài đặt” chuyện ấy sao cho dễ thụ thai nhất.
Lại thêm ba tháng nữa trôi qua, vẫn chẳng có gì xảy ra ngoài việc “đèn đỏ” ghé thăm tôi như thường lệ. Tròn một năm sau khi cưới, tôi hoang mang thực sự khi bạn bè nhiều cặp kết hôn sau mà đã thấy thông báo tin vui rộn ràng. Mấy cô bạn tôi còn thỉnh thoảng nhảy vào hỏi thăm rồi sốt sắng khuyên “đừng kế hoạch lâu quá kẻo sau này khó đậu thai lắm”.
Tôi bắt đầu stress và quyết định đi khám lại. Nhưng bác sỹ bảo tôi hoàn toàn bình thường, không có gì đáng lo. Tôi thử đủ tư thế “yêu”, mua rất nhiều hàu về cho chồng ăn vì nghe đồn đó là loại thực phẩm rất tốt cho việc thụ thai, nhưng đâu vẫn hoàn đấy.
|
Dù kết quả khám tiền hôn nhân rất tốt nhưng sau khi cưới, chồng tôi bị kết luận tinh trùng yếu (ảnh minh họa). |
Nửa năm nữa trôi qua, chúng tôi bắt đầu nản. Khoảng thời gian đầu hôn nhân nếu chưa con cái, lẽ ra sẽ phải là những trải nghiệm “chuyện ấy” tuyệt vời nhưng với chúng tôi, mọi thứ ngày càng tệ hơn và chuyện “yêu” dần dần trở thành một áp lực thực sự khi cứ phải canh cánh làm sao để “có kết quả”. Thật may là, sau khi tôi vận động nhiều lần, chồng tôi cũng nghe lời và đi khám lại. Điều bất ngờ xảy ra: sau khi xét nghiệm tinh dịch đồ, chồng tôi bị kết luận tinh trùng yếu, mặc dù kết quả trước khi cưới hoàn toàn trái ngược.
Thêm nửa năm nữa điều trị theo tây y, chúng tôi vẫn không được đón tin vui, dù kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ của chồng tôi cho thấy có khá hơn một chút. Mẹ chồng tôi lặn lội lên Hòa Bình cắt thuốc từ một bà lang nổi tiếng do người hàng xóm mách cho. Tôi điên cuồng lục tung mạng Internet để tìm thầy, tìm thuốc, vào tận Sài Gòn, bắt xe xuống miền Tây vì nghe nói dưới đó có một thầy thuốc trị hiếm muộn nam rất mát tay. Nhưng uống thuốc mấy tháng vẫn vậy.
|
Sau khi thử đủ cách, tôi phát hiện có thể những thói quen xấu của chồng tôi chính là nguyên nhân khiến việc thụ thai trở nên khó khăn (ảnh minh họa). |
Rồi tôi tình cờ đọc được một bài báo nói về những thói quen xấu khiến việc thụ thai trở nên khó khăn. Thực ra những thông tin như vậy rất nhiều trên mạng, nhưng tôi thường không để ý vì không tin lắm. Nhưng khi ấy suy nghĩ lại tôi thấy có thể đó chính là lý do khiến vợ chồng tôi lâu có tin vui.
Vì chồng tôi là lập trình viên, anh thường thức rất khuya để làm việc ở nhà. Lịch “yêu” của vợ chồng tôi thường diễn ra vào khoảng 9, 10 giờ tối và tôi hay chủ quan nghĩ rằng như vậy là ổn. Sau khi gần gũi vợ, chồng tôi chỉ chợp mắt một lát là dậy làm việc đến khoảng 1,2 giờ sáng do giờ giấc làm việc ở công ty anh rất dễ, không phải có mặt đúng giờ từ sớm. Anh bảo giờ đó làm việc mới có cảm hứng và sự tập trung. Nhưng nhiều thông tin khẳng định thức khuya sau 12 giờ đêm sẽ làm suy giảm chất lượng tinh trùng!
Khi tôi gửi cho chồng bài báo đó, anh ồ lên và bảo, anh còn một thói quen nữa là tắm nước rất nóng. Từ nhỏ anh đã có thói quen này. Cà phê anh cũng uống rất nhiều, một ngày có thể uống tới 3 ly và không ngày nào thiếu được.
Thế là tôi bắt anh bỏ hết tất tật những thói quen này. Mặc kệ công việc của anh gấp gáp ra sao, đúng 10 giờ phải lên giường đi ngủ và không được thức dậy giữa chừng. Kiểm tra nhiệt độ nước anh thường tắm, tôi cũng giật mình vì thói quen “quái lạ” của anh. Nước nóng đến mức bốc cả hơi lên khi vặn vòi. Tôi chỉnh lại ở mức vừa đủ ấm và bắt anh không được tăng nhiệt độ. Cà phê cũng phải cai từ từ, ngày tối đa chỉ uống một lần, không uống càng tốt.
Chồng tôi thời gian đầu cũng kêu ca dữ dội nhưng dần dần cũng quen. Tháng 3 năm ngoái, tôi thấy “đèn đỏ” hơi lâu nên mua que thử. Hai vạch hiện lên rõ nét khiến tôi hét ầm ỹ vì sung sướng!
|
Chúng tôi đã được đón con yêu sau thời gian dài điều trị và quyết tâm từ bỏ những thói quen xấu (ảnh minh họa). |
Thực ra tôi cũng không dám chắc mình thụ thai được nhờ điều gì. Có thể các loại thuốc mà chúng tôi uống cần nhiều thời gian để phát huy tác dụng, hoặc cũng có thể việc từ bỏ những thói quen xấu đã khiến tinh trùng của chồng tôi trở nên khỏe mạnh hơn. Nhưng dù vì lý do gì thì việc từ bỏ những thói quen không tốt vẫn là điều nên làm, bởi nó còn giúp cho sức khỏe của bạn không bị ảnh hưởng, nhất là về lâu dài.
Tôi viết câu chuyện của mình ra đây để chia sẻ với những ai cùng cảnh ngộ, có được thêm một kinh nghiệm cho hành trình tìm tin vui của mình. Đừng xem thường những thói quen xấu. Tôi nghĩ nó thật sự rất không có lợi cho cơ thể chúng ta. Chúc những người đồng cảnh ngộ sớm có tin vui giống vợ chồng tôi.
Vân Anh (Hà Nội)