edf40wrjww2tblPage:Content
Thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Hùng Vương. - Ảnh: PHÙNG HUY
Hy vọng mới
Có mặt tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia Bệnh viện (BV) Phụ Sản Trung ương) chiều ngày 18/3, chị L.P. (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) không giấu được niềm vui khi hy vọng làm mẹ một lần nữa được thắp lên. Chị P. là một trong những trường hợp đầu tiên đăng ký tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia tìm được người mang thai hộ (MTH). Hơn 42 tuổi, do bị tắc vòi trứng nên chị P. chưa thể có con. Suốt nhiều năm chị P. chạy chữa, can thiệp bằng nhiều biện pháp nhưng đều không thành công.
Khi thông tin về việc MTH vì mục đích nhân đạo được chấp thuận tại Việt Nam, chị P. đã chuẩn bị mọi việc “hậu cần”. Quan trọng nhất là tìm được người MTH phù hợp và thuyết phục để có được sự đồng ý của hai bên gia đình. “Tôi may mắn hơn nhiều chị em bởi có em gái là người đồng ý MTH. Mọi việc đều diễn ra suôn sẻ”, chị P. chia sẻ.
Em gái chị P. năm nay 40 tuổi, có hai con, tất cả đều chào đời theo phương pháp sinh thường. Sau khi gửi đơn đăng ký tại trung tâm, chị P. và em gái được các bác sĩ kiểm tra, xác nhận tình trạng sinh sản theo quy định và được cấp giấy giới thiệu để làm những thủ tục ban đầu. Hiện, vợ chồng chị P. đã được thực hiện các xét nghiệm để xác định không bị bệnh di truyền, tâm thần, HIV… Em gái chị P. cũng phải xét nghiệm nội tiết, sinh hóa… tương tự yêu cầu của một ca thụ tinh ống nghiệm.
GS-TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia cho hay, tại trung tâm, một số phụ nữ đăng ký đã tìm được người MTH là chị, em gái hoặc chị, em dâu... Những trường hợp này dù đang làm các thủ tục về sức khỏe nhưng ông Tiến khẳng định, điều đó không có nghĩa là đã được chấp nhận thực hiện MTH, bởi còn phải trải qua các khâu xác minh với thủ tục pháp lý chặt chẽ.
Theo quy định, chỉ có những trường hợp tinh trùng của chồng, noãn của vợ bình thường, nhưng người vợ không thể mang thai, mới chỉ định biện pháp MTH. Khi đã có người đồng ý MTH, BV sẽ thiết lập hội đồng, kiểm tra về mặt y tế với các cặp vợ chồng nhờ MTH và người đồng ý MTH. Sau đó, hai bên phải được tư vấn tâm lý và cuối cùng là tư vấn pháp lý.
Về kỹ thuật MTH, ông Tiến cho rằng không có nhiều khác biệt so với việc thụ tinh trong ống nghiệm: “Các bác sĩ sẽ lấy trứng của mẹ và tinh trùng của người cha để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó chuyển phôi sang cho người MTH. Trẻ sinh ra vẫn mang gen di truyền, nhóm máu của cha hoặc mẹ chứ không phải của người MTH”.
Theo các bác sĩ, chi phí thực hiện một ca MTH tương đương với chi phí của một ca thụ tinh trong ống nghiệm, từ 40 - 70 triệu đồng, phụ thuộc vào lượng thuốc sử dụng trong quá trình thực hiện.
Tư vấn hiếm muộn tại Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM - Ảnh: Phùng Huy
Không dễ!
Mặc dù quy định về MTH đã chính thức có hiệu lực song không phải ai cũng may mắn có đủ điều kiện như chị P. Chị N.T.M. (Q.Ba Đình, Hà Nội) bị lạc nội mạc tử cung. Thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm và chuyển phôi hai lần không thành công, chị M. được em gái chồng chủ động đề nghị MTH. Nhưng éo le, chính chồng chị lại là người phản đối bởi anh không vượt qua được rào cản về tư tưởng, cho rằng, đó là việc “loạn luân”.
Vợ chồng anh N.V.C. (Thanh Hóa) lấy nhau được 5 năm, nhưng không thể có con do vợ bị tử cung đôi. Sau bốn lần thụ tinh trong ống nghiệm không có kết quả, anh C. và vợ đã tính tới việc nhờ người MTH. “Quy định yêu cầu người MTH trong cùng phạm vi trực hệ ba đời nên vợ chồng tôi không thể tìm được người MTH đủ điều kiện. Ở quê rất nặng về mặt tư tưởng, nên việc nhờ được chị gái, hay em gái MTH là điều quá khó khăn”, anh C. than thở.
Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) thừa nhận, nhu cầu MTH rất lớn song việc triển khai lại không hề đơn giản. Khó khăn nhất vẫn là khâu tìm người MTH, đáp ứng yêu cầu về trực hệ (có huyết thống với chồng hoặc vợ trong phạm vi ba đời và cùng hàng). Đặc biệt, về mặt pháp lý, để tránh các trường hợp MTH vì mục đích thương mại, bắt buộc các gia đình phải có luật sư tham dự, xác định đây có phải họ hàng thật không, cùng trực hệ không và giúp cặp vợ chồng nhờ MTH xây dựng hợp đồng dân sự, quy định trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của hai bên.
“Trong hợp đồng cần phải đạt được những thỏa thuận rõ ràng như: thời gian trao trả con sau khi sinh là bao lâu; xác định thai nhi có dị tật, bệnh tật phải bỏ và có chuyên gia y tế, pháp luật tư vấn; trong trường hợp người MTH chết, đứa bé chết hoặc cả hai cùng chết thì bên nhờ MTH có trách nhiệm gì; trong quá trình mang thai không phát hiện dị tật mà đẻ con ra bị dị tật, bệnh lý thì người nhờ mang thai vẫn phải nhận con…”, ông Quang nói. Với những quy định chặt chẽ này, ông Quang thừa nhận: “Để một ca MTH được tiến hành, phải mất nhiều thời gian và làm được điều này không dễ. Số ca được MTH không nhiều. Ở các nước, trung bình mỗi năm cũng chỉ có 10 - 15 ca”.
Về trách nhiệm của BV khi thực hiện MTH, Vụ trưởng Vụ Pháp chế khẳng định, BV chỉ làm vì mục tiêu nhân đạo, thực hiện đúng các quy định về chuyên môn, nghiệp vụ y tế. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp con, các gia đình sẽ phải ra tòa để giải quyết. Về việc các gia đình có thể làm giả giấy tờ chứng minh quan hệ huyết thống, ông Quang cho biết, đây là vấn đề cơ quan tư pháp xã/phường phải chịu trách nhiệm, BV chỉ làm việc dựa trên những giấy tờ hợp pháp.
H. ANH