Mang thai hộ - hành trình thận trọng

04/04/2016 - 16:03

PNO - Hơn cả việc duy trì nòi giống, con trẻ đối với nhân loại còn là sự tiếp nối những giá trị thiêng liêng vô hình...

Đã tròn một năm, tính từ ngày 15/3/2015, ngày mà quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, có hiệu lực. Toàn quốc có ba bệnh viện (BV) lớn được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo này, đó là BV Phụ sản Trung ương, Phụ sản Trung ương Huế và Phụ sản Từ Dũ TP.HCM.

Ngày 22/1/2016, tại Hà Nội, bé gái đầu tiên trong chương trình này đã chào đời. Và bây giờ, ca mang thai hộ đầu tiên của miền Nam là hai bé trai, đã sinh nở mẹ tròn con vuông tại BV Từ Dũ. Trên bình diện y khoa, các ca sinh này hầu như không có nhiều khó khăn hay rủi ro gì, vì các bà mẹ và thai nhi đều được theo dõi và chăm sóc tốt trong suốt quá trình mang thai; nhưng trên bình diện xã hội, sự ra đời của những đứa trẻ này đánh dấu một cột mốc, một chuyển biến lớn lao về chính sách, và có thể, cũng sẽ kéo theo những hệ quả mà những người làm chính sách chưa thể lường hết.

Hơn cả việc duy trì nòi giống, con trẻ đối với nhân loại còn là sự tiếp nối những giá trị thiêng liêng vô hình, mà việc trao truyền lại những giá trị ấy đôi khi được thực hiện qua con đường bí ẩn của huyết thống, của gia đình. Cơn khát con chưa bao giờ thỏa, cho dù các phương tiện truyền thông liên tục nói về việc nhân loại đang phải đối phó với sự quá tải dân số, đối phó với tình trạng sinh sản thiếu kiểm soát và thiếu hụt lương thực trên toàn cầu.

Mang thai ho - hanh trinh than trong
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Bước chân vào hành lang khoa điều trị hiếm muộn vô sinh của BV Từ Dũ mới thấy, cơn khát ấy hằn rõ dấu ấn trên gương mặt của những cặp vợ chồng, những người phụ nữ đã bước vào tuổi trung niên, héo hon, khắc khổ vì mong đợi một đứa trẻ đến với mình. Có những đợt điều trị mang lại kết quả, nhưng cũng có những đợt điều trị thất bại, người phụ nữ không thể mang thai do nhiều lý do.

Cũng phải qua rất nhiều cân nhắc, dè dặt, thì quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo mới trở thành hiện thực. Pháp luật quy định người mang thai hộ phải có quan hệ họ hàng, tức trước khi quan hệ mẹ và con xuất hiện, người mẹ và đứa trẻ đã có mối quan hệ nhất định về mặt gia đình. Đây là hình thức mang thai hộ hoàn toàn: trứng của mẹ và tinh trùng của cha được thụ tinh trong ống nghiệm thành công, rồi phôi mới được cấy vào tử cung người mang thai hộ, nhưng lại khác biệt với những hình thức mang thai hộ có tính chất thương mại đã xuất hiện hợp pháp hay bất hợp pháp trên thế giới.

Nhưng dù là “hộ”, chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau vẫn là hành trình của một người đàn bà, những gì xảy ra giữa đứa trẻ trong bụng và người đàn bà ấy, vẫn là bí mật giữa mẹ và con. Ở BV Từ Dũ, khi hai đứa trẻ sinh đôi cất tiếng khóc chào đời, sản phụ dù kiệt lực sau cơn vượt cạn, vẫn cố mở to mắt để nhìn thấy con.

Mối quan hệ giữa người đàn bà với những đứa trẻ mà họ mang trong bụng mình, dù dưới động cơ nào đi nữa, vẫn là quan hệ mẹ và con. Từ đây, trong mục từ về “mẹ” của từ điển sẽ có thêm danh từ mới: mẹ mang thai hộ. Con nhờ mẹ mà có cơ hội chào đời, cái ơn nghĩa ấy không chỉ được cha mẹ ruột của đứa trẻ nhận mang, mà chính đứa trẻ đã mang lấy nó một cách tự nhiên.

Bé gái đầu tiên sau khi ra đời vẫn được “mẹ mang thai hộ” - cũng là người cô họ của cha mẹ bé, bồng ẵm, cho bú. Sợi dây liên hệ vẫn được gìn giữ, cho dù về mặt sinh học thì bà không phải là mẹ của đứa trẻ ấy. Rồi những gì nữa sẽ xảy ra giữa đứa bé, người mẹ ruột - người mẹ mà đứa bé mang ADN, và người mẹ mà bé đã “tá túc” trong bụng để vào đời? Câu chuyện ấy có lẽ phải đợi từ chính những người trong cuộc.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI