Mang thai bằng tử cung nhân tạo: Nên hay không?

30/03/2021 - 06:24

PNO - Một công trình nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Israel được đánh giá là một bước đột phá, giúp con người tiến gần hơn đến mong muốn sinh con mà không cần mang thai.

 

Phôi chuột phát triển bên ngoài tử cung từ ngày 1-5
Phôi chuột phát triển bên ngoài tử cung từ ngày 1-5

Nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang đầu tư mạnh cho việc nghiên cứu và phát triển tử cung nhân tạo. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng công nghệ này có được ứng dụng phổ biến trong tương lai hay không còn tùy thuộc vào quan niệm về đạo đức và luật pháp của mỗi quốc gia. 

Vào tuần trước, một nhóm các nhà nghiên cứu của Viện Khoa học xã hội Weizmann, Israel, tiết lộ trên tạp chí Nature rằng đã thụ thai thành công cho hàng trăm con chuột bên trong tử cung nhân tạo. Họ đặt trứng mới được thụ tinh bên trong những chiếc lọ thủy tinh được quay trong lồng ấp thông gió, sau đó nuôi các phôi thai này trong 11 ngày, tương đương nửa thai kỳ của chuột. Kết quả cho thấy các phôi thai phát triển bình thường và tim của chúng, có thể nhìn thấy thông qua các lọ thủy tinh, đập đều đặn với tốc độ 170 nhịp mỗi phút.

Do đó, những người ủng hộ việc chế tạo ra tử cung nhân tạo cho rằng đây là một giải pháp rất có nghĩa, giúp phụ nữ thoát khỏi những ảnh hưởng về thể chất và tinh thần trong thai kỳ, tạo ra sự công bằng hơn cho cả hai giới trong quá trình sinh sản.

Tuy nhiên, giới quan sát cũng nhận định rằng công nghệ sinh con mang tính đột phá này cũng có thể đặt con người trước những lựa chọn khó khăn mang tính đạo đức. Theo các nhà khoa học của Viện Weizmann, nghiên cứu trên là một bước đột phá để đưa con người đến gần hơn với mong muốn sinh con mà không cần mang thai.

Thực tế cho thấy, chia sẻ các công việc gia đình và “mức độ đóng góp” cho quá trình sinh con sao cho “công bằng” và hợp lý khi người vợ mang thai luôn là một thách thức lớn của các cặp vợ chồng ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Nam giới chỉ phải đóng góp “một tế bào duy nhất” để tạo ra một em bé, trong khi người phụ nữ phải mang thai trong 9 tháng và chịu đựng không ít đau đớn về thể chất khi sinh con. Trong nhiều trường hợp, người phụ nữ phải còn phải đánh đổi sức khỏe và sự nghiệp của mình cho việc sinh con.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên các nhà khoa học trên thế giới nảy ra ý tưởng nuôi những đứa trẻ trong “những chiếc lọ”. Năm 1992, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã có những thành công bước đầu khi nuôi dê trong túi cao su. Năm 2017, các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia (CHOP) cũng cho biết đã nuôi những bào thai cừu đã phát triển được một nửa thai kỳ đầu của cừu mẹ trong túi nhựa.

Gần đây nhất, năm 2019, các nhà nghiên cứu Hà Lan đã nhận được khoản tài trợ 2,9 triệu euro từ Liên minh châu Âu (EU) để phát triển một tử cung nhân tạo, sử dụng bản sao của trẻ sơ sinh được ghi nhận bằng cảm biến trước khi được đưa vào bệnh viện để phát triển tiếp.

Trong khi đó, nhiều nhóm nhà nghiên cứu khác trên thế giới hiện cũng đang tìm cách đẩy nhanh quá trình “sao chép” tử cung của con người. Chẳng hạn, CHOP đang yêu cầu Cục Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ phê duyệt thử nghiệm thiết bị “túi sinh học” cho trẻ sơ sinh. Một số nhóm nhà nghiên cứu khác ở Úc và Nhật Bản, cũng đang làm điều tương tự.

Nhóm chế tạo những tử cung nhân tạo này cho biết họ chỉ được thúc đẩy bởi mong muốn cứu những con người dễ bị tổn thương nhất trên Trái đất
Nhóm chế tạo tử cung nhân tạo cho biết họ chỉ được thúc đẩy bởi mong muốn cứu những con người dễ bị tổn thương nhất trên Trái đất

Các nhà khoa học theo đuổi những công trình nghiên cứu như trên đều có chung những ý tưởng cao đẹp. Đó là góp phần cách cải thiện tình trạng sinh non, giúp các cặp vợ chồng hiểu rõ hơn diễn biến phát triển của phôi thai trong giai đoạn đầu và hạn chế các tai biến dẫn đến việc sảy thai.

Tử cung nhân tạo tạo ra một “cửa sổ”, giúp theo dõi rõ và dễ hơn quá trình phát triển phôi thai, nhờ đó phát hiện sớm các nguyên nhân dẫn đến các biến chứng này - một điều rất khó thực hiện khi phôi thai được nuôi trong tử cung “thật” của người mẹ. Tử cung nhân tạo cho phép việc nuôi thai được tiếp tục thực hiện bên ngoài cơ thể người mẹ, vì vậy trẻ sinh non sẽ không còn nguy cơ bị khuyết tật cao hay chịu đựng những căn bệnh mãn tính liên quan đến tình trạng này. 

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho rằng tử cung nhân tạo có thể làm suy yếu quyền được sinh sản và tự do của phụ nữ, tùy theo quan niệm về đạo đức và luật pháp ở từng quốc gia. Chẳng hạn, ở Anh, Scotland và xứ Wales, phụ nữ không được phá thai khi thai đã phát triển được từ 24 tuần trở lên.

Quy định này được đưa ra dựa trên lý luận rằng, thai nhi dưới thời gian này sẽ không thể sống bên ngoài tử cung (nên người mẹ có quyền chọn sinh con hay không, còn khi thai nhi ở độ tuổi lớn hơn, thì các em phải có “quyền được sống”). Với lý luận này, một phôi thai trong tử cung nhân tạo đã có nhân quyền như một đứa trẻ ngay từ những ngày đầu và người tạo ra chúng không có quyền tước bỏ sự sống của nó.

Những người ủng hộ việc mang thai bằng tử cung nhân tạo cũng cho rằng đây là một việc làm nhân đạo vì đó là giải pháp để cứu mạng những đứa trẻ dễ bị tổn thương nhất thế giới, khi các em phải lớn lên trong tử cung của những người phụ nữ nghiện rượu, hút thuốc, dùng chất kích thích hoặc thực hiện các hành vi có rủi ro cao, làm ảnh hưởng đến thai nhi trong quá trình mang thai. 

Nhiều công ty công nghệ và truyền thông, bao gồm Apple, Google, Facebook, VICE và Buzzfeed, hiện đã xây dựng chính sách chăm sóc sức khỏe sinh sản rất tốt cho nhân viên. Theo đó, nhân viên nữ được trả chi phí để gửi trứng đi đông lạnh, giúp họ không phải lo lắng về việc suy giảm khả năng sinh sản trong tương lai và có thể an tâm tập trung phát triển sự nghiệp.

Theo xu hướng đó, những nhà phân tích ủng hộ việc sinh con bằng tử cung nhân tạo cho rằng việc này sẽ giúp người phụ nữ có thể chọn lựa cách sinh con một cách nghiêm túc và nhẹ nhàng với chi phí được công ty tài trợ hoặc do bản thân tự chi trả. Trong khi đó, theo những nhà phân tích này, mang thai “tự nhiên” có thể được xem là một dấu hiệu của nghèo đói, không có kế hoạch hoặc là hậu quả của một lối sống nổi loạn.

Nhất Nguyên (theo the Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI