Mang tết cho con dâu

17/01/2025 - 06:26

PNO - Dạo đó, nếu bà cứ mãi “cao cao tại thượng” mà chờ ngày con dâu thân thiết, quấn quýt với mình thì không biết bà phải chờ đến chừng nào.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Giáp tết năm nay, bà Lài lên kế hoạch sang châu Âu thăm cháu nội mới sinh. Đứa con dâu này, bà không ưng lắm, cũng chưa sống với nó ngày nào, chỉ là thằng con cương quyết cưới thì bà cho nó cưới. Mẹ chồng - nàng dâu chỉ gặp nhau qua mạng. Dù cố gắng xóa nhòa khoảng cách, bà Lài vẫn cảm thấy con dâu rất xa cách với gia đình chồng.

Những cuộc điện thoại hay nhắn tin thăm hỏi của bà thường nhận được câu trả lời rất chỉn chu của con, nhưng thiếu sự gần gũi, thân thiết của người một nhà. Con trai nhiều lần ngỏ lời đài thọ chi phí, mời ba mẹ qua chơi, nhưng thấy con dâu cứ lạnh nhạt, khách sáo kiểu “mời lơi” nên vợ chồng bà không muốn đi.

Duy chỉ có một lần, con dâu nói là sinh xong thèm món ăn Việt Nam và ao ước được ăn một cái tết đủ đầy những món quê nhà. Gạt đi cái tự ái của người bề trên, bà Lài thuyết phục chồng cho bà xuất ngoại một chuyến.

Gần 70 tuổi, bà Lài lần đầu đi nước ngoài. Hành trang của bà gồm rất nhiều nguyên liệu để nấu món tết. Cả một thùng xốp lớn chứa đủ thứ: phở, hủ tíu khô, bún khô, bánh hỏi khô, miến dong, bánh phồng tôm; nước lèo đóng gói, các món chế biến sẵn như cá bống, cá kèo kho, chả cá thu, chả cá thác lác, các loại ốc hấp, tép sông rang… thêm ớt ngâm nước mắm, hành, sả, tỏi… Có cả món chà bông thịt heo sấy giòn, riêu rạm biển mà con thích.

Ai biết chuyện cũng bảo bà bày vẽ. Đi châu Âu chơi mà cụ bị như bà nhà quê đi buôn, rằng bây giờ ở nước ngoài cũng bán nhiều món Việt Nam rồi, mắc gì phải khệ nệ mang vác cho khổ. Bà nghe vậy chỉ cười: “Đồ siêu thị bên đó lạnh lẽo, sao ngon bằng đồ mình đem qua”.

Đón mẹ ở sân bay, thằng con trai bất ngờ với mớ hành lý quá cỡ của mẹ, còn cô con dâu cũng tròn mắt ngạc nhiên nhìn bà mẹ chồng đã mang cả Việt Nam sang Paris.

Dù đã chuẩn bị rất nhiều thứ, nhưng khi sang đến nơi, rà soát lại vẫn thấy thiếu nhiều gia vị, rau củ để nấu cho ra món. Vậy là con trai lái xe chở mẹ đi khắp các siêu thị trong vùng để tìm mua cho bằng được. Thấy bà cặm cụi nấu, con dâu cũng ra xem rồi được bà khéo léo chỉ bày những bí quyết nấu ăn. 2 mẹ con nấu được rất nhiều món ngon như: phở gà, phở bò, hủ tíu nam vang, bún riêu, miến xào cua, cơm chiên hải sản, bánh hỏi thịt nướng…

Duy có món bánh canh bột xắt mà con dâu đề nghị thì bà lại không chuẩn bị trước món bột làm bánh canh. Nhìn mấy gói bánh phồng tôm, 2 mẹ con nảy ra sáng kiến nấu bánh canh bằng… bánh phồng tôm. Mở YouTube xem clip hướng dẫn, con dâu ngâm bánh phồng trong nước ấm rồi cắt sợi, cắt cà rốt, hành ngò; mẹ chồng lo phần hải sản, nấu nước lèo.

Không có cua thịt, bà Lài biến tấu bằng cách lấy tôm khô, chả cá thu, cá thác lác… thay thế. Món bánh canh thập cẩm không làm theo công thức nấu ăn chuẩn mực nào, được nấu giữa Paris hoa lệ, thực sự ngon đến khó quên. Con dâu nhìn mẹ chồng cười thật tươi: “Hổm nay con nằm mơ cũng nhớ món bánh canh bột xắt ở quê mình. Sinh xong thèm dữ luôn. Thiệt không ngờ bữa nay được ăn đã thèm. Con cảm ơn mẹ”.

Ngày tiễn mẹ chồng ra sân bay về nước, cô con dâu cứ bịn rịn mãi. Cũng từ lần đó, bà Lài khoe con dâu đã gắn bó với mình hơn. Mỗi lần nấu món gì ngon, con lại chụp hình, quay clip gửi cho mẹ chồng khoe, rồi hỏi mẹ thêm bí quyết nấu nướng. Mỗi khi bối rối trong cách chăm sóc con nhỏ, cô cũng nhắn hỏi mẹ chồng.

Tình cảm mẹ con, dù xa cách địa lý nhưng đã được níu gần. Mùa xuân này có lẽ là mùa xuân ấm áp nhất của bà Lài. Dạo đó, nếu bà cứ mãi “cao cao tại thượng” mà chờ ngày con dâu thân thiết, quấn quýt với mình thì không biết bà phải chờ đến chừng nào. Đã là người một nhà, việc gì cứ phải câu nệ kẻ lớn người nhỏ. Cứ mở lòng bước đến với nhau, sẽ có những bất ngờ.

Mai Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI