Mạng sống mong manh và giao thông nhường nhịn

04/01/2019 - 06:49

PNO - “Phải lì mới chạy được!” - ông thầy dạy lái xe cứ nhắc tới nhắc lui điều đó trong những ngày đầu tôi học lái ô tô.

Đến lúc học xong, thi lấy bằng, mỗi khi chạy qua những đoạn đường hay kẹt xe tôi hay nhớ tới lời nhắc nhở ấy để trấn tĩnh mình.

Có lẽ những ai học lái ô tô ở TP.HCM đều trải qua cảm giác lo sợ khi lần đầu chạy xe qua những đoạn đường tắc nghẽn. Lúc đó, ranh giới giữa làn đường ô tô và xe máy gần như không còn. Một khoảng trống vừa ló ra trước đầu ô tô lập tức bị xe máy tràn vào. Cứ thế, nếu người chạy ô tô không dám nhích ga thì sẽ cứ đứng yên một chỗ. Chỉ cần quan sát một đoạn đường kẹt xe ở TP.HCM, những bất cập về  giao thông sẽ phơi bày hết: xe máy, ô tô cứ chen nhau chạy, bất chấp làn đường, khoảng cách an toàn giữa các xe là điều “xa xỉ”.

Sự “trộn lẫn” làn đường giữa các phương tiện lưu thông trên đường phố Sài Gòn khiến cho tai nạn xảy ra triền miên, dù tốc độ lưu thông của các phương tiện giao thông ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung rất thấp so với các nước. Ngay cả trên những tuyến đường lớn như quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua khu dân cư, ranh giới giữa các làn xe cũng gần như không có. Hiểm nguy cứ thế chực chờ.

Mang song mong manh va giao thong nhuong nhin
Ảnh minh hoạ

Trung bình, mỗi ngày Việt Nam có đến 25 người chết do tai nạn giao thông. Con số khủng khiếp này đã tồn tại nhiều năm và chưa có dấu hiệu giảm. Trong khi đó, số vụ vi phạm giao thông cũng không đếm xuể. Tại TP.HCM, trung bình mỗi năm có hơn nửa triệu người vi phạm luật giao thông. Đây là con số thống kê chỉ dựa trên những đợt kiểm tra của lực lượng chức năng.

Nếu quan sát thực tế sẽ thấy mức độ vi phạm giao thông còn khủng khiếp hơn. Hầu như ở bất cứ đoạn đường nào tôi cũng thấy có người vi phạm. Hầu như ngày nào ra đường tôi cũng thấy tai nạn giao thông. Những hành vi phổ biến như lấn làn đường, chuyển hướng sai quy định, không giữ khoảng cách an toàn… Thậm chí những lỗi nghiêm trọng như vượt đèn đỏ cũng không phải là cá biệt.

Dừng đèn đỏ cũng phải ngó chừng. Đó không phải là câu nói đùa mà là phản ứng thật của những người chạy xe có kinh nghiệm ở TP.HCM trước tình trạng người lưu thông bất chấp luật lệ. Với thực trạng giao thông rối loạn như thế, việc tuyên truyền luật giao thông cũng nghiêng về hướng khuyên nhủ mọi người phải nhường nhịn nhau khi ra đường, như người đi ô tô nên nhường đường cho người đi xe máy, người đi xe đạp nên nhường đường cho khách bộ hành, người đi đúng chiều phải nhường cho người đi ngược hướng…

Ít ai để ý rằng, sự nhường nhịn trong giao thông càng làm cho việc chấp hành luật pháp thêm rối rắm, đúng sai khó định. Bởi vì nếu thực hiện đúng luật giao thông (người tham gia giao thông phải đi đúng làn đường, phần đường quy định, chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ...) thì không cần ai phải nhường ai, cứ theo luật mà chạy. Luật giao thông là những quy tắc bắt buộc mọi người phải tuân thủ nhằm đảm bảo an toàn.

Khi nào còn xảy ra tình trạng nhường nhịn trong giao thông chứng tỏ hệ thống hạ tầng về giao thông chưa hợp lý và tiềm ẩn nguy hiểm chết người. Luật giao thông phải phân định đúng sai rõ ràng, không để xảy ra những tình huống tranh cãi như vụ xe chữa cháy chạy ngược trên đường cao tốc gây tai nạn thảm khốc...

Khi nào người tham gia giao thông dừng đèn đỏ phải ngó chừng, thấy đèn xanh chưa dám chạy thì khi đó tính mạng vẫn còn mong manh.

Trung Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI