Số bệnh nhân (BN) tới khám và cấp cứu vì bệnh lý thanh quản hiện đang chiếm khoảng 50 % tổng số BN của BV Tai Mũi Họng TP.HCM.
U nhú gai thanh quản
BS Thái Hữu Dũng, Phó khoa Nhi - Tổng hợp của BV Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết, ngày 13/9, khoa này cấp cứu, cắt u nhú gai thanh quản cho bé trai T.Q.H. (12 tuổi, ngụ TP.HCM). Điều đặc biệt, đây là lần phẫu thuật thứ 91 của bệnh nhi.
Không riêng bé H., nhiều bệnh nhi khác cũng phải vào BV cắt u nhú gai thanh quản tới 40-50 lần. Theo BS Dũng, nguyên nhân gây u nhú gai thanh quản do virus HPV. Bệnh nhi H. được phát hiện u nhú gai thanh quản từ khi mới sáu-bảy tháng tuổi. Các u nhú gai mọc rải rác, có chỗ thì khu trú như một chùm nho khiến bé khàn tiếng, khó thở.
Cứ hai tuần bệnh nhi phải vào BV một lần để xử lý gai, nếu không, thanh quản sẽ bị u nhú làm hẹp lại, đe dọa tính mạng. Rất may, với trẻ em, u nhú gai thanh quản đa phần lành tính, trẻ càng nhỏ, thời gian tái phát sau phẫu thuật càng gần, nhưng lớn lên tần suất mọc gai sẽ thưa dần và sau 18 tuổi bệnh có khả năng tự biến mất.
|
Bác sĩ đang nội soi thanh quản một bệnh nhân |
Cách đây hai tuần, BV Tai Mũi Họng đã cấp cứu một trường hợp BN tên N.V.T., 35 tuổi, ngụ tại Gò Vấp. Anh T. có u trong thanh quản. Khối u này lớn từ từ khiến BN bị khàn tiếng. Thường ngày BN vẫn thở được nên có phần chủ quan, cho tới hôm bị cảm lạnh thì tình trạng trở nên tồi tệ.
“Đêm đang ngủ, BN ho khiến đàm nghẹt lên. Thanh quản của anh ấy đang bị hẹp do u chèn ép, nay lại thêm đàm đặc lấp đầy nên BN không thở được, phải đưa đi cấp cứu. Ngay khi BN nhập viện, chúng tôi cho hút đàm, phẫu thuật cắt khối u, kịp thời cứu anh ấy. Nếu nhập viện chậm trễ, có khả năng BN không qua khỏi”, BS Dũng nói.
Với trường hợp u nhú gai thanh quản ở người lớn như anh T., thời gian tái phát khoảng hai-ba năm/ lần. Mỗi lần đều phải giải phẫu u nhú, làm sinh thiết tế bào, bởi bệnh có nguy cơ chuyển hóa ác tính. Mỗi năm, BV Tai Mũi Họng gặp chừng vài chục ca u nhú gai thanh quản ở cả người lớn và trẻ em.
Do bẩm sinh và nhiễm trùng
Bên cạnh u nhú gai thanh quản, các bệnh lý thanh quản đe dọa tính mạng khác phải kể đến là nhóm bệnh lý bẩm sinh gồm: mềm sụn thanh quản, thoát vị thanh quản, màng chắn thanh quản, hẹp thanh môn.
Trẻ sơ sinh mắc các bệnh này từ trong bụng mẹ, dễ tử vong khi chào đời. Trường hợp thanh quản bị hẹp ít hơn, trẻ sẽ khò khè, khó thở thì hít vào, khi thở co kéo cơ liên sườn. BS sẽ chẩn đoán bệnh bằng nội soi và chụp CT scan. Tùy từng trường hợp sẽ có phương pháp xử lý thích hợp.
Nhóm bệnh lý thanh quản nguy hiểm kế tiếp là nhiễm trùng, bao gồm: viêm thanh khí phế quản cấp, viêm thanh môn cấp, viêm thanh thiệt cấp (nắp che thanh quản). Người lớn bị các bệnh lý viêm thanh quản tuy khó thở nhưng không nguy hiểm bằng trẻ em.
Từ khi sinh ra cho tới lúc sáu tuổi, cơ thể trẻ phải tiếp xúc, thích ứng với môi trường, vì thế sẽ phản ứng lại bằng cách gây viêm. Thanh quản viêm rất dễ dẫn tới phù nề. Thông thường, bệnh nhi bị viêm thanh quản sau một đợt viêm mũi họng cấp. Nếu phụ huynh thấy con đột ngột khàn tiếng kèm khó thở, khi thở lại hít vào, hãy coi chừng. Bởi chỉ cần hẹp 1mm là đường kính thanh quản của bé đã giảm tới 60%.
Do chấn thương
Liên quan tới bệnh lý thanh quản nguy hiểm tới tính mạng, không thể bỏ qua nguyên nhân chấn thương. Khi thanh quản chấn thương, BN sẽ nuốt đau, nuốt khó, giọng nói thay đổi, khạc ra máu. Trường hợp nặng có thể… tử vong tại chỗ.
Mới đây, BV đã cấp cứu một cô gái 18 tuổi bị tai nạn giao thông. Khi ngã xuống, cô gái đập cằm và cổ vào tay lái xe máy. BN khó thở, nuốt đau nhưng vẫn tự đến BV. “Ngay lập tức chúng tôi nội soi, mở khí quản để cấp cứu. Ê kíp BS trực hôm đó đánh giá BN bị chấn thương sập luôn ống thanh quản. Chúng tôi phải dùng một ngón trên găng tay y tế, đặt gạc vào trong để chế thành dụng cụ nong thanh quản. BN được đặt nong thanh quản như vậy suốt hai tuần, rất may khi rút ống găng tay ra, thanh quản không bị hẹp lại. Cô gái hồi sinh một cách ngoạn mục”, BS Dũng kể.
Dị vật
Dị vật lọt vào thanh quản có thể lấy đi tính mạng của BN trong tích tắc nếu không biết cách sơ cứu. BV Tai Mũi Họng không chỉ cấp cứu dị vật thanh quản ở trẻ em mà cả ở người lớn.
BS Dũng vẫn chưa quên trường hợp dị vật thanh quản hi hữu mới đây. Bệnh nhi là bé trai, khoảng bốn tuổi, cư trú tại TP.HCM. Cháu bé ngậm đồng xu trong miệng, cười giỡn và bị sặc. Đồng xu lọt vào trong, nhưng may sao lại nằm nghiêng nên không bít kín đường thở.
“Vì đồng xu nằm nghiêng nên khi bé khóc to, hít sâu thì đồng xu lật qua lật lại, đóng lấp ống thanh quản. Nhờ thế khi tới BV cháu bé vẫn có cơ hội được cứu sống”, BS Dũng nhớ lại.
Tình huống hóc dị vật ở người lớn khiến thanh quản bị che lấp thường do mắc nghẹn thức ăn. Do thanh quản bị chèn lấp do hóc dị vật nên khâu xử trí sơ cứu tại chỗ quyết định việc cứu sống BN.
Nếu là trẻ nhỏ, người thân hãy đặt trẻ nằm sấp trên tay rồi vỗ lưng. Nạn nhân là người lớn thì người sơ cứu đứng phía sau lưng, choàng hai tay ra phía trước, rồi một tay nắm thành nắm đấm, một tay chồng lên tay còn lại, đặt ngay vào vị trí ở vùng thượng vị, dưới xương ức rồi giật mạnh theo hướng từ dưới lên trên năm cái liên tiếp.
BS Dũng lưu ý, các bệnh lý thanh quản bao giờ cũng tạo triệu chứng khàn tiếng đầu tiên. Sau đó là các biểu hiện đi kèm như khó thở thì hít vào, lúc thở ức lõm, cơ liên sườn và lồng ngực co kéo. Nếu thấy những biểu hiện này, cần đi khám ngay để được chẩn đoán và xử lý kịp thời. Khi mắc các bệnh lý thanh quản, nguy cơ tử vong ở trẻ em cao hơn người lớn.
Thanh Huyền