Mang ơn ngôi chợ online

29/10/2021 - 05:55

PNO - Tôi mang ơn cái chợ quê mình, "vào" chợ mua được đồ ăn đã đành, còn cảm nhận được tình yêu thương, sự chia sẻ.

 

Từ ngày bùng dịch, trên Facebook của tôi xuất hiện chợ online mang tên chính cái chợ huyện nhà: Chợ Ông Bầu. Thôi thì chợ có thượng vàng hạ cám, từ thịt cá rau củ tới yaourt nhà làm, mớ rau muống đồng, đậu bắp mới cắt.

Món ngon gì cũng có
Món ngon gì cũng có

Người bán đa phần là chủ các sạp hàng ở chợ. Mà khổ, các dì không rành công nghệ nên người mua vào đặt hàng, có khi cả ngày không thấy trả lời, tới lúc trả lời thì… nguội ngắt, khách đã đặt chỗ khác.

Có khi một nội dung đưa lên có hai ba câu mà sai chính tả tới mấy chữ, văn phong thô mộc thấy thương. Không sao, khách hàng cười khì rồi cho qua, miễn mình hiểu họ muốn bán gì là được.

Đầu mùa dịch, chưa có chợ online, lối xóm chia sẻ cho nhau số điện thoại của những chủ hàng bán gà vịt, thịt heo, gạo, mắm… Mua số lượng nhiều họ mới giao nên cả xóm mua chung và phập phồng lo đứt hàng. Chợ online lập ra đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cư dân nên chỉ vài ngày đã mấy ngàn người tham gia.

Thường thì thiếu thốn hay sinh thèm ăn, thấy gì cũng thèm. Hai đứa con tôi trước giờ rất kén ăn, giờ biết thèm cả khoai lang, bánh bò, hột vịt lộn… Con lớn tham gia sản xuất ba tại chỗ ở công ty, sau hai tháng về nhà, rên rỉ than đói: “Giờ con có thể ăn được cả thế giới”.

Tình cờ con phát hiện ra nhóm chợ Ông Bầu, thỉnh thoảng con xách điện thoại chạy vào, kêu toáng: "Mẹ ơi người ta quảng cáo heo quay ngon quá trời", "Tôm nhảy loi choi vầy mua về nướng là ngon khỏi chê"... 

Hình ảnh quảng cáo trên chợ online luôn lung linh, nhìn là thèm. Khổ nỗi, hình ảnh mang tính chất minh họa hơn thực tế. Bữa tôi xem quảng cáo gà ủ muối hoa tiêu. Con gà vàng ươm, mỡ màng, kèm chén muối ớt đầy hấp dẫn. Tôi đặt mua. Con gà giao tới, ốm như thể... mới giảm cân. Tôi hấp lên thơm phức, nóng sốt, nhưng… nó dai như lốp xe hơi, nhai muốn xứt hàm răng ra ngoài. Tụi nhỏ cười bò càng, nói: “Gà đi bộ thì ngon, mẹ lại mua nhầm gà tập gym”.

Gà ủ muối nhìn là thèm (Ảnh minh họa)
Gà ủ muối nhìn là thèm (Ảnh minh họa)

Chuyện chốt đơn, giao hàng cũng lắm khi cười ra nước mắt. Chụp hình quảng cáo thứ gì cũng có, nhưng đặt sáu món giao được ba món vì hết hàng. Giờ trưa, vừa chợp mắt thì điện thoại reo inh ỏi, vì “giao hàng giờ này mới né được công an”. Em gái kia còn khổ hơn, than trên nhóm Chợ Ông Bầu: “Chị nọ bán bắp, đè 4 giờ sáng kêu em ra chốt nhận. Ba tưởng em hẹn trai, chửi em quá trời. Ăn mà khổ quá mọi người ơi”.

Bữa có người bốc phốt chị bán cá linh. Khách mua cá về, ông hàng xóm ghé qua nói cá này là cá duồn, không phải cá linh. Chị bán cá thề sống thề chết. Dân mạng chia hai phe, người nói chị bán cá đúng, phe kia nói ông hàng xóm không sai… Chuyện rồi cũng qua, vì dân quê bụng dạ hiền lành, mau quên.

Cô bán thịt kể trên nhóm, hôm cô đi giao hàng cho nhà kia, có bà cụ trong xóm nhà lá hỏi mua 20 ngàn đồng tiền thịt, nhà còn nhiêu tiền thôi, mà cháu nội thèm thịt quá mới đánh bạo hỏi mua. Cô bán thịt động lòng, quay về lấy thêm thịt, tặng mỗi nhà nửa kí. Mấy hôm sau cô ghé gần đó giao thịt, người mang cho nải chuối, người cho bó rau muống đền ơn. 

Giúp nhau trên nhóm Chợ Ông Bầu
Giúp nhau trên nhóm Chợ Ông Bầu

Chợ Ông Bầu không chỉ bán hàng, mà còn là chỗ giải đáp thắc mắc đủ thứ hầm bà lằng. Người cần sửa điện thoại, tủ lạnh… hỏi ai biết chỉ giùm. Người muốn đưa con lên bệnh viện tỉnh khám bệnh, hỏi cách đi đường ra sao. Người muốn nhận gói hỗ trợ an sinh xã hội, hỏi thủ tục nhận thế nào… Câu hỏi đưa lên chừng vài phút, đã có nhiều người nhảy vào tư vấn tận tình.

Các chị bán hàng, quá trưa hay vào nhóm than thở “còn bốn tô hủ tiếu”, “em ế ba ổ bánh bò”, “em còn vài ký thịt”… Nhiều người không cần lắm, nhưng thấy người ta ế nên mua giúp. Lát sau các chị hết hàng, cảm ơn rối rít vì được bà con thương.

Mấy tuần nay, nhiều chợ truyền thống đã mở cửa trở lại. Các quầy hàng ngăn cách người bán với người mua bởi vách ngăn bằng ni lon. Quầy này cách quầy kia 2 mét. Nhưng người bán cũng sợ dịch, người mua cũng sợ dịch nên chợ rất ít người. Chợ online lại được tiếp tục duy trì và ngày càng có nhiều chiêu chiều khách. Làm ăn trong mùa khó cực hơn, các chị phải cố gắng nhiều hơn. Khách hàng cũng phải bao dung hơn để cùng nương nhau vượt qua dịch giã.

Chợ online có mặt trái của nó nhưng nhỏ thôi. Tôi mang ơn cái chợ quê mình, “vào” chợ mua được đồ ăn đã đành, còn cảm nhận được tình thương, chia sẻ cùng nhau trong mùa khó, cảm thấy tình người thật ấm áp giữa mùa dịch bộn bề.

                                                                                                                                                                                                                                          Đức Phương (Đồng Tháp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI