Vào tháng 8/2019, một người phụ nữ đột ngột mở cửa tung khỏi xe hơi trên đường cao tốc ở Trùng Khánh (Trung Quốc). Chị may mắn thoát chết nhưng bị chấn thương chân. Nguyên nhân chị mở cửa, nhảy xuống đường là vì cãi nhau với chồng vấn đề ly hôn.
Hất nhau khỏi từ trường tình yêu
Người phụ nữ đã không bị xe phía sau chạy lên cán phải, là nhờ lúc cuộc tranh cãi lên đến cao trào thì ông chồng đã cho xe giảm tốc độ, bẻ qua làn đường dừng khẩn cấp, và người vợ đã nhào ra làn đường này. Trước cảnh tượng không đạo diễn phim nào nghĩ ra nổi, cảnh sát giao thông đã khuyên hành khách nên kiểm soát cảm xúc khi đang lưu thông trên đường, nhất là đường cao tốc.
Vì sao người vợ không thể đợi đến lúc xe dừng hẳn? Không còn nghi ngờ gì nữa về uy lực của tiếng nói có thể bật văng một người ra khỏi xe.
Mối quan hệ đã xuống màu, khi tương tác vợ chồng đã thành ra hai thái cực: hoặc im lặng, hoặc quát tháo ầm ĩ. Chiều hướng chia tay là không tránh khỏi, cả chia tay trong đời thực và chia tay trong suy nghĩ.
Điều đó xuất phát từ nghịch lý: với người ngoài thì ta ăn nói nhã nhặn, dịu dàng, còn với bạn đời, người thân, thì lại thường xuyên nặng lời, to tiếng, gây tổn thương. Có phải ta thường đánh giá quá cao về sự khoan dung của những người thân, rằng của nhau rồi, dù rát tai một chút cũng sẽ bỏ qua?
Anh Hoàng Thiện (làm trong ngành xuất nhập khẩu ở Q.7, TP.HCM) tiếc nuối cuộc hôn nhân trước đây, và day dứt vì mình đã áp dụng luật chơi tồi nhất với người vợ tốt nhất. Người ngoài nhìn vô tưởng anh là người chồng lý tưởng vì “tứ đổ tường” không dính món nào, nhưng thực ra vợ anh chưa được một ngày vui trọn vẹn bởi tính tình cộc cằn, thô lỗ của anh.
Dưới trướng anh có trăm quân, quen mệnh lệnh, nên anh bê nguyên cái cung cách đó về nhà áp lên vợ. Vợ anh tính hiền lành, nhẫn nhịn nên cuộc hôn nhân cũng kéo dài được sáu năm. Từ khi ly hôn, mối quan hệ của anh chị mới trở về nhịp độ ôn hòa, tôn trọng vốn có của những ngày mới quen. Hai người là bạn của nhau, cùng nuôi nấng giáo dục con chung, cùng góp mặt khi gia đình hai bên hữu sự.
|
Ảnh minh họa |
Đặt vấn đề trở lại thành vợ chồng, chị đã ngán ngẩm với ba máu sáu cơn của anh, với những trận lửa táp cùng bao lời mắng mỏ, sỉ nhục. Một lần vô tình cấn điện thoại, mẹ chị nghe được toàn bộ trận lôi đình của anh chỉ vì chị chuẩn bị hành lý cho anh đi công tác mà bị thiếu cục sạc pin dự phòng.
Nói chuyện với mẹ, bao uất ức trào tuôn, chị kể hết những gì bấy lâu chịu đựng, luôn cả lần anh đến tận chỗ làm của chị mắng xối xả, mày tao mi tớ. Là người văn minh và dám hạnh phúc, mẹ chị mở lối cho chị giải thoát sau những nỗ lực cải sửa con rể không thành.
Chỉ bởi tim xa
Dù mỗi người có khả năng kiểm soát cảm xúc khác nhau, nhưng nếu xây dựng ý thức kiểm soát, thì hôm nay bạn sẽ dễ thương hơn hôm qua, và ai lại chẳng thích gần một người đáng yêu như vậy. Một nhà hiền triết hỏi các học trò vì sao hai người đứng gần nhau thế lại phải quát lớn với nhau? Học trò cho rằng bởi mất bình tĩnh, bởi không kiềm chế được tức giận...
|
Ảnh minh họa |
Nhà hiền triết ôn tồn nêu quan điểm: “Họ to tiếng với nhau vì khi đó hai trái tim đang cách nhau một khoảng rất xa, phải tăng âm thanh để mong ở tận xa kia đối phương nghe thấy. Và với cái đà ngày thêm xa ấy, hai trái tim từng hòa quyện làm một đã mất hút, đến một tọa độ nào đó thì quên hẳn lối về bên nhau”.
Bởi tim xa nên phải nói lớn; hay ngược lại, càng nói lớn thì tim càng lăn về hai hướng ngược chiều nhau. Có vẻ như vế nào cũng đúng, nhất là với những cuộc tình, cuộc hôn nhân kết thúc oan uổng, vì người trong cuộc vặn loa quá trớn. Lạ kỳ, “màng nhĩ” của trái tim ngược với màng nhĩ của tai: nói lớn không nghe được, nói nhỏ thì nghe đến… ghiền!
Trong những cuộc cãi vã vợ chồng, ta quen nghe điệp khúc: “Tôi nói bà có nghe không? Bộ điếc hả?”, “Nãy giờ là tôi nói với anh đấy, chứ không phải nói với cái đầu gối! Sao cứ trơ trơ ra thế?”… Coi chừng do mình nói lớn quá, ngoài tần số tiếp nhận của “màng nhĩ” trái tim bạn đời chăng?
Nguyện vọng biến bạn đời thành kẻ biết vâng lời, thấu hiểu cho mình và cải sửa, nhưng thực tế thì trong nhà xuất hiện một người “lãng tai nhân tạo”. Chữ lắng nghe trong đời sống vợ chồng rất quý. “Lắng” mới “nghe” được và “lắng” mới “nói” được những lời đáng nghe.
Mới đây, bó hồng ngọt ngào đã được ông Bob Harvey, tám mươi tuổi trao cho bà Adkins - mối tình đầu của ông, sau hành trình lái xe hơn 800km từ Virginia đến Ohio (Mỹ). Bó hồng được ủ sáu mươi năm, từ thời trung học. Ông từng yêu bà say đắm, nhưng rồi ngã rẽ cuộc đời đã đưa bà về bến khác, ông rồi cũng có gia đình.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, mối tình năm nào bùng lên như chưa bao giờ tắt, khi cả hai chợt nhớ những kỷ niệm xưa, và biết rằng người phối ngẫu của tình cũ đều đã mất. Hành trình vạn dặm với bó hồng trên tay kẻ tình si tuổi tám mươi, đủ hiểu vị từ lời thầm thì cầu hôn của ông dành cho người trong mộng đậm đà thế nào.
Vậy đó, trái tim nghe thật rõ những lời thầm thì và cả những thinh lặng nơi môi hồng e ấp…
Tô Diệu Hiền