Mang nặng đẻ đau, ai nào muốn kể công

06/06/2018 - 18:00

PNO - Vợ chồng là bạn đời, bạn đồng hành, đồng tác giả của đứa con, bảo sao không tổn thương, ức lòng khi nghe đối phương phán “là do cô tự chọn mà, giờ lại kể công, than cực là sao”...

“Đừng mang cái chửa đẻ, mang đứa con ra làm chỗ để kể lể và uy hiếp người khác (đặc biệt là uy hiếp thằng chồng nữa), nghe chưa! Tại sao anh Ronaldo chọn thuê đẻ chứ không kết hôn…” - câu răn đời với thái độ khá khiêu khích, hách dịch của một người đàn ông vừa tung lên mạng xã hội đã làm khối bà mẹ giận run. Không ít người ném đá, ném cho người phát ngôn câu ấy lẫn người đàn ông trong đời thực của mình.

Mang nang de dau, ai nao muon ke cong
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Quái lạ, chính giới nữ cũng chia phe, có chị không tiếc lời rủa sả rằng, anh ta vô tâm, xúc phạm phụ nữ; có chị trầm ngâm chiêm nghiệm phần đúng trong những ngôn từ “xù lông nhím” đó.  Sự chia phe phản đối hay ủng hộ này, không hẳn tùy vào giới tính mà cơ bản là dựa vào trải nghiệm và xu hướng tiếp cận thông tin thiên về lạc quan, tích cực hay yếm thế, tiêu cực của mỗi người. 

Nếu chỉ đánh giá trên thông điệp cơ bản của anh chàng rằng, “các mẹ hãy thôi kể công mang nặng đẻ đau” thì không thể phủ nhận mặt hữu ích của lời khuyên này. Than thở, nói chung sẽ làm ngột ngạt, làm xấu đi năng lượng của nhà mình. Người chồng tiếp nhận thông tin này miễn cưỡng, đối phó và cảm thấy mình đang bị… “bắt đền”. Sự thực, có bầu, sinh con là thiên chức, chính vợ tự chọn, tự “đưa chân vào tròng” chứ chồng đâu có ép. Tự chọn rồi sau đó lại bắt đền, trách cứ là chơi không đẹp, không sòng phẳng. Nghe vợ kể lể, ít nhiều người chồng cảm thấy vô lý và bực mình. 

Nói đi thì phải nói lại. Bộ phụ nữ thích kể lể à? Sao đàn ông đợi đến vợ mình phải kể lể? Sự hiện diện của những đứa bé đau ốm, biếng ăn, thò lò mũi xanh, đêm ngằn ngặt khóc… đã là một câu chuyện rất dài rồi. Người chồng vô tâm, vô trách nhiệm sẽ thấy mình hoàn toàn vô can trong câu chuyện ấy, vô can trước nỗi nhọc nhằn của vợ. Chữ hy sinh dù có bật ra trên môi hay âm ỉ trong lòng thì cũng xuất hiện trong một thể trạng mệt nhoài và một tinh thần mỏi mòn của người vượt dốc, bình nước đã cạn mà chẳng thấy dòng suối, bóng râm.

Những phụ nữ phản đối, bức xúc với quan điểm trên, tôi đọc ở họ những trải nghiệm ra nước mắt. Vợ chồng là bạn đời, bạn đồng hành, đồng tác giả của đứa con, bảo sao không tổn thương, ức lòng khi nghe đối phương phán “là do cô tự chọn mà, giờ lại kể công, than cực là sao”. 

Mang nang de dau, ai nao muon ke cong
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Với người đàn ông đã nêu quan điểm phụ nữ chấp nhận đẻ thì đừng kể công ấy, mong rằng đó chỉ là lời anh thốt ra để đối phó trong một bối cảnh bị dồn nén. Ai chắc rằng, nhờ người đẻ thuê như siêu sao Ronaldo thì mọi việc sẽ ổn, là triệt tiêu được chứng càm ràm của vợ. Diệt được chứng này chính là ở cách đối xử của chồng chứ không phải nhờ đẻ thuê để vợ “sang nhượng” cơ hội đau đớn. Đàn ông, phụ nữ có cách nghe khác nhau. Họ chỉ hiểu nhau khi đã “lắng”. Khi người vợ kể công, nếu chịu “lắng”, người chồng sẽ hiểu là vợ chỉ mới đưa hơi như một đoạn hò để câu lục bát hàm chứa nội dung sau đó có lối vào tai chồng.

Vợ kể công mang nặng đẻ đau là thực ra vợ chưa nói gì cả, câu nói sẽ liền được tiếp dẫn sau đó, có thể là mong muốn chồng ơi tiết kiệm, chồng ơi cùng làm việc nhà, chồng ơi đừng nhắn tin khuya cho cô gái đó, chồng ơi bớt một độ nhậu để cả nhà mình cùng đi dạo công viên... Chẳng lẽ, phụ nữ không có quyền mong mỏi một điều gì? Nếu thực sự các thành viên trong gia đình đủ yêu thương, đủ thấu cảm thì chưa kịp nói đã hiểu, chưa kịp than đã bù đắp, chưa kịp trách đã vuốt giận nhau…

Vợ chồng luôn nợ nần nhau, vì yêu mà chia việc cho phù hợp và choàng gánh để cùng… nhẹ. Có cô vợ mới cưới cứ đùn việc nhà cho chồng với lý do: “Em phải để dành sức để mai này đẻ, chứ anh đâu có đẻ giùm em được. Còn lại những việc nào anh làm được thì anh phải làm chứ”. Người chồng phải năn nỉ và nhờ “bà dành sức để đẻ” giúp một tay. Không hiểu nhờ cô vợ giỏi nhõng nhẽo hay do hên mà người chồng quán xuyến đến 70% việc nhà, được họ hàng phong là “đệ nhất cưng vợ”. Họ đang có tổ ấm mà họ hằng mong. 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI