Mang luật đến gần hội viên hơn

09/09/2016 - 19:42

PNO - Để đưa pháp luật đi vào cuộc sống, các cấp Hội đã chủ động sáng tạo nhiều mô hình riêng. Cụ thể, Hội LHPN các Q.5, Q.11 bắt tay xây dựng mô hình CLB Nữ hòa giải viên trong đó gồm trí thức nhiều ngành...

Trong 5 năm (2011-2016), những buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật do Hội LHPN các cấp tại TP.HCM tổ chức luôn thu hút đông đảo hội viên (HV), phụ nữ (PN). Hơn 2.000 tổ tư vấn cộng đồng hoạt động đều khắp 322 xã, phường, thị trấn với hơn 6.000 trí thức, luật sư, bác sĩ, nhà giáo thiện nguyện sẵn sàng tư vấn 24/24 giờ/ngày, giúp chị em tháo gỡ các vấn đề pháp lý; can thiệp chính sách, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho HV, PN.

Đòi công lý cho người nghèo

Ngày 9/8/2016, TAND TP.HCM đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án “cố ý gây thương tích” và tuyên án tăng gấp năm lần (từ chín tháng lên bốn năm tù) đối với bị cáo Mai Thị Ngọc Vân, sinh 1980, ngụ P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM, người thuộc diện hộ nghèo, can đảm tố cáo thư ký Tòa án nhân dân TP.HCM vòi tiền chạy án. Theo lập luận của tòa, bị cáo Vân là “người có hành vi côn đồ, đánh người nhiều lần”.

Thực tế, ban đầu, chị Vân chính là nạn nhân của hai cha con “bị hại”. Các chứng cứ, kể cả lời khai nhân chứng, bị hại trước tòa cũng cho thấy không xác định được một tỷ lệ thương tật lớn do ai gây ra, nhưng hội đồng xét xử vẫn quy kết lỗi về chị Vân. Chị Vân không được trưng cầu giám định pháp y; bị gọi sai tội danh.

Mang luat den gan hoi vien hon
Luật sư Dương Thị Tới trong một buổi góp ý xây dựng luật tại Hội LHPN TP.HCM

Rất may, chị Bùi Thị Ngọc Oanh, Phó chủ tịch Hội LHPN P.2, Q.Tân Bình đã cùng chị Vân gõ cửa Chi hội Nữ luật gia của quận, làm báo cáo gửi Hội LHPN cấp trên về gia cảnh của chị Vân, đồng thời vận động HV, PN hỗ trợ vật chất cho chị Vân, giúp hai con chị tiếp tục đến trường. Với tư cách là đại biểu Quốc hội khóa XIV, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM đã tìm hiểu, nhận thấy TAND TP.HCM bỏ qua nhiều chi tiết gây bất lợi cho bị cáo, không cân nhắc tình tiết giảm nhẹ và tuyên phạt mức án quá cao, bà Châu đã gửi kiến nghị đến TAND Cấp cao tại TP.HCM.

Ngày 16/8, Viện KSND TP.HCM đã có báo cáo đề nghị kháng nghị bản án của tòa theo hướng hủy án phúc thẩm và trả hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại. Tương tự là câu chuyện một năm trước. Sáng 21/7/2015, 11 hộ dân ở lô đất 148 Nguyễn Thái Sơn, P.5, Q.Gò Vấp, TP.HCM gõ cửa Văn phòng Đại biểu Quốc hội TP.HCM cầu cứu bà Đinh Thị Bạch Mai, bấy giờ là Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM.

Nguyên nhân, vợ chồng bà Huỳnh Thị Thùy Trang đã mang đất cầm cố cho Ngân hàng TMCP Phương Nam nhưng vẫn tiếp tục rao bán đất bằng giấy tay, với giá từ 80 - 650 triệu đồng/nền. Cùng lúc, vợ chồng bà Trang vay thêm, nâng số nợ và lãi phát sinh lên đến hơn một tỷ đồng. Nợ quá hạn, bà Trang bị ngân hàng kiện ra tòa. Tới lúc nà y, 100 nhân khẩu cư ngụ tại đây mới biết mì nh bị lừa. Họ táo tác khiếu kiện.

Cuối năm 2014, họ gõ cửa Văn phòng Đại biểu Quốc hội TP.HCM. Xem xét kỹ vấn đề, bà Bạch Mai lập tức báo cáo với Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM ra công văn can thiệp, đồng thời hướng dẫn các hộ dân tố cáo đến cơ quan điều tra. Tháng 3/2015, cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp nhận vụ việc thì tháng 7/2015, các hộ dân bị tiến hành cưỡng chế. Ngay sáng hôm ấy, luật sư Dương Thị Tới, Trưởng Văn phòng luật sư Dương Tới Đạt, thành viên CLB Nữ luật sư của Hội LHPN TP.HCM quyết liệt: “Phải làm tới nơi, tới chốn”.

Các chị ở Ban Chính sách luật pháp Hội LHPN TP.HCM tất bật thảo đơn, đánh máy dưới sự “chỉ đạo” của luật sư Tới để trình Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM và gửi đến các cơ quan có thẩm quyền…

Những mô hình" thay lời muốn nói"

Mong muốn chuyển tải thông tin, chính sách pháp luật đến với HV, PN một cách nhẹ nhàng, Hội LHPN các cấp tại TP.HCM đã có nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ qua, các mô hình "Ngày phụ nữ và pháp luật", tổ tư vấn cộng đồng đã mang lại luồng sinh khí mới cho công tác phổ biến pháp luật.

"Ngày PN và pháp luật" do Hội LHPN TP.HCM chỉ đạo Hội LHPN quận huyện tổ chức, phát triển từ mô hình các buổi tư vấn, trợ giúp pháp lý do báo Phụ Nữ TP.HCM phối hợp cùng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp tổ chức từ năm 2007 trong đó vừa tuyên truyền về chính sách pháp luật theo chủ đề, vừa kết hợp giải đáp pháp luật và tư vấn riêng cho người có nhu cầu.

Tính đến nay, Hội LHPN các quận huyện đều tổ chức “Ngày PN và pháp luật” ít nhất mỗi năm hai lần. Nhiều vị luật gia, luật sư đã tham gia thiện nguyện, bằng cả tâm huyết và trí tuệ như các luật sư Trương Thị Hòa, Nguyễn Văn Hậu, Dương Thị Tới, Phạm Lĩnh Sơn, Trần Ngọc Nữ, luật gia Phan Thanh Minh…

Để đưa pháp luật đi vào cuộc sống, các cấp Hội đã chủ động sáng tạo nhiều mô hình riêng, làm phong phú thêm hình thức tuyên truyền pháp luật. Cụ thể, Hội LHPN các Q.5, Q.11 bắt tay xây dựng mô hình CLB Nữ hòa giải viên trong đó gồm trí thức nhiều ngành. Hội LHPN Q.Bình Thạnh, H.Bình Chánh, H.Nhà Bè thì phối hợp phòng tư pháp tổ chức các phiên tòa giả định để tuyên truyền pháp luật một cách trực quan đến HV, PN bằng các tình huống pháp lý cụ thể. Câu chuyện tuyên truyền, phổ biến pháp luật, được các cán bộ, HV, các trí thức chia sẻ với PN như những lời thủ thỉ, tâm tình, là “mưa lâu thấm đất”.

Năm năm qua, có 959 trường hợp bạo lực gia đình được các cấp Hội can thiệp; 4.242 trường hợp bạo lực được Hội tư vấn, hòa giải. “Đường dây khẩn trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình” của báo Phụ Nữ TP.HCM, 739 “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng”, 241 câu lạc bộ, tổ, nhóm, điểm tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình của các cấp Hội… là những chỗ dựa cho chị em lúc “hữu sự”, đồng thời giúp chị em mạnh dạn lên án các hành vi bạo lực gia đình.

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI