|
Bong bóng cùng những món quà xuân ấm chiều biên giới |
Thấy mùa xuân về rồi nghe!
Chiều biên giới Tây Ninh, trời vàng ươm nắng. Biên cương những ngày cuối năm đẹp lạ lùng, càng nhộn nhịp hơn bởi giai điệu nhạc xuân rộn ràng do đoàn công tác của Báo Phụ Nữ TP.HCM, đã vượt một chặng đường xa mang đến.
Trẻ con chạy nhảy trong niềm vui háo hức vì hiếm khi chiều biên giới đầy ắp âm thanh đến vậy. Từ người già đến trẻ con của xã Long Khánh, huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh) đều tề tựu về trạm y tế để tham gia chương trình “Xuân ấm biên cương”.
Có bàn tay nhăn nheo nắm chặt những bàn tay trẻ: “Sống mấy mươi năm, bữa nay mới có gói quà tết, con à, mà từ xa mang tới nữa chớ!”.
Thêm một bàn tay nhăn nheo nữa, ra dấu mãi về phía trẻ. Chúng tôi ngơ ngác, rồi chợt hiểu ra, liền dùng ngôn ngữ ký hiệu. Bác quầy quậy lắc đầu, dường như không hiểu. Có anh thanh niên ghé lại, thì thầm: “Ở đây đâu ai dạy nói chuyện bằng tay, bác ấy tên Nguyễn Văn Lây, ở ấp Long Phú, bị câm, điếc bẩm sinh”. Cuộc chuyện trò thinh lặng giữa chúng tôi và bác ấy diễn ra trong nỗi thương mến lạ lùng, không thể cắt nghĩa.
Trong khi lũ trẻ ríu rít như đàn chim non, thì câu chuyện về cân gạo, chai nước mắm, hộp bánh, tờ lịch Mậu Tuất… của người lớn rôm rả bên những giỏ quà vừa nhận.
Là xã biên giới của huyện Bến Cầu, đa số người dân Long Khánh làm nông hoặc buôn bán nhỏ, đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trong chương trình “Xuân yêu thương - Tết nghĩa tình” với gần 1.300 suất quà, Báo Phụ Nữ đã dành 150 suất, gồm nhu yếu phẩm và phong bao lì xì cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, gia đình chính sách xã Long Khánh.
Ngoài ra, cùng tham gia chuyến xe của báo, NSƯT Trịnh Kim Chi cùng các ca sĩ Long Nhật, Trúc Chi, Thùy Dương, Vương Bảo Tuấn, diễn viên Đào Vân Anh, học viên sân khấu kịch Trịnh Kim Chi... cũng đã biểu diễn nhiều ca khúc rộn ràng thay lời chúc bà con miền biên cương một mùa xuân an vui.
Ngoảnh mặt nhìn đứa cháu ngoại khệ nệ túi gạo, giỏ bánh, ông Võ Văn Niềm (88 tuổi, ngụ ấp Long Thịnh) nói vui: “Thấy mùa xuân về rồi nghe!”. Tham gia kháng chiến năm 1962, đến năm 1968, ông Niềm bị thương, hiện đang được trợ cấp chế độ thương binh 3/4. Có tám người con đều đã lập gia đình, nhưng chẳng dư dả gì.
Ba năm nay, vết thương cũ trên chân phải ông Niềm đau nhức dữ dội hơn, còn bàn tay cụt hết phân nửa thì tê buốt, khiến cây gậy cầm trên tay rớt hồi nào không hay. “Nghe nói bữa nay có ca sĩ Sài Gòn lên phục vụ văn nghệ, ham vui nên tui cố nhịn đau ra đây” - ông Niềm chia sẻ.
Góc khác, bà Nguyễn Thị Tiên (85 tuổi, ngụ ấp Long Châu) móm mém cười khi ca khúc Nối vòng tay lớn và Gần lắm Trường Sa vang lên. Tuổi cao sức yếu, nhưng bà Tiên rất minh mẫn. Vợ chồng con gái đều vô xí nghiệp làm công nhân, ở nhà, bà Tiên dành hết tình yêu thương chăm sóc đứa cháu ngoại bị ảnh hưởng chất độc da cam.
Bà bộc bạch: “Hiếm hoi lắm tui mới được một bữa ra khỏi nhà thưởng thức văn nghệ thế này. Còn giỏ quà thì mừng kể sao cho hết, có cái này đỡ quá chừng, bớt cho vợ chồng con gái tui một gánh lo. Tết đến nơi rồi mà ở nhà đã mua sắm được gì đâu”.
Trà Dơn tết này điện đã về
Rời biên giới Tây Ninh, chuyến xe mang quà xuân của Báo Phụ Nữ với sự đồng hành của đoàn công tác xã hội Công ty Điện lực TP.HCM lại ngược ra miền Trung, nơi bà con xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, đang chuẩn bị đón tết trong cái rét cắt da cắt thịt.
Khởi hành đêm 31/1, phải mất hai ngày vượt qua hơn ngàn cây số, đoàn mới đến được địa điểm trao quà xã Trà Dơn. Tại đây, những con đường thôn trắc trở bởi vực sâu, núi cao lầy lội đất đỏ một mực không cho những chiếc xe chở quà trờ tới. Nhưng cái khắc nghiệt của tự nhiên không ngăn được những bước chân thiện nguyện.
Xuống xe, đoàn người mất gần tám giờ đồng hồ lội bộ hơn 30km đường đèo để đến với thôn làng, nơi bà con dân tộc Ka Dong sinh sống. Mưa dầm liên tục, dốc đá rêu xanh trơn trợt chìm trong sương mù khiến những chiếc giày đứt tả tơi, những đôi chân chưa quen với việc băng ngàn tứa máu.
Hơn sáu tấn hàng hóa gồm quần áo, tập sách, bánh kẹo, đồ chơi trẻ em và pin năng lượng mặt trời phải chuyển sang những chiếc xe thô sơ “dã chiến” để mang quà xuân và ánh sáng đến cho 122 hộ dân Ka Dong hiện vẫn đang sống trong ánh lửa tù mù.
Đoàn chia thành hai tốp: đàn ông lắp điện cho bà con, còn phụ nữ trao quà. Sân khấu dựng trên nền đất mà trước mặt, sau lưng được trang trí bằng lau sậy phủ thêm lớp… sương mù.
Người Trà Dơn từ sáu ngôi làng của thôn 4, thôn 5 cũng chia hai nhóm: đàn ông tò mò nhìn các thành viên trong đoàn dựng cột, đi dây, gắn bình ắc-quy, bảng tích điện, nóng lòng đợi xem “phép mầu” nào sẽ mang ánh sáng về với thôn làng; phụ nữ và trẻ em háo hức tập trung tại lán trại, trên tay ôm những phần quà.
Tay dắt đứa con nhỏ còn đi chập chững, tay kia giữ giỏ đồ nặng trên vai, chị Y Mai cười như được mùa: “Vui lắm! Tết nay làng được ăn nhiều”.
Hơn 4.000 bộ quần áo mới, gần 400 chiếc mền và nhu yếu phẩm được chia đều cho bà con. Dụng cụ học tập các loại cũng được chuyển đến các điểm trường để tạo điều kiện cho trẻ em đến lớp.
Không có thời gian nghỉ trưa, đoàn người chạy đua với mưa dầm và cái lạnh 10 độ C để chiều 4/2, việc lắp điện tại thôn xa nhất được hoàn thành. Băng qua chiếc cầu treo dài 30m nối hai bờ con suối lớn, đoàn tạm biệt làng để trở ra. Những đoạn lên dốc ngày hôm trước mà “đầu gối chạm đến cằm” thì hôm sau trở thành những con dốc xuống, mỗi bước chân thấp thỏm nguy cơ ngã nhào.
Mệt lả trên đường về, nhưng khoảng cách xa xôi của Trà Dơn dường như không còn bởi những cái bắt tay thân thiện, lời chào chân tình của dân làng hai thôn trên đường nhận quà về.
Anh Nguyễn Văn Trung, trưởng đoàn bộc bạch: “Nhìn nụ cười phấn chấn của đồng bào khi cõng trên vai những phần quà nặng trĩu, mọi mệt nhọc của chúng tôi tự dưng tan biến. Ai cũng thấy ấm lòng bởi đã góp phần chia sẻ những khó khăn, mang hương xuân và ánh sáng đến với đồng bào”.
Chuyến xe nhẹ hẫng quay đầu. Các thôn làng Trà Dơn lùi lại phía sau. “Trà Dơn cảm ơn nhiều lắm!” - con đường trở về ấm lên bởi lời cảm ơn cùng những nụ cười Ka Dong thấp thoáng trong giá lạnh mưa mù.
Lời cảm ơn
Chương trình 1.000 phần quà “Xuân yêu thương - Tết nghĩa tình” năm Mậu Tuất 2018 cho phụ nữ và trẻ em nghèo, nữ công nhân - lao động nhập cư và bà con vùng biên giới có hoàn cảnh khó khăn do Báo Phụ Nữ TP.HCM phối hợp tổ chức từ ngày 26/1 đến 7/2 đã thành công tốt đẹp.
Chương trình đã trao gần 1.400 phần quà tết cho những gia đình khó khăn tại TP.HCM và các tỉnh vùng sâu vùng xa, vùng biên giới như: Cần Thơ, Tây Ninh, Quảng Nam… với tổng trị giá toàn bộ chương trình khoảng 1,5 tỷ đồng.
Ban Biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM chân thành cảm ơn các đơn vị đã nhiệt tình phối hợp: Hội LHPN các quận, huyện tại TP.HCM, Hội LHPN TP. Cần Thơ, Hội LHPN tỉnh Tây Ninh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh, Công đoàn Công ty tại các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM…
Báo Phụ Nữ TP.HCM xin tri ân những người bạn đồng hành đã hết lòng đóng góp, ủng hộ tiền và quà tết cho chương trình: Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup, Công ty cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam (sữa Cô gái Hà Lan - Dutch Lady), Công ty Lịch xuân Phương Nam, Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood, Công ty CPHH Vedan Việt Nam, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Hội Từ thiện Thanh Long - quận 11, Công ty TNHH Trà Tâm Lan, Công ty cổ phần Cơ điện lạnh Ree, Công ty TNHH Thời trang và Xe đạp Martin 107, nghệ sĩ Trịnh Kim Chi và các bằng hữu, Nhóm Công tác Xã hội Điện lực TP.HCM, Ngân hàng Agribank - chi nhánh Phan Đình Phùng (Q. Phú Nhuận, TP.HCM), Ngân hàng Agribank - chi nhánh Lý Thường Kiệt (Q.10, TP.HCM), Ngân hàng Vietcombank - chi nhánh Tây Cần Thơ, Công ty TNHH SX-TM Mebipha, Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ - Sài Gòn, Công ty TNHH SX-TM-DV Qui Phúc cùng các nhà hảo tâm, Mạnh Thường Quân và nhiều bạn đọc thân thiết của Báo Phụ Nữ.
Báo Phụ Nữ TP.HCM
|
Thu Lê - Mẫn Nhi