Mang họa vì sử dụng thuốc diệt côn trùng trôi nổi, sai cách

25/11/2023 - 06:08

PNO - Sản phẩm diệt côn trùng là hóa chất độc hại. Nhà sản xuất tính toán liều lượng phù hợp để không ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Nhưng dùng thuốc không rõ nguồn gốc và sai cách có thể gây ra ngộ độc cấp tính hoặc mạn tính nếu sử dụng thường xuyên.

Bác sĩ  Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 - đang theo dõi  một trường hợp  ngộ độc thuốc diệt côn trùng nguy kịch
Bác sĩ Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 - đang theo dõi một trường hợp ngộ độc thuốc diệt côn trùng nguy kịch

Hàng ngoại, đắt tiền là tốt?

Lo lắng dịch sốt xuất huyết vì quanh nhà có nhiều cây cối, kênh rạch, chị N.K.V. - ngụ tại phường Phú Mỹ, quận 7, TPHCM - nghe người quen chỉ dẫn, lên một trang mạng chuyên bán hàng xách tay, đặt mua chai thuốc diệt muỗi dạng xịt. Người bán quảng cáo đây là hàng nội địa Nhật, an toàn cho sức khỏe, được tiếp viên hàng không xách tay về. 

Chai thuốc xịt muỗi chỉ 350ml có giá 350.000 đồng, trong khi đó, sản phẩm diệt muỗi bán ở siêu thị chưa tới 100.000 đồng. Nghĩ rằng giá cao thì hàng tốt nên chị V. yên tâm. Loại thuốc xịt muỗi này còn được giới thiệu không có mùi hôi như các loại phổ biến trên thị trường khiến chị V. rất ưng ý. Chị mua hàng vì tin người bán chứ chữ in trên chai thuốc toàn tiếng nước ngoài. Buổi tối, chị hăm hở đem xịt khắp phòng trong nhà, bếp, gầm cầu thang và sân thượng. 

Ai ngờ, sau khi xịt thuốc khoảng 10 phút, cả nhà chị V. bị nôn nao, chóng mặt. Mọi người vội vàng chạy hết ra đường. Nặng nhất là con trai 3 tuổi của chị bị ói, lừ đừ tới mấy ngày sau mới khỏi. Lúc này, chị mới thấy mình dại vì mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc nên chẳng bắt đền ai được. Có khả năng chai thuốc xịt muỗi là hàng giả hoặc chị dùng sai hướng dẫn vì không hiểu tiếng nước ngoài in trên bao bì.

Ông P.Đ.T. - 78 tuổi, ngụ tại quận Tân Phú - đang cấp cứu tại Bệnh viện (BV) Thống Nhất do bị lên cơn khó thở, thở rít, tím tái sau khi gia đình sử dụng thuốc diệt kiến mua trên mạng. Bác sĩ Nguyễn Lương Nữ Uyên Vy - Khoa Hồi sức tích cực - chống độc BV Thống Nhất - cho biết hiện khoa đang có 2 trường hợp bị lên cơn co thắt phế quản phải nhập viện cấp cứu. Cả 2 bệnh nhân này đều lớn tuổi, có sẵn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Đây không phải lần đầu tiên khoa này ghi nhận các trường hợp bị kích ứng gây co thắt đường thở do hít phải hóa chất độc hại mà trong số đó là thuốc diệt côn trùng, chất tẩy rửa nhà vệ sinh. Việc người dân lạm dụng phun xịt thuốc diệt muỗi, diệt kiến, đặt niềm tin vào các sản phẩm trôi nổi là vô cùng nguy hiểm.

Cần sơ cứu trước khi đi cấp cứu

Bác sĩ Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 1 - cho biết, từ đầu năm tới nay, BV tiếp nhận 5-6 trường hợp trẻ bị ngộ độc thuốc diệt côn trùng. Các tình huống ngộ độc xảy ra chủ yếu do người lớn không tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất, mua phải hàng không nguồn gốc, lưu trữ thuốc bừa bãi nên trẻ uống hoặc ăn nhầm. 

Theo bác sĩ Phương, tất cả sản phẩm diệt côn trùng, diệt chuột đều là hóa chất độc hại. Nhà sản xuất tính được liều lượng thấp để không ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Dùng thuốc không rõ nguồn gốc và sai cách sẽ vô cùng nguy hiểm, có thể gây nguy cơ ngộ độc cấp tính hoặc mạn tính nếu sử dụng thường xuyên. Kể cả với sản phẩm diệt côn trùng chính hãng thì người tiêu dùng cũng cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng. 

Nhiều người xịt thuốc vào buổi tối, khi tất cả thành viên đang ở nhà khiến mọi người hít phải hóa chất độc hại. Khi mua thuốc diệt côn trùng, người dân cần biết cách đọc hiểu màu cảnh báo in trên nhãn sản phẩm. Nếu trên nhãn có hình đầu lâu gạch chéo nghĩa là chứa chất cực độc, nhãn đỏ là độc, xanh là độc trung bình còn vàng là độc ít. Gia đình tự mua về dùng thì chỉ nên lựa sản phẩm diệt côn trùng có nhãn cảnh báo màu vàng hoặc xanh. Những sản phẩm màu đỏ hoặc in hình đầu lâu chỉ dành cho cơ quan chức năng sử dụng để chống dịch. 

Các triệu chứng ngộ độc thuốc diệt côn trùng là nôn ói, nhức đầu, lừ đừ, nặng hơn là co giật. Trước khi đưa nạn nhân tới BV, cần phải sơ cứu ban đầu. Khi hít phải hóa chất, cần đưa nạn nhân ra nơi thoáng khí. Trong trường hợp uống nhầm hóa chất diệt côn trùng thì có thể kích thích gây nôn nhưng không khuyến khích làm cho trẻ em dưới 5 tuổi (nguy cơ hít sặc). Phụ huynh tuyệt đối không cho nạn nhân uống sữa vì sẽ làm độc chất hấp thu vào cơ thể nhanh hơn. Ngộ độc hóa chất diệt côn trùng với liều lượng cao, không kịp thời can thiệp sẽ gây trụy mạch, suy đa tạng và tử vong. 

Bác sĩ Nguyễn Lương Nữ Uyên Vy khuyến cáo, nhà có người già, trẻ em và người có bệnh lý đường hô hấp mạn tính không nên tự ý phun xịt thuốc diệt muỗi. Cần tránh mua hàng không rõ nguồn gốc vì không thể biết các thành phần độc hại trong thuốc là những gì, mức độ ảnh hưởng sức khỏe ra sao. Nếu nơi ở có quá nhiều muỗi hãy liên hệ với y tế địa phương để được hỗ trợ phun xịt thuốc theo đúng quy trình nhằm đảm bảo an toàn.

Thanh Huyền

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI