Bà là Vũ Nguyễn Thị Hòa - sinh năm 1955, Chi hội trưởng Chi hội PN khu phố 1, P.Tam Phú, Q.Thủ Đức, TP.HCM.
Lo cho người nghèo thay vì nghỉ ngơi, du lịch
Trong mảnh vườn con con xanh mướt trên tầng thượng, bà Hòa cầm kéo cắt mấy trái đậu bắp, kêu để chia cho mọi người ăn cùng. Chị Đặng Thị Mai Trang - một người bạn đồng hành với bà trong công tác hội PN - nói như trách: “Tánh kỳ, gì cũng chia”. Bà cười lớn: “Chăm vườn là nguồn vui, tạo mảng xanh trong nhà chứ già rồi, ăn bao nhiêu đâu”.
|
Dù đau khớp đã nhiều năm, bà Hòa (bìa phải) vẫn thường xuyên đến các tỉnh tặng quà cho phụ nữ nghèo, gia đình chính sách |
Năm 2008, bà Hòa về hưu, được công ty giải quyết chế độ trợ cấp một lần. Nhận tiền, bà rủ chị Mai Trang xuống Bến Tre, qua Bình Dương, Đồng Nai tìm hiểu đời sống của chị em.
“Thấy nhiều mái nhà lá xiêu vẹo không biết sập lúc nào, tôi xót quá mà sức thì có hạn, chỉ xây được ba căn tại Bến Tre, Bình Dương và Q.Thủ Đức (TP.HCM). Phần tiền còn lại, tôi rủ Trang mua gạo, mắm muối mang tặng bà con nghèo ở H.Củ Chi (TP.HCM), vùng chiến khu Đ (tỉnh Đồng Nai). Những chuyến đi bắt đầu từ đó, nghe đâu khó thì tới, giúp được cân gạo, hộp sữa thôi cũng thấy vui lòng” - bà Hòa chia sẻ.
Sinh trưởng tại Hà Nội trong thời gian ba má đi tập kết, năm 1974, đang là sinh viên Trường cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội (nay là Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội), bà Hoa xung phong nhập ngũ, làm công tác quân nhu. Sau ngày 30/4/1975, gia đình trở lại Sài Gòn, bà tiếp tục học trung cấp kế toán, sư phạm rồi trở thành giáo viên tiểu học, sau chuyển sang bộ phận hậu cần trong bệnh viện quân y.
Năm 1983, bà nên duyên với người thương binh vừa trở về từ chiến trường Campuchia. Ba đứa con lần lượt chào đời (một con đã mất sớm), nhưng hôn nhân không thể kéo dài.
Từng gắn bó với công tác hội nhiều năm, tôi rất trân trọng những gì cô Hòa đã làm cho chị em, nhất là PN nghèo, PN khuyết tật, người già neo đơn. Nhận trọng trách Chi hội trưởng Chi hội PN khu phố 1 từ năm 2014, cô Hòa đã kéo phong trào hội tại đây tiến về phía trước.
Cô Hòa sống nghĩa tình, nói ít làm nhiều; cô hỗ trợ phương tiện làm ăn, vốn buôn bán, thủ tục khai sinh, nhập học, mua bảo hiểm y tế cho con em, gia đình hội viên một cách bài bản.
Bà Hồ Thị Thanh Dung - Phó chủ tịch UBND P.Tam Phú
|
Bà Hòa nhớ lại: “Đó là những ngày kiệt sức và buồn nhất đời tôi. Gồng gánh nuôi con một mình mà lương giáo viên thấp lắm, không đủ trang trải, tôi đành bỏ lại bảng đen phấn trắng, ra chợ bán cá, đạp xe đi bán cà rem, sữa. Sau này vào làm trong công ty sản xuất thiết bị viễn thông, tôi tranh thủ giờ nghỉ trưa nhặt nhạnh ve chai bán kiếm thêm ít đồng”.
Biết bà bước ra từ khó nghèo như thế, nên đến tuổi hưu, ai cũng xúi “nghỉ ngơi, du lịch đây đó cho thỏa”. Bà xua tay: “Làm riết quen rồi, đâu có chơi được”.
“Đầu tàu” của Hội
Chi hội PN khu phố 1 có gần 700 hội viên, luôn được đánh giá là cơ sở mạnh của P.Tam Phú. Bản thân đau khớp nhiều năm, nhưng lịch làm việc của bà Hòa ngày nào cũng dày đặc. Hơn 4g sáng đã thức dậy tập thể dục, chuẩn bị cơm nước rồi lên vườn tưới rau.
7g, bà đi phụ bán quán thịt bò, phụ con làm áo thun, sau đó ra trụ sở khu phố. Tiền kiếm được từ việc làm thêm, bà đem góp vào quỹ mua 10-15 phần (200.000-300.000 đồng/phần) nhu yếu phẩm hỗ trợ PN nghèo hằng tháng.
Bám cơ sở, bà hiểu rõ hoàn cảnh từng hộ. Vợ chồng chị Trương Thị Cảnh có hai cậu con trai, đứa học lớp 12, đứa là sinh viên. Tai họa bất ngờ ập xuống khi chị Cảnh được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vòm họng, chồng bị tai biến không còn khả năng ra công trường như trước. Bà Hòa liền hướng dẫn thủ tục trình chính quyền địa phương xem xét đưa gia đình chị vào diện hộ nghèo để có những hỗ trợ kịp thời, đồng thời đề xuất Hội LHPN Q.Thủ Đức cho vay vốn nuôi cá.
Để đỡ bớt tiền cám, chị Cảnh đạp xe đi xin thức ăn thừa từ các cửa hàng, quán xá trong phường về cho cá ăn. Bà Hòa vẫn thường ghé nhà chị động viên, kèm theo đó là cân gạo, chai dầu ăn. Các con không phải bỏ học, còn chồng chị Cảnh nay đã có thể tập tễnh chống nạng.
Anh Nguyễn Thanh Phương, ở tổ 7, khu phố 1, theo nghề trồng mai, nuôi cá tai tượng, vợ làm công nhân, hai đứa con đều đang đi học. Ba má anh Phương cao tuổi, bị tai biến, cao huyết áp nằm một chỗ đã nhiều năm.
Thương người con trai hiếu thảo ngày ngày tận tâm chăm sóc ba má, lại chịu khó làm ăn, bà Hòa đề xuất địa phương cho anh vay mấy chục triệu đồng nuôi bò. Từ ba con, lên sáu con, bán rồi lại nuôi tiếp, cứ thế, kinh tế nhà anh Phương bớt chật vật. “Cô Hòa giúp nhiều người lắm, chẳng riêng gì nhà tôi. Thấy đâu khó là có mặt cô” - anh Phương nói.
Một hội viên khác có chồng từ trung tâm cai nghiện về, sợ chòm xóm “lời ra tiếng vào” nên tránh né mọi người. Hai vợ chồng đều không có việc làm ổn định, trong khi đó hai đứa con thì đang tuổi ăn tuổi lớn. Bà Hòa đến nhà thăm hỏi, an ủi, chủ động giới thiệu chị vay vốn của hội PN, đầu tư làm giá đỗ và may gia công. Gia đình chị này ngày càng vững vàng về kinh tế, vợ chồng, con cái hòa thuận.
Mẫn Nhi