Bập bẹ những tiếng phát âm đầu tiên
Tiết học tiếng Anh của lớp 3A, Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tiểu học Tà Ghênh (xã Nậm Có), cô giáo Phan Lệ Hường kết nối máy tính vào màn hình ti vi; những đôi mắt trẻ lấp lánh khi thấy những cuốn sách, cây bút đầy màu sắc qua nét vẽ hoạt hình ngộ nghĩnh. Trên bảng, bài học về sắc màu được cô thể hiện không chỉ qua nét chữ, mà còn qua màu phấn và những hình ảnh mang màu sắc tương đồng. Tiếng phát âm “green” (xanh lá cây), “orange” (màu cam)… còn ngọng nghịu, song em nào cũng cố gắng điều chỉnh khuôn miệng theo hướng dẫn của cô Hường.
|
Giờ lên lớp của cô giáo biệt phái Phan Lệ Hường |
100% học sinh của Tà Ghênh là người Mông, nên nhiều khi lớp học của cô Hường có đến 3 ngôn ngữ: tiếng Mông, tiếng Việt, tiếng Anh. Cô Hường cười: “Không phải lúc nào cũng dạy theo giáo trình, mà tôi phải dựa vào nhu cầu và sở thích của các em. Có những lúc các em còn dạy cô nói tiếng Mông, nên giờ học không chỉ ở trong lớp và bài học không chỉ ở trong sách”.
Cô Hường xung phong chuyển công tác từ TP Yên Bái lên Nậm Có từ đầu năm học 2022-2023. Trường PTDTBT tiểu học Tà Ghênh mới xây dựng được 2 năm, nhìn đâu cũng thấy khó khăn. Hành trang cô mang theo là kiến thức chuyên môn, là nhiệt huyết bù đắp cho học sinh vùng khó, và cả 150 tấm mền ấm dành tặng các em.
Lên Tà Ghênh, toàn trường chỉ có 2 máy chiếu chủ yếu dùng cho hội giảng, cô Hường chuyển hướng xây dựng kho tranh ảnh - từ màu sắc, đồ vật, phong cảnh đến các nhân vật… để làm giáo cụ. Cô kể: “Khi tôi mới lên, các em còn không có đủ sách giáo khoa, trong khi chương trình tiếng Anh ở Mù Cang Chải là Globe - tối thiểu phải có vở bài tập. Rất may, bạn bè tôi đã chung tay ủng hộ các em khối Ba 100 bộ sách”.
Ở Trường PTDTBT tiểu học Lao Chải (xã Lao Chải), cô giáo biệt phái Vũ Hà Phương từ TP Yên Bái lên. Xa nhà, nên cô bán trú cùng học trò; cũng vận động bạn bè tặng trường 1 chiếc máy in, 200 hộp sáp màu, 2 micro không dây… Thương bọn trẻ, cô Phương vẫn thường xuyên tổ chức các hoạt động để toàn bộ học trò bán trú được làm quen với tiếng Anh.
Cô Phương còn nhớ sau tuần đầu tiên của năm học mới, 1 học sinh lớp Bốn về lại bản khoe với cha mẹ “trường có cô giáo mới”. Thế là đầu tuần đưa em xuống trường, mọi chắt chiu cho em ăn học gói gọn trong túi khoai lang đem theo. “Cha mẹ em đã chọn củ to nhất để tặng tôi. Họ bập bõm vài câu tiếng phổ thông, tôi cũng bập bõm vài câu tiếng Mông. Nhưng nhìn nụ cười mộc mạc, ánh mắt chân thành của họ, tôi hiểu, dù không dư dả, họ vẫn trân quý dành tặng củ khoai lang to nhất cho cô giáo mới của con” - cô Phương chia sẻ.
Chung tay gỡ khó
Tiết học tiếng Anh trực tiếp kết hợp trực tuyến của học sinh lớp Một và lớp Ba thuộc 117 lớp học trên toàn huyện. Máy tính của cô giáo Hoàng Thị Mến (Trường PTDTBT tiểu học - THCS Mồ Dề, xã Mồ Dề) đã có sẵn bài giảng số. Cô “bấm nút”, cô giáo An từ đầu cầu Hà Nội đã “hiện lên” cười rạng rỡ chào hơn 3.700 học sinh cùng 234 cô giáo trợ giảng đang trực tiếp đứng lớp.
Cả cô An và các giáo viên trợ giảng cùng chuẩn bị cây có đủ rễ, thân, lá, hoa, quả. Cô An ở đầu cầu Hà Nội nói 100% tiếng Anh, chỉ vào từng bộ phận của cây rồi dạy các em phát âm “root” (rễ), “stem” (thân), “leaf” (lá), “flower” (hoa), “fruit” (quả). Qua phần trực quan từ chính cái cây trên tay giáo viên trợ giảng, những từ mới đó được lặp lại trong các hoạt cảnh, từ phim hoạt hình, phim ngắn đến các trò chơi. Cuối tiết, Sùng A Cường (lớp Ba) đứng trước lớp, cầm cây, chỉ vào từng bộ phận và tự tin nói: “This is root” (đây là gốc), “this is stem” (đây là thân)… Đến bông hoa, Cường lúng túng gãi đầu, các bạn nhao nhao: “This is flower” (đây là hoa)…
|
Học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Lao Chải hào hứng trong tiết học tiếng Anh |
Mù Cang Chải nhiều năm chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh tiểu học. Năm học 2022-2023, UBND tỉnh Yên Bái đã cử 9 giáo viên từ TP Yên Bái và một số huyện vùng thấp lên Mù Cang Chải dạy tiếng Anh cho học sinh lớp Ba. 10 giáo viên, một số phải dạy cả 2 trường; song với địa hình 100% đồi núi như Mù Cang Chải, con số đó chỉ như muối bỏ biển. Vì thế, ngành giáo dục huyện đã “bật” mọi kênh thông tin, “có bất cứ gì hay, ít nhiều gỡ được bài toán “trắng” giáo viên tiếng Anh cho một số trường và bài toán khan giáo viên tiếng Anh của cả huyện là chúng tôi xin ngay” - ông Nguyễn Anh Thủy - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Mù Cang Chải - chia sẻ.
Hè năm 2022, qua người quen, ông Thủy biết người phụ trách của một đơn vị đang từ Hà Nội lên huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) để tìm nơi chia sẻ nguồn học liệu tiếng Anh đã được ứng dụng thực tế và có hiệu quả. Ngay lúc đó, ông Thủy đã chạy xe hơn 100km từ Mù Cang Chải về Văn Chấn để “xin”. Kết quả là toàn bộ giáo viên tiếng Anh các cấp của Mù Cang Chải được tập huấn phương pháp triển khai, tổ chức và quản lý chất lượng học sinh; cách cải thiện phát âm và ứng dụng trí tuệ cảm xúc vào giờ học; tiếp cận giải pháp giáo dục quốc tế để bồi dưỡng kiến thức tiếng Anh… Ông Thủy còn “xin” được 12 tháng truy cập trực tuyến vào nguồn học liệu tiếng Anh, khoa học, công nghệ, kèm theo hệ thống tài khoản dạy và học cho giáo viên, học sinh ở 26 trường trong toàn huyện.
Đặc biệt giữa tháng Một vừa qua, chương trình “Dạy tiếng Anh thông qua toán và khoa học” cho hơn 3.700 học sinh lớp Một và lớp Ba toàn huyện đã chính thức khai giảng. Đây là dự án trách nhiệm xã hội, được Tập đoàn Giáo dục Equest và quỹ Chắp cánh (CC Foundation) tài trợ miễn phí, trong 5 năm (2023-2028).
Giáo viên biệt phái là giải pháp trước mắt cho Mù Cang Chải. 30 tân sinh viên sư phạm tiếng Anh đến từ các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu vừa trúng tuyển vào Trường đại học Ngoại ngữ - Đại học Thái Nguyên; tỉnh hỗ trợ 100% học phí và trợ cấp 3,6 triệu đồng/tháng/người; giải pháp lâu dài cũng đã có tín hiệu vui. Còn hiện tại, nhờ sự chung tay của các doanh nghiệp, giấc mơ học tiếng Anh đã trở thành hiện thực với học sinh khối Một và Ba trên toàn huyện.
Học sinh miền núi sôi nổi… thực hành nói tiếng Anh Sau hơn 1 tháng học sinh được học trực tiếp kết hợp trực tuyến, ông Nguyễn Anh Thủy cho biết: “Giáo viên cũng có những thay đổi, tiến bộ khi được tiếp cận với phương pháp dạy mới, học liệu mới. Học trò miền núi vốn nhút nhát, rụt rè; nhưng nay các em đã hào hứng nhảy, hát theo điệu nhạc; đặc biệt là rất sôi nổi trong các giờ thực hành nói tiếng Anh”. Cô giáo Hoàng Thị Mến khoe: “Tham gia trợ giảng giúp tôi học được kinh nghiệm sử dụng bài giảng số, sử dụng các tài khoản ITO tự học nâng cao. “Dạy tiếng Anh thông qua toán và khoa học” giúp tôi thay đổi phương pháp giảng dạy, các em thì hào hứng khi được tiếp cận với sự phong phú của kênh hình, kênh chữ trong các bài giảng số”. |
“Huyện có chiến lược phát triển du lịch, tiếng Anh cũng đang được dạy cho cả những người làm dịch vụ lưu trú, người bán hàng, xe ôm. Nên tín hiệu vui ban đầu từ việc hiện thực giấc mơ tiếng Anh cho đại đa số là học trò người Mông - cũng là đã đặt được những viên gạch đầu tiên trong thay đổi cơ bản về nguồn nhân lực tương lai” - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Mù Cang Chải - nói. |
Ngọc Minh Tâm