Mắng con không cần phải nói to

19/07/2023 - 13:30

PNO - Chúng ta thường nghĩ và biện minh rằng “tôi làm thế là vì con” mà quên mất con sẽ không thể thấy được tình thương ẩn sau câu mắng đó.

“Choangggg”. Tiếng thủy tinh vỡ khiến tôi giật mình. Hũ yến tôi mới làm cho con, lấy từ tủ lạnh ra, con đã làm rơi. Trong thoáng chốc, tôi đứng đó, nhìn chỗ yến óng ánh trên sàn nhà lẫn với mảnh vụn thủy tinh, cảm nhận cơn giận đang dâng lên trong lồng ngực, mặt tôi nóng lên.

Có lẽ vì tiếc của, vì giận con tự ý lấy đồ mà không cẩn thận, “sao lại bất cẩn thế hả?”, câu mắng chỉ chực tuôn ra. 

Tác giả luôn tận dụng cơ hội dạy con trai những gì nguy hiểm để bé tránh làm mình bị thương
Tác giả luôn tận dụng cơ hội dạy con trai những gì nguy hiểm để bé tránh làm mình bị thương

Nếu là tôi trước đây, chắc hẳn những từ đó đã bật ra khỏi miệng tôi rồi. Nhớ lại lúc Bơ - con trai tôi - tầm 1 tuổi, trong lúc chơi, con có khi làm rơi, vỡ đồ, con cũng có khi bị đau, con mếu máo.

Rất nhiều lần, tôi cũng đã không kìm được mà quát mắng, kiểu “Con không thế nhé”, “Đấy con thấy chưa, mẹ đã nói rồi mà không nghe”, “Tại sao con làm thế hả?”. Và tôi thấy con khóc thật to, dù có khi chỉ đau tí xíu thôi.

Tôi chợt nghĩ “Tại sao con lại khóc to thế nhỉ, đâu có đau gì nhiều”. Tôi cảm nhận được sự tủi thân, sợ hãi trong con. Có khi nào con khóc không phải vì đau mà vì bị mắng, vì cách tôi phản ứng? 

Nếu là vậy, phải chăng con đã cảm nhận được sự tức giận, bực bội trong tôi, nên mới tủi thân, lo sợ đến thế? Tôi nhớ lại những gì mình đã làm, tự hỏi lý do tại sao tôi lại có phản ứng đó, rõ ràng, tận sâu trong lòng tôi là vì lo lắng quá cho con, lo con bị đau, lo có chuyện không hay xảy ra hoặc cũng có khi là vì tiếc của.

Nhưng nếu là tiếc của, tiếc công thì những “tổn thất” vật chất đó có đáng gì so với bài học con có được từ trải nghiệm. Còn nữa, sự lo lắng của tôi đã thể hiện chưa được rõ ràng vì bị cơn giận lấn át, nên khi cha mẹ càng nói to, con càng sợ, càng khóc to hơn và vì thế, con không thể nghe hay hiểu lý do thực sự đằng sau sự tức giận đó của ba mẹ, con cũng không học được gì từ những lần sai đó.

Sau dần, tôi nhận thấy mỗi khi con bị đau hay con có hành vi nguy hiểm, nếu được nhắc nhở nghiêm khắc, rõ ràng nhưng với giọng điệu vừa phải, bình thường, sẽ giúp con bình tĩnh để lắng nghe và hiểu, ghi nhớ tình huống vừa xảy ra thay vì khóc lóc khi thấy ba mẹ hét lên. 

Tôi cũng quan sát được điều này ở xung quanh, khi trẻ có những hành động, làm những điều nguy hiểm, ba mẹ thường to tiếng, la mắng vì muốn con mau chóng dừng hành vi đó lại, nhưng không biết rằng việc nói to như vậy vô tình khiến con không hiểu được câu mắng và có phần lo sợ vì bị mắng, ấm ức vì không được thỏa mãn tính hiếu kỳ.

Trẻ lớn lên mang theo sự tò mò với thế giới, để hạn chế những tai nạn đáng tiếc, để con hiểu cái nào được, cái nào không, và để… không phải “mắng nhiều lần”, tôi đã: 

- Giới thiệu: Cho con biết về những mối nguy hiểm xung quanh - ổ điện, bếp nấu, khi đi ngoài đường… Những năm đầu đời, trẻ học qua sờ, nếm, ngửi, nhìn, nghe… nên con mới muốn sờ ổ điện, muốn cắn cục pin, muốn chạm vào bếp nấu, muốn leo cầu thang…

Tất cả những thứ trong mắt ba mẹ là “nghịch ngợm”, nhưng nếu được ba mẹ chú ý và giới thiệu, con sẽ ghi nhớ rất lâu. Từ khi con được vài tháng, con tò mò ổ điện, tôi đã nói với con “Đây là ổ điện. Bơ không sờ nhé, rất nguy hiểm”, “Đây là bếp nấu, nóng lắm, sờ vào là phỏng nhé”. Đến giờ, gần như rất ít khi tôi phải “mắng” con vì chạm vào ổ điện hay lại gần bếp nóng.

- Trải nghiệm: Với những thứ có thể thử sức, những thứ mà dù sớm hay muộn, khi lớn lên, con cũng sẽ phải tự làm, phải trải qua, hãy hỗ trợ con. Ví dụ khi con muốn leo cầu thang, muốn tự đi ngoài đường, tôi nhắc “cầu thang này cao, Bơ còn nhỏ, nếu leo lên bị té sẽ rất đau và nguy hiểm. Nếu muốn lên, con gọi mẹ nhé, mẹ sẽ đỡ ở dưới”.

Từ đó, mỗi lần muốn bò lên cầu thang con đều gọi “mẹ, mẹ, đỡ Bơ”. Như vậy, con vừa được thỏa mãn, ba mẹ vừa đỡ lo lắng việc con tự ý bò lên cầu thang.

- Phản hồi: Khi con phạm lỗi, đừng to tiếng mà hãy giữ thái độ bình thường, bởi lúc đó con đang rất sợ. Tôi biết, ba mẹ chỉ muốn con dừng lại, nhưng việc mắng vô tình lại không giúp con hiểu được điều đó. Có lần con bị phỏng, dù rất lo lắng, tôi đã bình tĩnh lấy nha đam đắp cho con và nhắc con về việc tại sao con bị phỏng, rằng con cần chú ý hơn trong những lần sau.

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

Nhờ thế, dù bị đau, con không khóc mà ngồi yên để mẹ xoa nha đam vào vết phỏng; về sau, con cũng rất ít khi lại gần bếp. Tôi tin con đã ghi nhớ trải nghiệm đó. Đến giờ, khi con lớn hơn, tôi để con tham gia cùng khi ba mẹ nấu cơm, để con vừa được thỏa mãn lòng hiếu kỳ vừa được học hỏi kỹ năng trong bếp. Tôi cũng mong khi vào tiểu học, con sẽ có thể tự chuẩn bị bữa ăn đơn giản khi cần.

Chúng ta thường nghĩ và biện minh rằng “tôi làm thế là vì con” mà quên mất con sẽ không thể thấy được tình thương ẩn sau câu mắng đó. Con chỉ thấy sự tức giận của ba mẹ, sự khó hiểu, bất công vì không được làm điều con muốn, sự lo sợ vì bị mắng. Cũng “vì quan tâm và yêu con”, hãy học cách phản hồi con, làm sao để con cảm nhận được điều đó. 

Nguyễn Huyền

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI