Vừa đi học vừa chữa bệnh ung thư
Hết hè này, Nguyễn Ngọc Anh sẽ lên lớp Chín, Trường THCS Hoàng Văn Thụ, quận 10. Năm vào lớp Một, cha mẹ ly hôn, Ngọc Anh sống cùng mẹ. Chị Kim Tuyết Thu - 41 tuổi, mẹ của Ngọc Anh, làm công nhân trong một xưởng cơ khí tư nhân chuyên dập long đền với thù lao khoảng 200.000-250.000 đồng/ngày.
Sau khi ly hôn, chị thuê nhà trọ để ở với hy vọng con gái được thoải mái, nhưng chỉ một thời gian thì không kham nổi chi phí nên phải xin về nhà ngoại tá túc. Căn nhà nhỏ ông bà ngoại Ngọc Anh để lại có tới 13 thành viên cùng sinh sống.
Không gian của mẹ con em là chiếc giường sắt rộng 8 tấc, vừa làm chỗ ngủ, vừa là nơi Ngọc Anh học bài. Nấu ăn thì phải mang bếp gas mini ra ngoài cửa. Dù thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần nhưng Ngọc Anh vẫn nỗ lực vươn lên, duy trì thành tích học sinh giỏi suốt 8 năm và ấp ủ ước mơ trở thành bác sĩ.
Thế nhưng, tai ương cứ liên tiếp ập tới, để rồi mỗi khi nhìn Ngọc Anh hoang mang nói chuyện với chính mình về tương lai, chị Thu lại nức nở.
Vào năm học lớp Sáu, Ngọc Anh thường sốt cao, đau bụng, chảy máu cam và có nhiều vết bầm tím trên cơ thể không rõ nguyên nhân. Đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM khám, chị Thu chết lặng khi bác sĩ nghi ngờ cháu bị ung thư và đề nghị chuyển qua Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM kiểm tra kỹ hơn.
“Tôi cố bấu víu vào hy vọng mong manh rằng chưa có gì chắc chắn. Ngọc Anh sụt cân nhanh. Thấy cháu hốc hác quá, thầy cô giáo ở trường cũng xót, thường xuyên hỏi thăm. Rồi thầy cô và các bạn học sinh đã góp tiền giúp tôi đưa cháu vào Bệnh viện Truyền máu - Huyết học. Khi bác sĩ kết luận cháu bị ung thư máu, đất trời như sụp đổ, tôi loạng choạng đứng không vững. Sợ con suy sụp, tôi đã giấu, chỉ nói là bệnh con điều trị hơi lâu. Nhưng rồi con cũng biết và khóc rất nhiều” - chị Thu chia sẻ.
Ngọc Anh hiện là thành viên nhỏ tuổi nhất của Câu lạc bộ Nhịp đập xanh, trực thuộc Hội LHPN phường 4, quận 10. Câu lạc bộ ra đời vào đầu năm 2020, thành viên hầu hết là bệnh nhân ung thư, còn lại là người thân của họ, cán bộ hội, cán bộ y tế…
|
Lâu lắm rồi Ngọc Anh và mẹ mới có dịp thảnh thơi trong tiệm cà phê |
Hơn 1 năm nay, em vừa đi học vừa chữa bệnh bằng xạ trị và uống thuốc. Những lần từ bệnh viện về, em không ăn uống được, hay ói và hầu như chỉ nằm im trên giường.
Khớp gối của Ngọc Anh cũng đau khiến em dễ bị té. Hôm liên hệ để thông báo Ngọc Anh được xét trao học bổng, nghe nói lâu rồi mẹ con em chưa được ngồi quán xá thảnh thơi, chúng tôi rủ ra tiệm cà phê yên tĩnh trên đường Nguyễn Tri Phương.
Ngồi một lúc lâu Ngọc Anh vẫn không nói gì. Thì ra em đang dần mất đi thính lực. Hơn cả nỗi sợ bệnh tật cùng những cơn đau triền miên hành hạ, Ngọc Anh lo chuyện phải dang dở học hành và quá trình điều trị vô cùng tốn kém. Em bộc bạch: “Lúc nào trong người cũng mệt mỏi, chân tay nhiều vết xuất huyết rất khó chịu, nhưng em vẫn thích đi học, hễ được đi học là mừng. Không biết em còn sống bao lâu nữa. Em rất muốn học lên đại học, ra trường có công việc ổn định để chăm sóc mẹ khi mẹ về già”.
Buổi vào bệnh viện, buổi đến trường
Năm nay, lần đầu Lê Thùy Ngân, học sinh Trường THCS Bình Chiểu (TP Thủ Đức) được xét trao học bổng Nữ sinh hiếu học vượt khó. Chúng tôi gặp em vào buổi trưa trong căn nhà trọ cuối hẻm trên đường TL43, khu phố 1, phường Bình Chiểu. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, chị Lê Thị Thu Hà - 39 tuổi, mẹ Thùy Ngân - chạy từ nơi làm việc về hâm lại nồi cơm và nhắc Thùy Ngân uống thuốc.
Bị suy thận mãn giai đoạn cuối, mỗi ngày Thùy Ngân phải uống 4 cữ thuốc và chạy thận nhân tạo mỗi tuần 3 lần. Dẫu thời gian đến trường luôn bị gián đoạn, nhưng suốt 7 năm qua Thùy Ngân vẫn đạt học sinh giỏi, xuất sắc. Em thích ngoại ngữ, chơi đàn piano và vẽ tranh.
Chị Hà cho biết: “Mấy năm trước, tôi chở Ngân đến nhà thờ để được thầy dạy chơi đàn piano. Từ giữa tháng 6/2022, sau phẫu thuật FAV là chạy thận liên tục, sức khỏe Ngân rất yếu, trong khi vợ chồng tôi quần quật làm việc thành ra không đưa con đến nhà thờ học đàn được nữa. Cháu cũng tự học vẽ, tự rèn chữ đẹp”.
Từ lúc 1 tháng tuổi đến trước thời điểm buộc phải chạy thận, Thùy Ngân đã trải qua 11 ca phẫu thuật vì những bệnh liên quan đến đường tiểu, bàng quang và thận. Trước khi chạy thận, Thùy Ngân đeo ống thông tiểu cả ngày. Em kể, lúc nhỏ em không hiểu tại sao mẹ lại bắt mình đeo mớ bùng nhùng.
Trong lúc các bạn được ăn gà rán, xúc xích chiên, uống trà sữa, mùa hè được về quê, còn em thì không. Lên mạng, thấy thế giới ngoài kia rộng lớn quá, em cũng muốn đi chơi Đầm Sen, Suối Tiên, muốn ra thăm lăng Bác Hồ, vậy mà thế giới của mình cứ mãi quẩn quanh nơi bệnh viện.
Bởi vậy, em đã từng giận mẹ, từng đổ quạu với mẹ, nhưng mẹ chưa lần nào la rầy. Lên cấp II, bắt đầu hiểu rồi chấp nhận bệnh tật, em thương mẹ và thấy có lỗi với mẹ nhiều.
Mới đây, Thùy Ngân tham gia và đoạt giải nhất cuộc thi Văn hay chữ đẹp dành cho bệnh nhi được các bác sĩ tổ chức ngay trong bệnh viện. Với đề tài cảm nghĩ về người mình yêu thương nhất, Thùy Ngân viết: “Lúc nhỏ tôi bị bệnh phải phẫu thuật nhiều lần, mẹ là người túc trực bên giường bệnh. Nhiều lúc thấy mẹ khóc thầm, tôi thương mẹ lắm nhưng không biết nói gì, cũng không biết làm gì cho mẹ, chỉ biết cố gắng học thật giỏi thôi”.
|
Dù phải chống chọi với bệnh hiểm nghèo từ khi còn rất nhỏ nhưng Thùy Ngân vẫn luôn cố gắng học, phụ giúp mẹ |
Vợ chồng chị Hà cùng quê Thanh Hóa. Vào TPHCM, họ làm công nhân và lần lượt sinh 3 cô con gái, Thùy Ngân là con thứ hai. Do cứ phải đưa con vào ra bệnh viện nên mấy năm trước chị Hà nghỉ việc, nhận quần áo về cắt chỉ những khi rảnh với thù lao 50.000-70.000 đồng/ngày.
Thùy Ngân cũng cặm cụi phụ mẹ. Hễ nhắc đến con gái, chị Hà lại rưng rưng: “Giá như tôi có thể cho con 1 quả thận. Chi phí ghép thận cao quá, gia đình không cách nào xoay xở được. Tôi vốn học sư phạm mầm non. Theo nghề lương thấp, đành xin vào xưởng may. Hiện tại, tôi đã trở lại làm nghề đã học. Trừ đi những ngày nghỉ, thu nhập của tôi bằng phân nửa đồng nghiệp. Vậy là mừng lắm rồi. May mắn là nhà trường và đồng nghiệp cảm thông nên tôi mới trụ được với nghề. Gần đây, Ngân hay hỏi tôi tìm chỗ nào có nhu cầu giao cắt chỉ quần áo thì nhận về cho cháu làm, được đồng nào hay đồng đó. Con gái mới 13 tuổi đã nặng nỗi niềm khiến người làm mẹ như tôi càng thêm xót xa”.
“Mẹ ơi, không biết đến cuối đời con có được ăn món mình thích? Con cũng chẳng có tương lai, phải không mẹ?” - Thùy Ngân ngước mắt nhìn mẹ khi đang lần giở từng trang của cuốn sách Tiếng Anh 8. Câu nói của cháu đã khiến tất cả người lớn lặng người.
Nhưng không chờ lời động viên nào, cháu đã trấn an mình: “Mà không sao hết, miễn là con được đi học. Hồi trước, con ước trở thành bác sĩ, còn bây giờ mục tiêu là khỏe mạnh. Ở trường các bạn không ghẹo con, ngược lại còn cho con mượn vở chép bài”.
Mẫn Nhi