Vượt 1600km về bên vợ
Chị Nông Thị Hảo là người dân tộc Tày, quê gốc ở Lạng Sơn, còn anh Đinh Ngọc Tùng quê ở Lý Nhân, Hà Nam. Bố mất sớm, lại là chị cả trong gia đình nên chị Hảo phải cùng mẹ gánh vác phần việc của bố. Còn hoàn cảnh anh Tùng cũng chẳng khá hơn, mẹ mất sớm, bố có vợ mới trong Bình Phước.
Gia cảnh khó khăn, nên cả anh Tùng và chị Hảo sớm phải bươn chải, kiếm sống. Họ vào Đồng Nai làm công nhân sau đó quen nhau, yêu thương, rồi lấy nhau. Hai vợ chồng kết hôn giờ cũng được sáu, bảy năm, đã có hai mặt con. Nhưng thời gian gia đình phải sống xa cách còn nhiều hơn khoảnh khắc họ được gần gũi, đoàn tụ. Tiếc rằng "cái cớ" để họ được ở bên nhau lại éo le và bi cực quá.
|
Hàng ngày, anh Đinh Ngọc Tùng chăm sóc chị Nông Thị Hảo ở viện Huyết học và Truyền máu TƯ. Dẫu, với họ mỗi bữa cơm dù đạm bạc nhưng nó đong đầy tình nghĩa vợ chồng. |
Hai vợ chồng làm ăn sinh sống trong Đồng Nai đến khi con gái đầu lòng được hơn 1 tuổi thì ra Bắc. Vì miếng cơm manh áo, anh chị chấp nhận gửi con cho ông bà ngoại trên Lạng Sơn khi bé mới 18 tháng để sang Đài Loan lao động xuất khẩu. Đi chưa được bao lâu, số tiền vay nợ vẫn còn đó thì chị Hảo có bầu đứa thứ 2, anh Tùng khuyên vợ về nước dưỡng thai và sinh nở, để anh một mình mưu sinh nơi đất khách quê người kiếm tiền trả nợ và lo cho tương lai.
Những tưởng cả gia đình sẽ được đón thành viên mới trong niềm vui, niềm hạnh phúc. Nhưng trớ trêu thay, tai họa ập đến gia đình nhỏ - chị Hảo bị ung thư máu khi đang mang thai tháng thứ 6.
Anh Tùng đang làm việc ở Đài Loan, nhận được tin vợ mắc bạo bệnh, vội vã xin về nước. Anh không thể ngờ căn bệnh quái ác chỉ trong một thời gian ngắn lại khiến người vợ mình tiều tụy đến vậy.
“Mình bệnh nặng quá, chồng xin về phép 3 tháng để chăm sóc. Nhưng giờ tình hình bệnh tật của mình không ổn định nên chắc không đi được nữa. Nhớ hôm anh về còn không nhận ra vợ” chị Hảo chia sẻ.
|
Anh cẩn thận chuẩn bị cho chị từ viên thuốc, miếng ăn. Những ngày cả hai mẹ con chị Hảo cùng nằm viện, dù phải chạy ngược chạy xuôi, nhưng anh vẫn chu đáo gửi gắm những người cùng phòng bệnh thay mình chăm lo cho vợ. |
Chị Hảo nhập viện trong tình trạng chảy máu liên tục, không ăn uống được, cơ thể tím tái lại, những cơn sốt hành hạ người mẹ trẻ, khiến sức khỏe chị yếu dần. Ai cũng nghĩ chị khó có thể qua khỏi.
Tuy thế chị quyết định không muốn điều trị hóa chất để đảm bảo tính mạng cho đứa con. Cũng vì thế mà bệnh tình chị Hảo trở nên nghiêm trọng hơn. Mang thai đến tuần thứ 30, sức khỏe chị không cho phép nên các bác sĩ buộc phải mổ lấy con ra. Cháu bé sinh non chỉ được 1,8 cân, bị suy hô hấp nặng, phải truyền máu và dùng thuốc kháng sinh nên rất yếu.
Nghĩa nặng tình dày
Sau khi sinh con, chị Hảo được chuyển qua bệnh viện Huyết học và Truyền máu TƯ để điều trị, còn đứa con phải nằm lồng kính 10 ngày ở bệnh viện Bạch Mai để các bác sỹ truyền dinh dưỡng, truyền đường, đạm, và các yếu tố vi lượng.
Người thân ruột thịt chả có ai, bà con họ hàng cũng chỉ đến thăm hỏi được ít nhiều nên khi vợ ốm, con đau anh Dương Ngọc Tùng, chồng chị Hảo cũng phải nỗ lực gấp đôi những người đàn ông khác.
|
Có chồng ở bên lúc bạo bệnh, chị Hảo cũng được an ủi, động viên phần nào. |
Thời gian đầu, mỗi mẹ con mỗi viện nên anh Tùng phải chạy đi chạy lại giữa hai viện. Vẫn biết là vất vả nhưng với anh nó chẳng thấm tháp gì so với sự cố gắng của chị Hảo.
“Sáng tôi bắt 2 chuyến xe từ viện Huyết học đến viện Bạch Mai thăm con, tối lại bắt 2 tuyến ngược từ viện Bạch Mai về viện chăm vợ, buổi trưa thì đành nhờ mọi người cùng phòng mua cơm cho vợ ăn”, anh Tùng tâm sự.
Môt mình anh Tùng phải chăm hai mẹ con chị Hảo bệnh tật ở viện vất vả là vậy nhưng thi thoảng đứa con gái 5 tuổi của anh chị ở quê bị viêm phổi phải đi viện, anh lại phải chạy về lo liệu. Ở quê chỉ có bà ngoại đã lớn tuổi, sức khỏe cũng không tốt, những lúc cháu bệnh quá bà cũng không thể kham hết.
“Đôi khi mình cũng phải nằm viện một mình, gửi các bác cùng phòng cơm nước giúp để chồng về chăm con. Nhà neo người nên chồng vất vả hơn rất nhiều. Nghĩ cũng thương người chăm bệnh nhân còn mệt hơn cả người ốm”, chị Hảo nói mà mắt ngân ngấn nước.
|
Cuộc sống gia đình còn đầy những khó khăn trước mắt, sự sống của chị Hảo không biết kéo dài được bao lâu, các con thì còn quá nhỏ dại. Là người chồng, người cha trụ cột của cả nhà, anh Tùng không khỏi lo lắng, suy nghĩ. |
Chị kể có những hôm, chị phải truyền máu đến 1 – 2 giờ sáng, mệt quá ngủ thiếp đi, lúc tỉnh giấc thấy anh vẫn ngồi canh bên giường mà chị thắt lòng. Chưa kể những ngày chị bệnh nặng ngoài cơm nước, anh còn giặt giũ, lo cho từ cái sinh hoạt cá nhân hàng ngày của chị.
“Mình bệnh tật nên chồng phải chịu khó, chịu khổ nhiều lắm. Nhìn chị phòng bên mà thấy mình may mắn hơn rất nhiều. Chị đó bệnh nặng khó qua khỏi, chồng biết vậy nhưng cũng chẳng quan tâm, thỉnh thoảng anh chồng cũng chỉ đến một chốc, một lát rồi đi ngay để chị ấy nằm đó mà tội” Chị Hảo tâm sự.
Sự quan tâm, săn sóc của anh Tùng dành cho chị Hảo chân thành, mộc mạc và lặng lẽ. Tuy anh không nói ra nhưng nó thể hiện ở những hành động anh làm cho vợ con, thể hiện ở những thấu cảm của chị Hảo khi chị bệnh trọng có anh ở bên an ủi, động viên.
Như Quỳnh (thực hiện)