Màn trời chiếu đất vì đứa con hư hỏng

19/06/2018 - 10:39

PNO - Hết vay ngân hàng đến vay nóng ở tiệm cầm đồ, đứa con hư hỏng đã tìm cách lừa mẹ sang tên sổ đỏ nhà cho mình rồi bán trả nợ. Mẹ già gần đất, xa trời phải ra đường dựng lán làm chỗ ở tạm qua ngày.

Cuộc đời bất hạnh

Tôi gặp bà Hoàng Thị Dung (sinh năm 1957, trú P.Bến Gót, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) trong căn nhà tan hoang, sau khi bị lực lượng thi hành án của TP.Việt Trì đến cưỡng chế vào ngày 8/6 vừa qua.

Nằm trên chiếc giường, món đồ duy nhất còn lại trong căn nhà lụp xụp, bà Dung thều thào kể lại quá khứ, về nỗi đau khổ của cuộc đời mình khi chính đứa con trai duy nhất đã đẩy bà rơi vào cảnh cùng cực.

Man troi chieu dat vi dua con hu hong
Ngôi nhà lụp xụp của bà Dung sau khi bị cưỡng chế

Ngày còn trẻ, bà Dung làm nghề gánh gạch, xúc than. Ở nơi làm việc, bà quen biết một người đàn ông. Họ yêu và đến sống với nhau, không đăng ký kết hôn cũng không tổ chức đám cưới. Tưởng rằng chỉ cần đơn giản như vậy là đủ, nhưng chưa được bao lâu, trước sự phản đối của nhà chồng “hờ”, bà Dung đã phải lầm lũi ra đi.

Bà được bà con ở P.Bến Gót cưu mang, chỉ cho cách làm đơn lên phường để xin đất chùa dựng nhà. Mối quan hệ với người chồng “hờ” kia vẫn tiếp tục cho đến năm 1990, bé Hoàng Anh Tuấn ra đời, là minh chứng cho tình yêu của hai người.

Nhưng niềm vui chẳng được trọn vẹn, dù đã có đứa con làm cầu nối, bà Dung vẫn không được nhà chồng chấp nhận nên lại một mình nuôi con trong sự soi xét của người đời. Còn người chồng “hờ” ấy, sau này cũng rời bỏ bà, cắt đứt mọi liên lạc.

Biết con thiếu thốn tình cảm và sự chăm sóc của bố nên bà Dung dành hết mọi thứ có thể cho đứa con trai. Người mẹ nào ngờ rằng, sự nuông chiều đó đã trở thành mầm mống làm “hỏng” đứa con trai duy nhất của bà.

Học hết lớp Chín, Tuấn nghỉ học ở nhà, rong chơi lêu lổng và xem ai thuê gì thì làm nấy. Khi đủ 18 tuổi, Tuấn đi nghĩa vụ quân sự hai năm rồi khi trở về thay vì học nghề bằng giấy giới thiệu của quân đội, Tuấn lại tự mình vay mượn tiền để học lái xe tải.

Mất tiền đi học nhưng Tuấn lại không theo nghề lái xe mà làm tự do, làm thuê trên tàu thủy, làm phông bạt và từ đó quen biết một số đối tượng làm nghề cho vay nặng lãi. Cũng từ đây, cậu con trai ngỗ ngược đã gây tai họa, khiến mẹ già khắc khổ của mình phải sống trong cảnh màn trời, chiếu đất. 

Man troi chieu dat vi dua con hu hong
Bà Dung phải nằm tạm trong căn nhà cũ để chờ hồi phục sức khỏe

Bà Dung cho biết, năm 2012, con trai bà muốn thế chấp sổ đỏ để vay tiền ngân hàng nhưng không được chấp nhận vì việc làm không ổn định. Một người quen của Tuấn đã đứng ra môi giới với số tiền vay 50 triệu đồng, sau đó vay thêm 60 triệu đồng nữa, tổng cộng 110 triệu đồng.

Con bà vẫn trả lãi đều đặn cho đến cuối năm 2016, Tuấn bị công an bắt khi đang đi cùng nhóm bạn và có người mang theo ma túy. Tuấn phải thụ án 36 tháng tù giam vì tội đồng phạm, bỏ lại mẹ già cùng món nợ ngày càng lớn của mình. 

Vẫn sống vì con

Cũng vào thời điểm này, bà Dung biết sổ đỏ của ngôi nhà này được sang tên cho người khác từ năm 2013. Như vậy, không rõ bằng cách nào từ những năm trước đó, Tuấn đã lừa bà Dung ký giấy sang tên sổ đỏ cho mình. Để rồi từ đó, Tuấn sang tên cho người khác để giải quyết món nợ mà mình đã vay. 

“Trước đó, khi nó muốn vay 50 triệu đồng để làm gì tôi không rõ. Nghĩ rằng cũng chỉ có món nợ ấy thôi nên tôi vẫn cố gắng đi làm, chạy chợ để kiếm tiền cho con trả nợ. Tôi góp nhặt được ba lần, tổng cộng  21 triệu đồng đều đưa hết cho con để trả ngân hàng, lấy sổ đỏ về. Rồi cho đến lúc bị cưỡng chế, tôi mới biết con đã sang tên sổ đỏ cho người khác rồi. Con tôi đi tù nhưng khi tòa tuyên án cũng không gửi giấy báo về gia đình, để tôi còn biết mà dự”, bà Dung bức xúc.

Sau khi bị cưỡng chế, bà Dung ôm đồ đạc ra bụi chuối bên vệ đường nằm và bị cảm lạnh. Người dân thương cảm nên đã bế bà vào căn nhà cũ nằm tạm và  nhờ y tá ở trạm y tế gần đó đến truyền nước. Bên chủ mua căn nhà cũng yêu cầu bà Dung phải rời khỏi căn nhà trong vài ngày tới để họ đập đi xây lại. Bà nghẹn ngào: “Chắc tôi cũng ra ngoài dựng tạm một cái lán nhỏ ở khu đất trống để ở thôi. Hy vọng khi ra tù, nhìn thấy cảnh mẹ như vậy, nó biết hối hận mà cố gắng làm lại từ đầu”.

Theo một người cháu họ của bà Dung, từ khi Tuấn vào tù, mặc dù nhà nghèo nhưng bà vẫn tích cóp tiền để đi thăm nuôi, gửi tiền vào cho con. Khi thông tin về hoàn cảnh bất hạnh của bà Dung được đăng tải lên mạng, nhiều người đã chia sẻ và kêu gọi hỗ trợ. “Khi biết thông tin này, bà Dung bảo rằng, không muốn nhận giúp đỡ của ai dù tiền bạc hay hiện vật. Hãy dùng quà đó giúp đỡ người gặp khó khăn hơn”, người cháu cho biết. 

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI