Màn tái xuất choáng ngợp của Trần Khải Ca

08/01/2018 - 20:02

PNO - 'Yêu miêu truyện' là bộ phim kỳ công và tốn kém nhất trong sự nghiệp điện ảnh của Trần Khải Ca. 'Chúng tôi tạo ra những thứ chưa ai từng thấy' - ông nói.

Những cảnh quay cung đình của Yêu miêu truyện đã vượt xa cả Hoàng Kim Giáp của Trương Nghệ Mưu lẫn Dạ yến của Phùng Tiểu Cương về độ choáng ngợp. Theo đơn vị phát hành tại Việt Nam, Yêu miêu truyện có chi phí lên tới gần 500 triệu USD - con số chưa từng thấy trong lịch sử điện ảnh Trung Quốc.

Man tai xuat choang ngop cua Tran Khai Ca

Yêu miêu truyện của Trần Khải Ca thừa hoành tráng nhưng chất lượng nội dung chỉ ở mức trung bình - khá

Với mức đầu tư mạnh bạo ấy, tác phẩm dựa trên tiểu thuyết Sa môn Không Hải của tác giả Nhật Bản Yumemakura Baku gây ấn tượng mạnh về mặt thị giác. Các nhà làm phim đã chăm chút từng chi tiết để Trường An - kinh đô đẹp nhất của Trung Hoa cổ đại - xuất hiện nguy nga, tráng lệ trên màn ảnh. 

Trên nền bối cảnh đó, phim có hàng ngàn diễn viên, sử dụng hơn 15.000 bộ trang phục và được ghi hình trong hơn năm tháng, trải dài qua ba mùa trong năm. Điểm đặc biệt khác của Yêu miêu truyện là có tới 12.000 cảnh quay sử dụng kỹ xảo được xử lý hậu kỳ tại Nhật Bản với công nghệ tân tiến.

Tuy nhiên, các cảnh quay trước phông nền xanh chỉ chiếm 3% thời lượng phim. Quả thực, mỗi khung hình trong Yêu miêu truyện có thể sánh với những bức tranh thủy mặc và may sao, tác phẩm cũng lược bớt được nhiều yếu tố “giả” của kỹ xảo cùng sự lòe loẹt quá cỡ vốn có ở các phim cổ trang, kỳ ảo của điện ảnh Trung Hoa.

Sau sự “dữ dội” về mặt hình thức, Yêu miêu truyện chỉ có chất lượng nội dung ở mức trung bình khá. Phim chứng tỏ sự lên tay của đạo diễn họ Trần so với Vô cực hồi năm 2005, nhưng còn cách xa độ tinh túy về cảm xúc và tư tưởng mà tuyệt tác Bá vương biệt cơ mang tới từ hơn hai thập niên trước. 

Man tai xuat choang ngop cua Tran Khai Ca
 

Trần Khải Ca chọn lối kể câu chuyện huyền sử thời vua Đường Huyền Tông theo phong cách trinh thám. Những diễn biến ly kỳ, kịch tính bắt đầu khi hoàng đế đột ngột mắc bệnh lạ và băng hà. Lúc này, nhà sư Không Hải (tên tiếng Nhật là Kukai) tới thỉnh giáo Phật pháp Trung Hoa và nhà thơ Bạch Lạc Thiên (Bạch Cư Dị - vốn là người chép sử trong kinh thành) cùng phát hiện ra nhiều sự lạ.

Họ bắt đầu theo dấu con miêu tinh nói tiếng người đang làm náo loạn triều chính. Vụ án dẫn dắt cả hai đến với những manh mối về cái chết của Dương Quý Phi. Sự thật về kinh đô Trường An lộng lẫy nhưng cũng ẩn giấu nhiều bí mật đau thương dần được hé lộ.

Với sự cộng gộp của huyền sử và tiểu thuyết, bộ phim đủ sức thu hút khán giả, ít nhất là ở Trung Quốc. Trần Khải Ca đã làm rất tốt việc đưa lối làm phim và cách kể chuyện hiện đại vào câu chuyện cổ. Điểm yếu ở đây là ông đã không đảm bảo được mạch logic của tuyến truyện, sa vào những rối rắm, lắt léo không cần thiết.

Xuyên suốt tác phẩm dài hơn hai giờ, chẳng hiểu ông đang tập trung vào câu chuyện tình yêu hay về hành trình tìm kiếm ý nghĩa sống của mỗi kiếp người. Dàn diễn viên cũng chưa tạo được dấu ấn nổi bật. 

Bùi Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI