Mặn như nước mắt

09/03/2020 - 09:04

PNO - Hạn mặn đang diễn ra khốc liệt trên nhiều tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long. Đất đai nứt nẻ, cây cối chết dần chết mòn. Người dân khóc ròng cho thảm cảnh "mấy chục năm qua mới gặp lần đầu".

 

Những dòng sông trơ đáy, những cánh đồng "ma"
Ngay cửa ngõ huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang), những dòng sông, kênh, rạch chỉ còn vài vũng nước nhỏ khiến người ta không khỏi giật mình. Chúng báo hiệu cho sự bất thường, nối tiếp sau đó.
Cạnh Chợ Gạo là huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông, thị xã Gò Công cũng thuộc Tiền Giang, tình cảnh còn bi đát hơn. Sông rạch trơ đáy. Đất dưới lòng sông khô lại, nứt nẻ thành từng mảng lớn. Người ta có thể đi bộ dưới đáy sông.
Nông dân phải chia ca để dùng nước còn lại tưới cho cây trồng
Nông dân phải "chia ca" để dùng nước còn lại tưới cho cây trồng
Ông Sáu Tân (xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây) cho biết, các cửa đập, cống hiện đã được đóng hoàn toàn để tránh nước mặn bên ngoài tràn vào. Cộng với việc nước ngọt dự trữ được sử dụng gần hết dẫn đến tình trạng lòng sông, kênh rạch trơ đáy. 
Ông vừa nói vừa chỉ về miệng cống, cho biết chỉ khoảng hai ngày nữa, lượng nước ngọt còn lại sẽ hết sạch. Trong khi đó, hơn một công rau màu của ông chỉ mới kịp nhú mầm. Chắc chúng sẽ chết hết. “Người bên này cống muốn dùng nước phải thông báo cho người bên kia cống. Nếu hai bên bơm cùng lúc, nước lên không mạnh. Hai bên phải chia thời gian chứ không thể ngày nào cũng tưới”, ông nói.
Hai ao cá của gia đình anh Phan Thành Nghiệp cũng trơ đáy hơn tháng qua. Chiều chiều, mấy đứa nhỏ trong xóm tụ tập để đá banh trên nền đất loang lổ vết chân chim. Chúng cười vì vui, còn người lớn buồn rầu kể sao cho hết. 
Những cánh đồng lúa bạt ngàn trải dài trên đất Gò Công ngả sang màu vàng. Nhìn xa, cứ ngỡ đang tới mùa thu hoạch. Nhưng kỳ lạ, không một bóng người, không một xe suốt lúa có mặt trên đồng ruộng. 
Anh Võ Minh Trung - một chủ ruộng tại xã Thạnh Trị - cho biết: “Buổi sáng, lúa còn ngậm sương nên nhìn tươi một chút. Còn buổi trưa, lúa gục đầu ráo trọi. Cứ tình cảnh này, không biết phải sống 
thế nào”. 
Ông Năm Vĩnh (xã Long Bình, huyện Gò Công Tây) than thở: “75 tuổi đời, lần đầu tiên tôi gặp cảnh trớ trêu này”. 
Càng đi về hướng biển Tân Thành, những ruộng lúa chuyển màu vàng càng đậm hơn, có nơi nhìn như cỏ chết cháy. Mấy vườn mãng cầu cũng khô trụi lá vì thiếu nước. Lòng người nông dân cũng “chết” theo chúng tự bao giờ.
Qua phà Cửa Đại, bên bờ kia sông là huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre). Những dòng sông, con rạch vẫn đầy ắp nước, có nơi mang màu đỏ ngầu của phù sa, có nơi trong veo nhìn thích mắt, nhưng tất cả đều không sử dụng được vì bị nhiễm mặn. 
Những chiếc máy bơm dẫn lượng nước ít ỏi còn sót lại vào đồng
Những chiếc máy bơm dẫn lượng nước ít ỏi còn sót lại vào đồng
Những vườn cây trái héo lá trong 10 ngày qua vì không được cấp nước. 
Anh Tiến (xã Phú Long, huyện Bình Đại) đang chở một bồn nước đầy về nhà. Tiếng anh hòa lẫn vào tiếng xe ba gác ầm ầm: “Mặn hết rồi, cả một vùng. Ngày nào tôi cũng phải đi đổi nước để xài. Người cũng chết, huống gì cây cối”.
Đảo lộn tất cả
Cứ khoảng 2g chiều mỗi ngày, chị Thu và nhiều bà con xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) tập trung lại để đi mua nước. Với 10.000 đồng, họ sẽ có được một thùng nước ngọt 30 lít. Cảnh xe ba gác ngược xuôi chở nước, người người nhà nhà mang thùng mua nước không còn xa lạ. Càng về chiều, không khí càng tất bật hơn, bởi ai cũng muốn có nước về để kịp nấu ăn, phục vụ các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu.
Chị Thu cho biết khoảng hai tháng nay, đến việc đi vệ sinh, tắm rửa đều phải tiết kiệm nước tối đa. Nếu không, dù có tiền cũng không có nước để mua.  
Trên đường dẫn ra biển Tân Thành, chủ một quán cà phê cho biết, khoảng một tuần qua, nước cúp liên tục. Có hôm, anh đang tắm rửa, giặt quần áo, người dính đầy xà bông thì cúp nước. Ly, tách buôn bán phải dồn lại, đến khung giờ có nước mới rửa được.
Ở Bến Tre, nước vẫn được nhà máy cung cấp cho người dân nhưng không phải ai dùng cũng được. Chị Ý (xã Thới Sơn, huyện Châu Thành) than phiền vì nước máy nhưng vẫn mặn chát. “Khi tắm xong, người lúc nào cũng rít, ngứa, khó chịu. Nấu ăn thì khỏi phải nêm muối. Nhà nào kỹ, họ đổi nước thùng để tắm lại cho sạch hoặc để nấu ăn. Nhưng có tiền cũng chưa chắc mua được nước thùng”, chị chia sẻ. 
Lòng ao nứt nẻ vì cạn nước
Lòng ao nứt nẻ vì cạn nước
Trên chuyến phà qua sông Cửa Đại hay trên con lộ nhỏ dẫn vào các thôn xóm, đâu đâu cũng có thể nghe thấy những tiếng thở dài. Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau hay nằm bên trong như Hậu Giang cũng lâm vào cảnh tương tự. Mùa màng thất bát, cuộc sống đảo lộn, người miền Tây đang trong tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. 
Cầm cự được đến bao giờ?
Nhà chị Thu may mắn có một ao nước ngọt khá rộng được trữ từ trước. Hằng ngày, chị cho mọi người đến lấy về, khuấy phèn cho trong dùng tạm trong việc rửa ráy, giặt giũ. “Tôi cho chứ không bán. Tình cảnh này, bán nước khác gì giết bà con mình. Nhưng chỉ vài ngày nữa thôi, nước sẽ cạn hết. Tới lúc đó, không biết lấy đâu mà cho nữa”, 
chị nói.
Tại Cái Mơn, nghề chở nước thuê thịnh hành trong một tháng qua. Họ sẽ lấy nước từ bờ sông Vĩnh Long (nơi có độ mặn đo được dưới một phần ngàn), cách đó gần 40km, sau đó giao cho chủ vườn cây ăn trái, cây kiểng. Giá mỗi khối nước dao động 100.000-150.000 đồng, tùy quãng đường xa, gần.
Chú Tám Lẹ (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) chia sẻ: “Cây ăn trái, cây kiểng phải cẩn trọng từng chút một. Vì thế, chúng tôi quyết định thuê xe chở nước. Chi phí khoan giếng mất 120 triệu đồng trở lên. Nhưng nếu không có nước hoặc nước không sạch, coi như uổng công, phí tiền”.
Một số chủ ruộng ở Gò Công Tây, Gò Công Đông mua nước máy với giá khá đắt để bơm vào ruộng cầm cự suốt nửa tháng qua. 
Các cổng đập đều được đóng cửa để tránh nước mặn tràn vào
Các cổng đập đều được đóng cửa để tránh nước mặn tràn vào
Trên cánh đồng thuộc xã Long Bình, tiếng máy chạy ầm ầm suốt buổi sáng để kịp bơm lượng nước còn sót lại trên kênh vào ruộng. Dưới thì lúa đang xanh, trên đường đê đất đã khô trắng. Ông Năm Vĩnh tặc lưỡi mấy cái, rồi bảo: “Nước con kênh này cạn, chúng tôi chịu thua. Thôi, bỏ đi cho rồi”. Có lẽ, trong tận cùng của sự bất lực, họ đang tự an ủi chính mình, rằng đã làm hết sức. 
Mỗi ngày, một chiếc máy bơm sẽ tiêu tốn khoảng 40-50 lít dầu. Sau đó, tổng tiền sẽ chia đều cho các hộ. Nhẩm tính, ông Năm Vĩnh nói: “Làm ruộng, một công có lời bao nhiêu. Giờ chưa gì hết, đã đổ hết vào 
xăng dầu”.
Trong cơn khát sau một ngày dài, tôi hớp vội ngụm nước xin trong nhà một người dân ở Bình Đại. Nước mặn chát, gắt cổ. Xem ra, vị của nước mặn và nước mắt người dân trong tình cảnh này có khác nhau là bao. 
Thành Lâm
 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI