Mặn mòi xứ Thuận Hải

20/02/2020 - 07:47

PNO - Thuận Hải là vùng đất cũ gồm hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hiện tại. Khí hậu nắng và gió cùng dấu ấn Chăm đã tạo nên nét văn hóa độc đáo cho vùng đất này.

Nắng và gió

Từ thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa), xuôi theo quốc lộ 1A, ta sẽ đến được thành phố Phan Rang - Tháp Chàm thuộc tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên, nếu lựa chọn cung đường ven biển, ta sẽ khám phá được khu Tứ Bình (Bình Ba, Bình Hưng, Bình Lập, Bình Tiên), Vĩnh Hy và Hang Rái tuyệt đẹp. Đây đều là những vịnh, bãi biển hoang sơ xanh mướt bao la.

Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm nằm giữa cung đường này, tựa như một cái hốc gió hứng nắng. Nền nhiệt luôn ở mức cao cùng hướng gió luân chuyển khôn lường dễ khiến du khách khó chịu. Đó tựa như cô gái đẹp nhưng khó gần.

Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt không làm khó được người dân nơi đây. Họ tận dụng sự khắc nghiệt của thiên nhiên để biến nó thành ưu đãi. Những cánh đồng điện gió không chỉ cung cấp năng lượng mà còn giúp bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng những nguồn năng lượng tạo ra nhiều chất thải như dầu, than.

Dọc đường, nhìn những cánh quạt xoay đều khiến ta có cảm giác chúng vẫy tay, mến chào du khách. Màu trắng của những cánh quạt nổi bật trên nền xanh của trời, của rừng và của biển.

Cánh đồng điện gió Trung Nam tại Ninh Thuận.
Cánh đồng điện gió Trung Nam tại Ninh Thuận.


Ninh Thuận là địa phương có sản lượng muối lớn nhất và muối Cà Ná là một trong những thương hiệu muối nổi tiếng của cả nước. Những ruộng muối óng ánh dưới nắng hè gay gắt là kết tinh từ sự cực nhọc của diêm dân và khắc nghiệt của thời thiết. Biết đâu, trong hạt muối Cà Ná vì có giọt mồ hôi của người dân nơi đây nên chúng mặn mòi khó tả.

Nắng quanh năm với nền nhiệt cao là điều kiện thuận lợi cho nghề làm muối của diêm dân Cà Ná. Họ dẫn nước biển vào các cánh đồng và dùng phương pháp phơi nước để làm muối. Nhiệt độ cao, độ ẩm thấp và gió mạnh là điều kiện lý tưởng cho công việc này.

Muối thu hoạch từ các cánh đồng được vun thành đống cao tại Cà Ná.
Muối thu hoạch từ các cánh đồng được vun thành đống cao tại Cà Ná.

Từ Phan Rang để đến được Cà Ná thì con đường đi ngang Mũi Dinh là lựa chọn xứng đáng hơn cả. Đây là tuyến đường đèo áp sát biển với một bên là núi đá, một bên là vực biển hứa hẹn sẽ mang lại cảm giác nắng và gió trọn vẹn cho những người thích khám phá.

Đường ven biển Ninh Thuận - Cà Ná.
Đường ven biển Ninh Thuận - Cà Ná.

 

Một đoạn đường tại eo biển Cà Ná ở Quốc lộ 1A.
Một đoạn đường tại eo biển Cà Ná ở Quốc lộ 1A.

Dấu ấn Chăm

Ninh Thuận và Bình Thuận không chỉ có nắng và gió. Đây còn là hai tỉnh có cộng đồng người Chăm lớn nhất cả nước. Người Chăm ở đây được gọi là Chăm Panduranga (Chăm Phan Rang).

Chỉ dấu để nhận dạng vùng đất của người Chăm chính là hệ thống tháp Chăm hay còn gọi là tháp Champa. Những ngôi đền mang phong cách Hòa Lai (xuất hiện từ thế kỷ IX) là dấu ấn kiến trúc độc đáo của xứ Thuận Hải. Phong cách Hòa Lai là một trong những phong cách kiến trúc cổ của Chămpa.  

Tháp Chăm Hòa Lai là một cụm tháp cổ gồm ba tháp. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ còn hai tháp trong di tích và một nền gạch vụn ở giữa. Ba tháp nằm trên một bãi đất rộng, các cửa đều hướng về hướng đông là hướng mặt trời mọc.

Tháp phía nam của cụm tháp Hòa Lai.
Tháp phía nam của cụm tháp Hòa Lai.

Tháp phía nam là tháp lớn nhất. Trong khi đó, tháp phía bắc là tháp có kiến trúc độc đáo hơn cả. Khu di tích tháp Chăm Hòa Lai nằm trên quốc lộ 1A, đoạn qua thôn Ba Tháp, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.

Tháp phía bắc của cụm tháp Hòa Lai.
Tháp phía bắc của cụm tháp Hòa Lai.

 

Hoa văn trang trí trên một mặt tháp bắc.
Hoa văn trang trí trên một mặt tháp bắc.

Theo quốc lộ 1A đi về phía nam, tháp Pô Đam (làng Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) lại mang trong mình nét độc đáo so với kiến trúc thông thường của tháp Chăm. Đó là một cụm tháp gồm một tháp rời và ba tháp liền nhau. Cả bốn tháp đều được xây dưới chân một quả đồi.

Đặc biệt, thay vì cửa hướng đông như thông thường thì các tháp ở đây có cửa hướng nam. Bên cạnh đó, cụm tháp Pô Đam có kiến trúc khá đơn giản, không có nhiều trang trí.

Cụm tháp Chăm Pô Đam.
Cụm tháp Chăm Pô Đam.

 

Mặt chính diện của hai tháp trong di tích.
Mặt chính diện của hai tháp trong di tích.

Về đến thành phố Phan Thiết, tháp Po Sah Inư sừng sững trên đồi Bà Nài (phường Phú Hài) như đang trông coi thành phố. Đây là cụm tháp cổ mang phong cách Hòa Lai. Trên đồi Phú Hài còn có chùa Bửu Sơn và một lô cốt quân sự có tháp canh.

Cụm tháp Chăm Po Sah Inư trên đồi Bà Nài.
Cụm tháp Chăm Po Sah Inư trên đồi Bà Nài.

 

Mặt sau của một tháp trong di tích.
Mặt sau của một tháp trong di tích.

Dấu ấn Chăm không chỉ thể hiện qua hệ thống tháp Chăm mà còn kết tinh và hòa quyện trong những giọt nước mắm. Hơn 2000 năm trước, nước mắm đã xuất hiện tại La Mã cổ đại với hai loại garum và liquamen được ủ bằng muối và cá. Bằng con đường tơ lụa trên biển, nước mắm theo chân thương buôn Ấn Độ du nhập Chămpa.

Năm Tân Mùi 1631, chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả con gái thứ ba là công nữ Nguyễn Phúc Ngọc Khoa cho vua Chămpa là Po Romé. Từ đó, người Việt tiếp cận cách làm nước mắm của người Chăm pa. Từ “ủ chượp” ngày nay cũng có nguồn gốc từ tiếng Chăm.

Ghé thăm bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa, ta sẽ khám phá gốc tích của giọt nước mắm cũng như mối lương duyên Kinh - Chăm tại nơi này.

Bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa (360 Nguyễn Thông, Phú Hài, Phan Thiết - Mũi Né).
Bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa (360 Nguyễn Thông, Phú Hài, Phan Thiết - Mũi Né).

 

Mô phỏng tháp Po Sah Inư tại bảo tàng.
Mô phỏng tháp Po Sah Inư tại bảo tàng.

 

Thùng lều dùng để ủ chượp.
Thùng lều dùng để ủ chượp.

Nếu có dịp, mời bạn một lần ghé thăm xứ Thuận Hải, phơi nắng, đón gió và hòa mình vào biển để cảm nhận được sự mặn mòi của thiên nhiên và con người nơi đây. Đó là mắm, là muối và dấu ấn Chămpa những thế kỷ đã qua.

Tấn Đồng
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI