ATM gạo đã dời về địa điểm mới
Sáng 28/4, Phó chủ tịch thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã “vi hành” đến số 2 Đỗ Thừa Tự, phường Tân Quý, quận Tân Phú, TPHCM. Ông khảo sát hoạt động của chiếc máy ATM gạo vừa được tái lắp đặt, ướm chừng giãn cách của người dân đến nhận gạo, xem xét cả khoảng không rộng rãi, thoáng mát của nơi này. Đây là địa điểm mới của chiếc ATM gạo đầu tiên xuất hiện trên thế giới, nằm gọn trong khuôn viên rộng rãi của Ban chỉ huy quân sự quận Tân Phú.
|
Hoàng Tuấn Anh nhận bằng khen của UBND TPHCM từ Phó chủ tịch thường trực Lê Thanh Liêm |
Vị Phó chủ tịch thường trực UBND TPHCM liên tục mỉm cười. Ông bày tỏ sự hài lòng. Trao cho anh Hoàng Tuấn Anh - cha đẻ của ATM gạo bằng khen của UBND TPHCM cho thành tích “xuất sắc trong nghiên cứu, chế tạo máy phát gạo tự động - đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19”, ông Liêm gửi gắm những lời động viên, khích lệ sau biết bao “trần ai” mà Tuấn Anh đã chịu.
Tuấn Anh không nói nhiều về niềm vui này. Trân trọng món quà, nhưng với anh, đó không phải sự mong chờ trong chuỗi hoạt động thiện nguyện thông qua sự ra đời, tồn tại của chiếc ATM gạo. Đôi mắt anh vẫn đầy nỗi mệt nhọc. Đã trải qua nhiều đêm thiếu ngủ, hiển nhiên, với Tuấn Anh, không phải anh thao thức vì sự “trần ai” vô duyên nào đó, mà là do quá bận. Quy mô, sức lan tỏa của ATM gạo đã vượt qua dự tính. Từ chiếc máy đầu tiên, hiện tại, đã có 80 ATM gạo khác đang vận hành trên mọi miền đất nước.
Trong đó, 30 cái do anh chủ động tặng, còn lại là thực hiện theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Hàng ngàn tấn gạo, theo đó đã mang đến ấm áp, đắp đủ cho xấp xỉ một triệu đồng bào đang trong cơn thắt ngặt. Và… lạ lùng, sau sự cố dẫn đến đổ ập sấp ngửa khen chê của dư luận vừa qua, số lượng người dân nghèo, khốn khó lẫn sự chung tay của Mạnh Thường Quân đến với ATM gạo của Tuấn Anh, càng nhiều.
Còn sai đúng đã qua, anh gói gọn: “Khi đó mình rất sốc. Nó khủng khiếp. Nhưng, giờ mình đã hết buồn. Xong rồi thôi”. Sài Gòn, vùng đất của dung nạp, tiếp đón người xấu - tốt, biết khích lệ lẫn những người dễ buông lời dìm kéo. Thành phố phồn hoa bậc nhất chứa trong nó những yếu khuyết, cũng tồn tại như một mặt khác, để tỏa sáng hơn vẻ rạng rỡ cho mảng phần đối lập. Tuấn Anh cho hay: “Mình lo lắng rằng, trong cơn khó khăn của dịch bệnh, nếu không có bàn tay chìa đỡ sẽ dễ dẫn đến tội phạm phát sinh. Rồi, người nhập cư bị mất việc phải gánh thêm trên vai cơm áo cả gia đình ở quê, áp lực chồng áp lực sẽ rất tội cho họ. Nên mình hành động thôi”.
Nào ngờ, hôm đó, anh đang trên đường về các tỉnh miền Tây để lắp ATM gạo thì nhận được thông tin. Dư luận miệt mài… chửi bới, “lên đồng” hung hãn. Chuyến xe lập tức quay đầu từ Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) về Sài Gòn để anh kịp giải quyết sự việc. Anh thừa nhận, thực sự bất an trước những lời dọa giết của một bộ phận cộng đồng. Ba nhân viên của anh, quá sợ hãi cũng đã xin nghỉ việc.
Nhưng, những nao núng đó qua rất nhanh, anh chọn lùi một bước, để chiêm nghiệm bài học, rồi bước tiếp. Con số 5.000-6.000 lượt người dân chờ nhận gạo mỗi ngày không thể nào cho anh dừng lại ở câu chuyện chịu chi phối bởi cảm xúc tiêu cực. Hơn nữa, sự ngay chính, ý chí, mục đích xuyên suốt kể từ lúc khởi phát ý tưởng ATM gạo chưa bao giờ rời bỏ anh, hoặc bị xô lệch. Ở thành phố này, sự năng động và sẵn sàng tiếp nạp mọi sáng tạo, chưa bao giờ “dọn” sẵn cho ai một con đường dễ dàng. Mảnh đất cho phép sự thử sức, chịu thất bại, nhưng cũng đầy cơ hội và dìu đỡ để đứng lên. Guồng quay của nơi này không cho phép người ta… buồn lâu. Đau. Sốc. Xong rồi thì gạt qua, suy ngẫm kinh nghiệm rồi đi tiếp.
Những hoài bão ấp ủ
Trong những tháng ngày qua, Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh, đón nhận hàng ngàn người con của đất nước trở về từ vùng dịch… ATM gạo ra đời thêm tiếng vang, cho phép mỗi chúng ta được tự hào nhân đôi. Chiếc ATM gạo dần phủ sóng cả nước. Tuấn Anh bộc bạch, sức sống mãnh liệt đó cho phép anh nghĩ đến một kế hoạch dài hơi. Đó là duy trì nguồn gạo lâu dài từ quỹ lợi nhuận của công ty anh - Công ty cổ phần PHGLock Việt Nam - tại các ATM gạo thuộc sự vận hành của anh, đang có mặt ở nhiều tỉnh thành. Chiếc thẻ ATM gạo sẽ được phát đến cho từng hộ nghèo với hạn mức 5-10kg gạo/lần nhận để san sớt khó nhọc.
Nhưng giấc mộng không gói gọn ở đó. Năm nay, Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Vị thế này cũng đồng thời mang đến cơ hội quảng bá cho sản phẩm Việt Nam. Trong kế hoạch của mình, thông qua Chính phủ, Tuấn Anh sẵn sàng tặng máy ATM gạo cho các nước có nhu cầu. Để, trước mắt là nhân rộng một mô hình phù hợp trong công cuộc phòng chống dịch bệnh. Còn sau, là dịp để quảng bá nguồn gạo của Việt Nam - đất nước đứng thứ ba về xuất khẩu gạo. Theo đó, mang đến cơ hội cho nhiều doanh nghiệp và nông dân trong nước.
Những mệt mỏi dường như tan biến khi Tuấn Anh nói về hoài bão của một người trẻ tuổi, không sợ va vấp, không ngại “biển lớn”, giữ một ý chí chân thành mong muốn đưa đất nước tiến xa trên thương trường quốc tế. Cha đẻ của chiếc ATM gạo sinh năm 1985. Anh tự nhận là con người của những sáng chế và sẵn lòng mạo hiểm với những điều mới lạ. Mà sự thăng hoa này trong anh đã như một vốn đời, ăn vào hơi thở, khởi từ cuộc thụ hưởng một nền giáo dục, ứng xử đầy yêu thương của người làm cha mẹ.
Ít ai biết, Rubik Zoo - khu chợ container hoạt động về đêm với hàng trăm gian hàng mua sắm, ẩm thực… tại quận 1 cũng chính là ý tưởng, sản phẩm của Tuấn Anh. Anh nói về nó: “Nhiều nước có khu vui chơi, mua sắm hoạt động về đêm trong khi Sài Gòn nói riêng chưa chú trọng kinh tế đêm. Cho nên mình nghĩ đến và bắt tay làm thôi”.
Tôi để ý, chữ “thôi” luôn kết thúc một phát biểu của Tuấn Anh, như một lẽ gọn nhẹ, giản đơn, không cầu kỳ, kiểu cách. Ngay cả công ty anh, mười năm trước dò dẫm tung ra thị trường sản phẩm khóa điện tử, khi thị phần tiêu dùng cho sản phẩm này được xếp loại “sơ khai”, anh mạo hiểm suy nghĩ: “Thị trường bằng 0 nghĩa là đang nguyên vẹn tiềm năng. Cứ thử sức, thành bại cũng là sự tung tẩy của chính mình”. Bây giờ, sản phẩm này đang chiếm 20% thị phần cả nước.
Quay về Việt Nam ở tuổi 25, kết thúc mười năm học tập, sống và làm việc tại Úc, đó là cuộc trở về sau một cuộc tất tay trong dung diện “triệu phú đô la”, Tuấn Anh có quyền… buông xuôi không với những thất bại? Tôi được nghe, trong những sấp ngửa khen chê của dư luận, người ta ví von anh bao đồng, muốn… nổi tiếng, hà cớ phải nhọc nhằn trăn trở trước “trần ai” của chiếc máy ATM gạo? Tuấn Anh là con út trong một gia đình có bất động sản cho thuê, lợi nhuận đủ trang trải cho một cuộc sống “ngồi không” của không chỉ riêng anh. Vậy nên, những quyết định cần lao động, phải dấn thân, suy tính cách chìa tay với cộng đồng như đã thấy, với một người trẻ, hẳn không phải là một lựa chọn dễ dàng.
Mấy ai đang ấm êm lại đi tìm cái khó? Khí chất đó, ngay từ nhỏ, Tuấn Anh đã được cha - một bác sĩ truyền cảm hứng về tình yêu lao động. “Có người rất giàu, khi mất của cải họ không đứng lên nổi. Ba mình nghiệm rằng: khi con người có kiến thức, yêu lao động, dù trắng tay vẫn sẽ gầy dựng lại được” - anh nói.
Bé thơ, mỗi cuối tuần, anh theo cha về nông trại, phụ cha tắm heo, tắm bò, hốt phân, cắt cỏ… 15 tuổi du học tự túc.
Những năm 1950, cha mẹ của chủ nhân chiếc ATM gạo trở thành “công dân” đất Sài Gòn trong một cuộc theo gia đình di cư vào Nam. Xứ sở này đã ôm ấp họ.
Tuấn Anh chia sẻ, mẹ anh là một phụ nữ mà nhớ đến bà, là ký ức của sự dịu dàng, ấm áp, tinh tế và nhạy cảm. Đến mức, trong từng quãng sống của con, bà luôn đứng phía sau, nhìn ngó, để biết con có gặp khó mà gửi sự động viên, giúp đỡ.
Còn cha anh, ở tuổi 74, ông vẫn hằng ngày ra điểm ATM phát gạo, chứng kiến sự thụ hưởng và lan tỏa lòng tốt. Rất nhiều những giữa đêm, ông xuất hiện, góp một tay luân chuyển gạo về cho các điểm ATM gạo của một số tỉnh thành. Tuấn Anh xúc động: “Ba rất kiệm lời. Nhưng cảm nhận rằng chưa bao giờ ba vui đến thế”.
Chiếc máy vô tri, lại có thể mang niềm vui, cơ hội, nhân rộng sự hào hiệp vốn sẵn của người con Sài Gòn, người sống giữa TPHCM, đi muôn xứ. Bởi thế, đừng lạ khi một người bán rau giữa chốn này với chiếc xe rất cũ, chở tới cả trăm ký gạo góp vào hoạt động của ATM gạo, mông lung đơn giản: “Mình còn làm được ra miếng ăn thì góp, giúp những người hiện thời đang mất việc. Vậy thôi” - như từng có trong kỷ niệm của Tuấn Anh.
Chẳng cần để lại một dòng tên tuổi. Đó là chân dung của hầu hết người Sài Gòn - TPHCM hôm nay, trước khốn cùng của ai đó. Giữa đất ấy, giàu nghèo phân nhau một tấm lòng.
Phong Vân