Mận Hà Nội có 2 chất đặc biệt khiến chị em 'ăn đắm đuối' ngày hè

03/06/2019 - 12:00

PNO - Mận Hà Nội là loại trái cây 'được lòng' chị em vào dịp hè do vị chua chua ngọt ngọt, khi cắn có cảm giác giòn giòn thú vị.

Mận Hà Nội là tên gọi chung của người miền Nam cho mận tam hoa ở Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) và mận hậu Mộc Châu (tỉnh Sơn La). Mận tam hoa có lớp thịt màu đỏ tím, vị chua chua hơi ngọt. Còn mận hậu sau khi ăn có vị ngọt kéo dài.

Man Ha Noi co 2 chat dac biet khien chi em 'an dam duoi' ngay he
 

Mận Hà Nội có tên khoa học Prunus silicina, thuộc họ hoa hồng (Rosaceae). 

Theo y học cổ truyền, mận Hà Nội có vị chua ngọt, tính bình với công dụng thanh can điều nhiệt, sinh tân lợi thủy. Vì vậy, loại mận này thường được dùng để trị các chứng bệnh như: nóng trong xương (hư lao cốt chưng), âm hư nội nhiệt, môi khô họng khát, tiểu tiện bất lợi, thủy thũng, đái tháo đường (tiêu khát). Do đó, vào mùa nóng ăn mận rất thích hợp để giải nhiệt.

Trường Kỹ thuật và Khoa học Đại học Jacobs Bremen, Đức phân tích trái mận thấy có 41 hợp chất hữu cơ, trong đó 2 hợp chất chính là axit Chlorogenic và Proanthocyanidin.

Man Ha Noi co 2 chat dac biet khien chi em 'an dam duoi' ngay he
 

Axit Chlorogenic trong mận Hà Nội chứa rất nhiều tác dụng như chất chống oxy hóa, chống lão hóa, làm giảm huyết áp, thúc đẩy xương khỏe mạnh, giảm nguy cơ ung thư kết tràng và trực tràng, kháng khuẩn, kháng virut và chống viêm.

Còn chất Proanthocyanidin cũng chống oxy hóa, làm giảm huyết áp và tăng sự trao đổi chất béo, giúp giảm cân, giảm sự phát triển của xơ vữa động mạch chủ. Hợp chất này cũng giúp ổn định collagen và elastin protein trong cơ thể, giúp cho làn da khỏe mạnh và đàn hồi.

Loại protein này có trong thành phần cấu thành mạch máu và các sợi cơ. Một nghiên cứu của Pháp cho thấy proanthocyanidin giúp giảm các triệu chứng suy giảm tĩnh mạch mạn tính. Ngoài ra không thấy có tác dụng phụ nào được ghi nhận liên quan đến hợp chất này, thậm chí ở liều lượng cao.

Man Ha Noi co 2 chat dac biet khien chi em 'an dam duoi' ngay he
 

Do đó ngày hè nắng nóng, bạn nên ăn mận Hà Nội chấm với muối ớt, muối tôm hoặc làm mận lắc cũng thú vị. Nhiều nơi còn chế biến mận thành siro mận, mứt mận, rượu mận cũng rất ngon và để dành dùng dần.

Lưu ý khi ăn mận: Ăn mận còn xanh do có chất chua nên dễ ê răng, không hợp cho những người đau dạ dày. Điều này y học cổ truyền cũng khuyến cáo người tỳ vị hư yếu không nên dùng.

                                                          Bác sĩ CK2 Hoàng Thanh Hiền  

                  Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Quận 11 TP.HCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI