Mầm thương trong những lời ru

27/10/2024 - 16:10

PNO - Đi qua gần nửa đời người nhưng trái tim tôi vẫn như đứa trẻ mỗi khi bắt gặp hay lắng nghe đâu đó những câu ca, điệu lý, lời ru văng vẳng.

Mỗi lúc như thế, lòng tôi lại trỗi lên niềm nhớ thương sâu thẳm, từ miền ký ức mênh mông. Nhớ sao là nhớ giọng bà ngoại ngân lên êm ái với từng lời dạy răn, thông qua những câu thơ Nôm hay mẩu chuyện xưa tích cũ.

Bà ngoại tôi thuộc kiểu phụ nữ chịu thương chịu khó, một lòng chăm lo quán xuyến gia đình, lo cho chồng, con từng tấm áo, manh quần lành lặn và những bữa cơm thơm dẻo. Hình ảnh bà gần gũi và giản dị đến nỗi tôi tin rằng, dù có xa cách bà bao lâu, hễ nhắm mắt lại, tôi vẫn có thể vẽ ra hình ảnh của sự yêu thương quảng đại đó.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Tôi luôn quấn quýt bên bà không hẳn chỉ vì những món ăn hấp dẫn bà nấu. Tôi say mê bà, bởi bà như một người thầy lớn đã giáo dưỡng tâm hồn tôi suốt thời tấm bé.

Ông bà có tất thảy 6 người con và 24 cháu nội - ngoại. Thế nhưng, từ nhỏ chỉ có tôi may mắn được sống cùng ông bà, được bà chăm bẵm, bao bọc trong vòng tay yêu thương vô bờ bến. Vì thương đứa trẻ là tôi sớm chịu nhiều thiệt thòi nên tình thương của bà đều như dành hết cho tôi. Theo lời bà nói: “Nó sinh ra lãnh hết cái đau cái bệnh của nhà này”.

Ngay từ khoảnh khắc bà mụ đỡ đẻ cho mẹ tôi kéo bà ra nói nhỏ rằng: “Đứa bé này bị dị tật ở chân, về sau sợ không đi đứng được”, lòng bà như thắt lại. Niềm đau quặn thắt của bà không khác gì nỗi đau mà mẹ tôi phải gánh lấy.

Thời gian thinh lặng trôi, tôi thì vẫn không thể bò trườn hay chạy nhảy. Mỗi buổi trưa, bà thường phe phẩy quạt nan rồi ngân nga đọc những bài thơ, kể chuyện Thạch Sanh - Lý Thông, Phạm Công - Cúc Hoa, Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, Lưu Bình - Dương Lễ... để dỗ tôi ngủ.

Tất nhiên là tôi còn quá nhỏ để hiểu hết ý tứ trong từng câu thơ ấy, nhưng những chuyện xưa tích cũ bà đọc đã neo giữ hồn tôi thật ngọt ngào. Dù bà ngoại tôi ít chữ nghĩa, song khi cất giọng đọc lại rất có hồn, đúng vần điệu, đọc như phơi hết gan ruột theo từng nhân vật qua lời thơ suôn mượt. Không phải bà đọc một lèo một lần, mà bà cũng có “chiêu”. Mỗi lần thấy tôi hơi làm biếng ăn là thể nào bà cũng nói: “Ăn giỏi rồi tối bà đọc tiếp phần hồi trưa cho mà nghe”.

Bây giờ, bà và cả ông đều đã về miền mây trắng, nhưng tình yêu thương bất tận của bà đã tiếp thêm sức mạnh, trao truyền cho tôi niềm tin yêu cuộc sống, tình yêu với những lời văn, câu thơ ý nhị. Vượt lên nghịch cảnh, tôi cũng luôn cố gắng học tập, rồi tập tành viết văn, làm thơ.

Bắt chước bà, tôi cũng đưa võng ngân nga đọc cho cháu nghe những bài thơ tôi đã thuộc nằm lòng. Và thật hạnh phúc vì cháu tôi bây giờ cũng yêu thích những hạt mầm yêu thương, được tưới tắm trong những lời thơ - y như tôi ngày ấy.

Én Nhỏ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI