Mầm khó chịu

08/05/2018 - 09:00

PNO - Có một ông chồng đã nói nhiều, mà còn nói rất lớn, như luôn muốn át tiếng người khác quả không chỉ là một cái mầm khó chịu.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Vợ chồng em cưới nhau đã bốn năm, có một con gái gần ba tuổi. Ngày xưa chồng em không nói nhiều, không phô trương giàu nghèo, chức vụ, em rất thích. Gần đây, chồng em chuyển sang làm tư vấn tài chính, tính anh bỗng dưng thay đổi. Anh không những nói nhiều, mà còn nói rất lớn, như luôn muốn át tiếng người khác. Anh nói chuyện này chuyện kia, quan điểm này nọ và lúc nào cũng cho mình đúng. Em thấy trong nhà như có một hạt mầm khó chịu đang vươn chồi, mọc lên, quấn vào tất cả mọi sinh hoạt.

Mam kho chiu
Ảnh minh họa

Em không muốn anh về nhà, vì mỗi lần anh về là bắt đầu chê trách vợ đi chợ thế này, món này sao không mua, dinh dưỡng thế nào… Em nhờ anh chở con đi học là thế nào cũng có chuyện cô giáo thế này nhà trường thế khác, nền giáo dục sẽ đi về đây về kia… “Bệnh” của anh ngày càng nặng, mầm khó chịu vươn tới cả phòng ngủ. Em chỉ muốn vô phòng khi anh đã ngủ, chứ không thì giữa một ông chồng và một cái ti vi thi nhau nói, em nhức óc không chịu nổi. Làm sao bây giờ hở chị?

 Bình Nhị (TP.HCM)

Em Bình Nhị thân mến,

Cuộc sống hiện đại khiến phụ nữ phải chịu nhiều áp lực, từ công việc đến gia đình. Việc chồng em thay đổi tính tình không phải là chuyện ngày một ngày hai, đến lúc em cảm thấy chịu không nổi, tức là áp lực đã tăng suốt quá trình dài, khiến chỉ cần vài kích thích, dù nhỏ, cũng có thể khiến nước tràn ly. Xét trên quan điểm môi trường sống, em đang bị ô nhiễm môi trường tác động, cụ thể là ô nhiễm tiếng ồn từ chồng (nói to, nói nhiều), lẫn nội dung chồng nói (chuyện gì cũng nói, không dừng lại).

Mình chỉ có thể chống đỡ bằng cả hai cách: một mặt ngăn chặn (không tập trung nghe tiếng, nếu lỡ nghe cũng không suy nghĩ, nếu lỡ suy nghĩ thì không cãi lại); mặt khác cải thiện dần: thay đổi nhận thức của gia đình.

Mam kho chiu
Ảnh minh họa

Việc “ngăn chặn ô nhiễm” cần có sự phối hợp của cả nhà. Khi con gái ở nhà, em đừng để anh “độc thoại” mà nên cùng con nói chuyện, hỏi han quanh câu chuyện của bé. Khi không muốn nghe chồng nữa, em vào phòng khép cửa lại, đi lên lầu, giả vờ mở điện thoại gọi đi, hoặc thỉnh thoảng bảo mình thích nghe nhạc bằng earphones…

Nếu không khí gia đình vui vẻ, có thể thỉnh thoảng mở điện thoại ghi âm một đoạn anh “diễn thuyết”, lúc nào phù hợp thì cho ảnh nghe ảnh nói năng thế nào. Phương thức “dĩ độc trị độc” cũng được nhiều người dùng khá hiệu quả là mời một người cũng nói nhiều như vậy đến nhà chơi để hai ông tha hồ nói năng với nhau. Nếu đó là người thân thì càng hiệu quả.

Thói thường, tự nghe thì ai cũng thấy mình nói thật hay, ngắn gọn, dễ hiểu; còn nghe người khác nói, thấy sao người ta nói dài nói dai nói dở. Bệnh nói nhiều khó chữa là vì vậy. Phòng vệ bằng cách “ít nghe”, em sẽ đỡ mệt hơn. Song song đó, khi chưa thay đổi được tình hình ở nhà, em thử xem có thể “né” bớt áp lực ở chỗ làm, để mình được thư giãn một chút.

Chúc em vui khỏe.
Hạnh Dung, 

Thư cho Hạnh Dung, quý vị gửi về:
hanhdung@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI