Mâm cơm chung trên chiếc ghế đẩu

08/10/2023 - 11:04

PNO - Muốn biết một gia đình có hạnh phúc hay không, muốn biết người phụ nữ có được trân trọng trong tổ ấm của họ hay không, hãy nhìn vào chiếc bàn ăn của gia đình cô ấy.

 

Câu chuyện về người phụ nữ ngồi chiếc bàn ăn thấp 

Trong chương trình Mind Your Manners (tạm dịch: Quy tắc hành xử) được chiếu trên Netflix, người dẫn chương trình kiêm giáo viên dạy phép xã giao người Thượng Hải - Sara Jane Ho - có dịp gặp gỡ một phụ nữ khá lớn tuổi đang sống cùng chồng và 1 cô con gái tầm 12 tuổi. Chồng Christy Alred - tên người phụ nữ - là trụ cột chính của gia đình. Christy chỉ làm vài công việc linh tinh, chủ yếu ở nhà nội trợ và chăm con. 

Theo thời gian, Christy càng lúc càng cảm thấy mình vô dụng và trở thành cái bóng không ai quan tâm trong gia đình. Chồng không nói chuyện với cô, con gái không nói chuyện với cô. Họ chỉ gọi cô khi cần nhờ vả việc nhà. Christy cảm thấy cô đơn, lạc lõng, không được tôn trọng và không nhìn thấy giá trị của mình. Cô tìm đến Sara Jane Ho để được giúp đỡ. 

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Việc đầu tiên Sara Jane Ho làm là đến thăm nhà của Christy và nhận thấy gia đình họ không có bàn ăn chung. Con gái của Christy ngồi ăn trên bộ bàn ăn riêng dành cho trẻ con. Chồng cô ngồi ăn trên sô pha. Christy cũng dùng bàn sô pha làm bàn ăn nhưng cô ngồi bệt trên sàn. Vào giờ cơm, đáng lẽ cả nhà quây quần cùng nhau thì mỗi người một góc và góc ngồi ăn của Christy sơ sài nhất, nhỏ bé nhất, thấp nhất.

Sara Jane Ho đã nói với Christy rằng để tạo sự kết nối trong gia đình, cả nhà phải cùng ăn với nhau ít nhất 1 bữa mỗi ngày. Đặc biệt, con gái Christy còn nhỏ, lại càng cần ngồi ăn cùng ba mẹ. Việc thiếu chiếc bàn ăn đã khiến sự kết nối trong gia đình Christy trở nên lỏng lẻo. Không chỉ vậy, việc “chiếc bàn ăn” của cô thấp hơn vị trí của chồng và con gái chính là sự phản ánh giá trị của cô trong gia đình. Cô quả thật đang là người có giá trị thấp nhất và ít được quan tâm nhất trong tổ ấm của mình.

Vậy nên, việc đầu tiên Sara Jane Ho giúp Christy chính là soạn một chiếc bàn ăn riêng cho gia đình, trưng dụng từ một chiếc bàn cũ trong nhà. Hành trình thay đổi của Christy vẫn còn nhiều yếu tố khác nhưng việc có một chiếc bàn ăn chung và việc “giải phóng” Christy khỏi “chiếc bàn ăn thấp nhất nhà” chính là cuộc “cách mạng” đầu tiên nhằm đưa vị thế của cô ngang bằng với chồng và con mình, cũng như giúp cô trở thành trung tâm của tổ ấm vì cô chính là người nấu ăn và tạo nên bữa cơm chung.

Bàn ăn - nơi toả ra hơi ấm của gia đình 

Từ câu chuyện của Christy, bạn có nhận thấy hình ảnh chiếc bàn ăn gắn bó mật thiết như thế nào với vai trò của người phụ nữ trong tổ ấm? Không chỉ riêng với những phụ nữ ở nhà làm nội trợ, với cả những phụ nữ công sở, việc xoay xở để có 1 bữa cơm chung cùng cả nhà ít nhất 1 lần trong ngày (dù là tự nấu hay có người giúp việc hoặc đặt bên ngoài…) đều giúp họ tạo nên sự kết nối với gia đình. Khi xã hội ngày càng hiện đại, kinh tế càng phát triển, mỗi thành viên trong gia đình thường ở phòng riêng, sự kết nối thông qua chiếc bàn ăn càng trở nên quan trọng và đôi khi, nó trở thành sự kết nối duy nhất.

Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI
Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI

Chị Hà Thanh (40 tuổi, ngụ TPHCM) là bếp trưởng của một nhà hàng nổi tiếng tại quận 1, TPHCM. Ca làm việc của chị thường bắt đầu từ 9g sáng đến 3g chiều vào ngày chẵn hoặc 3g chiều đến 10g đêm vào ngày lẻ. Chồng chị là nhân viên kỹ thuật của một ngân hàng, anh cũng phải chia ca với đồng nghiệp để trực đêm.

Dù vậy, vợ chồng họ luôn sắp xếp để có 1 bữa cơm chung trong ngày. “Có khi chúng tôi cùng ăn tối, có khi cùng ăn trưa, thỉnh thoảng kẹt lịch quá thì tôi làm nhanh trứng ốp la, pha tách cà phê, rồi vợ chồng cùng nhau ăn bữa sáng. Các con tùy lịch học, tham gia được bữa nào với ba mẹ thì tham gia, các bữa còn lại thì ăn cùng ba hoặc mẹ. Chỉ có trong bữa cơm là gia đình thong thả và trò chuyện được nhiều nhất nên dù tất bật thế nào, gia đình tôi không bao giờ bỏ bữa cơm chung” - chị Hà Thanh cho biết.

Cùng quan điểm với chị Hà Thanh, vợ chồng chú Hồng Lĩnh (cùng 64 tuổi và là bác sĩ về hưu, ngụ quận 3, TPHCM) đã giữ truyền thống ăn bữa cơm gia đình hơn 40 năm nay. Ngày trẻ, vợ chồng họ là bác sĩ ở 2 bệnh viện khác nhau, thường xuyên lệch ca trực nhưng vẫn cố sắp xếp và đợi nhau trong bữa cơm. “Dù có khi đói meo nhưng ăn một mình thì buồn, lại thương người kia ngồi ăn thui thủi nên chúng tôi cứ ráng đợi nhau” - chú Hồng Lĩnh cười vui nhớ lại.

Giờ về hưu, tuy vẫn điều hành phòng khám riêng nhưng thong thả thời gian hơn nên họ nâng số bữa ăn cùng nhau từ 1 lên 2, có khi được cả 3 bữa cùng nhau mỗi ngày. Vậy nên tình vợ chồng càng già lại càng thắm thiết.

Cả nhà "góp sức" để có bữa cơm chung 

Cả chị Hà Thanh và vợ chú Hồng Lĩnh đều chia sẻ để có bữa cơm chung nóng sốt và kết nối gia đình, họ luôn là người chủ động. “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” nên trong hầu hết mọi gia đình, phụ nữ thường đảm đương việc bếp núc và giúp cả nhà gắn kết nhau qua bữa ăn.

Nhưng nói vậy không có nghĩa là các thành viên khác đều “vô tư hưởng thụ” hay chẳng có công cán gì. Chị Hà Thanh kể, chị là người lên thực đơn và nấu chính nhưng anh cũng xuống bếp phụ chị rửa rau, vo gạo… Còn vợ chồng chú Hồng Lĩnh, ngày trước, cứ ai về nhà sớm thì nấu cơm nên bây giờ, khi nào bác gái bận thì bác trai vẫn có thể “xông pha” như thường.

Ngay cả khi không thể góp sức thổi cơm chung, việc trân trọng bữa cơm gia đình và cố gắng thu xếp về ăn cơm cùng nhau cũng là một nỗ lực rất đáng cảm kích của đối phương. Cách đây nhiều năm, tôi từng làm việc với một vị sếp người nước ngoài, giữ vị trí giám đốc mỹ thuật một tạp chí lớn. Công việc của anh rất bận rộn, thường xuyên cùng ê kíp đi chụp ảnh, quay phim…

Nhưng, trừ khi di chuyển quá xa nhà, còn lại, anh luôn về ăn cơm trưa và cơm tối cùng vợ, rồi trở lại công ty làm tiếp. Sếp tôi không đẹp trai, lại khó tính, hay mắng nhưng trong lòng chị em chúng tôi ngày ấy, anh đích thực là “soái ca” bởi hành động “luôn về nhà ăn cơm cùng vợ” gần như mỗi ngày.

Khi viết những dòng này, tôi bất chợt nhớ đến hình ảnh rất đẹp của một gia đình buôn bán nhỏ ở trước ngõ nhà tôi ngày còn bé. Tối nào cũng vậy, cứ tầm 7g, cả nhà họ lại dọn mâm cơm tối ngay cạnh quầy hàng. Dưới ánh đèn đường, cả nhà 4 người (vợ chồng và 2 con) quây quần cùng nhau bên mâm cơm nhỏ được đặt trên chiếc ghế đẩu thấp lè tè, giản dị, đơn sơ mà hạnh phúc và ấm áp. Tôi tin, dù dư dả hay nghèo khó, dù nhàn nhã hay tất bật, nếu có thể thu vén 1 bữa cơm chung cùng nhau trong ngày, gia đình đó chắc chắn hạnh phúc.

Ảnh mang tính minh họa -Beo.AI
Ảnh mang tính minh họa -Beo.AI

Trên hành trình xây dựng hạnh phúc gia đình thông qua bữa cơm ấy, chị em phụ nữ đừng bao giờ quên “nổi lửa”. Bạn có thể tự mình xuống bếp, cũng có thể nhờ người giúp việc, bận hơn nữa thì đặt bên ngoài nhưng hãy luôn nhớ chuẩn bị cho gia đình mình chiếc bàn ăn tươm tất.

Đó có thể là chiếc bàn tận dụng từ bàn cũ như cách Christy đã làm hoặc đơn giản là 1 mâm cơm chung trên chiếc ghế đẩu như đôi vợ chồng buôn bán nhỏ trước ngõ nhà tôi dạo ấy. Chỉ cần có thể quây quần cùng nhau, nơi đâu cũng sẽ là bàn ăn gia đình và nơi ấy sẽ luôn tràn ngập sự sẻ chia, yêu thương mỗi ngày. 

Cao Bảo Vy

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI